Tòa án Hiến pháp Ba Lan ngày 07/10 ra phán quyết cho biết, một số phần trong các Hiệp ước của Liên minh Châu Âu không tương thích với hiến pháp Ba Lan và làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Ba Lan. Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng đưa ra nhận định, rằng “một số cơ quan của Liên minh Châu Âu đang hành động vượt quá khuôn khổ thẩm quyền”.
Phán quyết của Toà Hiến pháp Ba Lan ngay lập tức đã gây ra các phản ứng mạnh mẽ từ phía các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu và nhiều nước Châu Âu. Ủy viên Châu Âu phụ trách Tư pháp, ông Didier Reynders tuyên bố Châu Âu lo ngại về phán quyết của Tòa Hiến pháp Ba Lan, coi đây là một sự vi phạm vào một trong các nguyên tắc nền tảng của Liên minh Châu Âu, đó là luật pháp của Liên minh Châu Âu có tính ưu thế so với luật pháp của các nước thành viên EU.
Theo ông Didier Reynders, ngay từ khi được thành lập, Liên minh Châu Âu đã hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng các phán quyết của Tòa án tư pháp Châu Âu có thẩm quyền vượt trên các phán quyết của các Tòa án quốc gia thành viên và cũng chỉ có Toà án tư pháp Châu Âu mới có thẩm quyền pháp lý để đưa ra phán quyết rằng liệu một thiết chế của Liên minh Châu Âu có hành động trái với luật của khối hay không.
Bộ trưởng Ngoại giao Luxemburg, ông Jean Asselborn thì lên tiếng cảnh báo, Ba Lan đang đùa với lửa và vụ việc này sẽ càng làm mâu thuẫn giữa Ba Lan với EU thêm trầm trọng. Trong vài năm qua, Ủy ban Châu Âu đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Ba Lan vì cho rằng nước này đang tiến hành những cải cách tư pháp đi ngược lại tinh thần nhà nước pháp quyền của EU. Tuy nhiên phía Ba Lan phản bác rằng các cải cách này là thuộc thẩm quyền quốc gia của Ba Lan.
Quan chức một số nước Châu Âu đã lên tiếng đề cập việc trừng phạt Ba Lan. Trong sáng 08/10, phát biểu trên truyền hình Pháp, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune chỉ trích Ba Lan, cho rằng phán quyết của Tòa Hiến pháp Ba Lan là một sự tấn công vào Liên minh Châu Âu và nếu Ba Lan kiên quyết giữ quan điểm này, trên thực tế nước này đang bước ra khỏi Liên minh Châu Âu. Ông Clément Beaune cũng cảnh báo, Châu Âu chắc chắn sẽ tính đến biện pháp trừng phạt kinh tế có thể khiến Ba Lan thiệt hại hàng tỉ euro.
“Chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Ba Lan lên tới vài chục tỉ euro và số tiền này đến từ sự tương trợ, đoàn kết ngân sách của các nước Châu Âu. Vì thế, sự trợ giúp này cũng đi kèm với điều kiện là các nước cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Chúng tôi đã nói rõ, Ủy ban Châu Âu cũng đã nói rõ, là nếu không có sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật lệ Châu Âu thì sẽ không có chương trình phục hồi hay trợ giúp nào cả cho Ba Lan”.
QUANG DŨNG/VOV