Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở London, Anh ngày 04/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.
Trong một tuyên bố sau Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 (gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada) diễn ra tại thủ đô London, nước chủ nhà Anh nhận định đây là một bước tiến đột phá, có thể giải phóng hàng trăm tỉ USD thương mại quốc tế. Thỏa thuận trên đặt ra một nền tảng trung gian giữa các chế độ bảo vệ dữ liệu được quản lý chặt chẽ ở các nước châu Âu và cách tiếp cận cởi mở hơn của Mỹ. Tuyên bố của Anh nêu rõ: "Chúng tôi phản đối chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số và chủ nghĩa độc tài số hóa, ngày hôm nay, chúng tôi đã thông qua Các nguyên tắc thương mại số của G7 để hoạch định rõ cách tiếp cận của nhóm đối với thương mại số".
Thương mại số được định nghĩa là thương mại hàng hóa và dịch vụ được kích hoạt hoặc phân phối thông qua hình thức kỹ thuật số, bao gồm nhiều hoạt động, từ phân phối phim và truyền hình đến các dịch vụ chuyên môn.
Theo một nghiên cứu của Chính phủ Anh, thương mại số tạo ra 326 tỉ bảng (tương đương 448,09 tỉ USD) - tương đương 25% tổng giao dịch thương mại của riêng nước này trong năm 2019. Tuy nhiên, các quy tắc khác nhau trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu khách hàng có thể tạo ra những rào cản lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là những nơi mà việc tuân thủ các quy tắc này rất phức tạp và tốn kém.
Thỏa thuận các nước G7 vừa đạt được nêu trên là bước đi đầu tiên hướng tới giảm bớt những rào cản nói trên và có thể dẫn đến một bộ quy tắc chung về thương mại kỹ thuật số. Các quy tắc này bao gồm các thị trường số mở; những luồng dữ liệu xuyên biên giới; các biện pháp bảo vệ cho người lao động, người tiêu dùng và doanh nghiệp; các hệ thống giao dịch số; và sự quản trị toàn cầu công bằng và bao trùm.
TTXVN
Bộ Y tế chính thức cho phép tiêm vaccine Covid-19 đối với trẻ từ 12-17 tuổi