(LSO) - “Từ Singapore, chúng tôi sẽ cùng đặt tay lên ngực, hướng tim mình về Việt Nam, về những vùng đất của Tổ quốc, đề cầu chúc cho tất cả mọi người được bình an, để Chính phủ có thể sớm đón chúng tôi trở về”, chị Lý nói.
Lời khẩn cầu từ Singapore
Gần 200 công dân Việt Nam đang kẹt tại Singapore do dịch Covid-19..Đại diện nhóm là chị Ngô Thị Thu Lý (33 tuổi, Hà Nội), người mẹ của hai con nhỏ, đúng ra đã lên máy bay về Việt Nam vào ngày 28/3 sau đợt điều trị ung thư. Nhưng đường hàng không, đường biển, đường bộ đều đóng khi nhiều nước thắt chặt biên giới để ngăn Covid-19.
“Tôi nhớ Hà Nội. Tôi cũng biết TP nơi mình sinh sống cũng đang bị hạn chế như bên này. Tôi xem qua ảnh và video thì thấy Hà Nội thậm chí vắng vẻ, yên ắng hơn cả Singapore. Cả trái tim tôi lúc này chỉ nghĩ về những người yêu thương ở nhà. Tôi biết rằng, kể cả xấu nhất, cũng là ở trong tay những người mình yêu thương mới là đúng”. (Chị Ngô Thị Thu Lý) |
Chị Lý cho biết, nhóm chị phần lớn là những người đi chữa bệnh, học tập, lao động ngắn hạn tại Singapore. Người chữa bệnh xong cần về, không về được. Lao động bị cho nghỉ việc, không có việc, phải về. Lao động bị cắt thẻ, phải về. Người hết hạn visa xin gia hạn nhưng phải ở trong nhà theo quy định. Người hết hạn đã xin gia hạn và chuẩn bị hết hạn, có thể không xin được nữa... Chị Lý gọi chung là nhóm “cần về nước”, vì có thể phải đối diện với nhiều hình phạt của nước sở tại nếu lưu trú quá hạn như: Phạt tiền, phạt tù, cấm nhập cảnh Singapore vĩnh viễn.
Nhóm chị Lý đã gửi đơn đến Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Singapore khẩn cầu được hỗ trợ với nguyện vọng: “Chúng tôi sẵn sàng chi trả chi phí cho chuyến bay về Việt Nam, hoặc bay nối chuyến. Khi về được Việt Nam, chúng tôi cam kết tuân thủ quy định cách ly, phòng chống dịch của Nhà nước”.
Nhưng Đại sứ quán thông tin: Tại Singapore, từ ngày 23/3/2020, Chính phủ Singapore đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với khách du lịch ngắn hạn nhập cảnh và quá cảnh, đồng thời hủy hàng loạt chuyến bay tới các nước có lệnh cấm nhập cảnh tương tự. Do đó, công dân Việt Nam quá cảnh Singapore trong khoảng thời gian trên đã bị mắc kẹt trong khu vực cách ly của sân bay Singapore, nhiều người phải chờ sân bay nhiều ngày mà không có câu trả lời từ các hãng hàng không hủy chuyến.
Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan liên quan của Singapore và báo cáo về nước nguyện vọng của các công dân Việt Nam. Trong lúc chờ chính sách mới hơn của nước sở tại, Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng tại Singapore để yêu cầu hỗ trợ công dân Việt Nam về các thủ tục gia hạn visa và các giấy tờ liên quan tới việc cư trú. Phía Singapore đã khẳng định Cơ quan Di trú nước này sẽ hỗ trợ xét duyệt gia hạn visa ngắn hạn cho công dân Việt Nam.
Nỗ lực cầu cứu và không ngừng hy vọng
Thoát nỗi lo về “án phạt” nếu lưu trú quá hạn, nhưng nhiều người trong nhóm công dân Việt Nam nói trên sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn, vất vưởng do cạn kiệt tài chính.
Chưa kể, nhiều người trong nhóm do không biết tiếng bản địa, không cập nhật được các quy định mới của Singapore có thể vô tình vi phạm và bị phạt tù. Từ 0h ngày 27/3, Đạo luật Bệnh truyền nhiễm của Singapore thêm các điều khoản mới sửa đổi và bổ sung có hiệu lực, quy định mọi hành vi vi phạm quy định “giãn cách xã hội” (giữ khoảng cách giữa người với người trong cộng đồng) nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan; người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 10.000 đô la Singapore (hơn 162 triệu VNĐ) hoặc lĩnh án tới 6 tháng tù giam, hoặc phải nhận cả hai hình phạt. Ngoài ra Singapore còn triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trước tình trạng số ca dương tính với Covid-19 ở nước này lên đến gần 700 người vào ngày 27/3 và có trường hợp tử vong.
Để có thể an toàn ở lại đất nước này, nhóm chị Lý phải giúp nhau phổ biển các quy định mới, động viên nhau cố gắng chờ ngày về nước, đồng thời tiếp tục kiên trì cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đến ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức khuyến cáo công dân không di chuyển và không về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ đã áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống Covid-19 như dừng xuất nhập cảnh và không cho quá cảnh. Nhiều hãng hàng không đã dừng, hủy các chuyến bay. Cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ công dân Việt Nam kẹt tại các sân bay quốc tế nhưng không thể giải quyết hết vướng mắc trong mọi trường hợp.
“Thú thật là tôi có hụt hẫng. Có bạn trong nhóm đã khóc. Nhiều ngày qua, chúng tôi đã rất nỗ lực cầu cứu nhiều bên và không ngừng hy vọng. Không phải ai cũng đủ điều kiện tài chính để tiếp tục ở lại. Nhưng chúng tôi hiểu nỗ lực của Chính phủ và đồng bào trong nước. Chúng tôi lắng nghe và chia sẻ bằng hết khả năng của mình. Và chúng tôi vẫn tiếp tục khẩn cầu để một ngày gần nhất có thể về Tổ quốc, được hít thở không khí của quê hương. Vì chúng tôi tin Tổ quốc không bỏ rơi chúng tôi”.
Vững tin chờ ngày về
Đối mặt với cuộc sinh tồn xa Tổ quốc ngoài sức tưởng tượng này, nhóm chị Lý không biết làm gì để hỗ trợ nhau ngoài liên tục kết nối qua mạng xã hội, động viên tinh thần, chia sẻ tin tức. Họ không hề biết nhau cho đến khi đều bị kẹt tại Singapore. Mỗi người một nơi, phải cách ly nghiêm ngặt theo quy định, nhiều người ăn nhờ, ở đậu vạ vật chờ đợi.
Bản thân chị Lý cũng phải chiến đấu vượt sức mình để làm công tác kết nối, lên danh sách nhóm, liên hệ với Đại sứ quán và xoay xở gõ cửa khắp nơi để tồn tại, để tìm đường về, chờ ngày về.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ trong lúc sức khỏe dấu hiệu suy yếu nhất, tinh thần mệt mỏi nhất, tôi lại mắc kẹt tại một đất nước khác, không phải trên quê hương mình. Dù tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng việc ở trên một đất nước xa lạ thực sự không đơn giản. Song chúng tôi mừng vì lời khẩn cầu từ Singapore đã được các anh chị nhà báo nghe thấy. Dù mệt, dù lo lắng, chúng tôi vẫn thấy ấm lòng và tin tưởng vì ở quê hương vẫn có những bàn tay chìa ra nắm chặt lấy chúng tôi”.
Từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo các công dân ở nước ngoài không di chuyển và không về nước trong thời điểm này, chị Lý đã viết “Thư Singapore”, tâm sự về cuộc sống của bản thân trong những ngày chờ về nước và động viên những người cùng hoàn cảnh. Có giường để ngủ, có đồ để ăn, trong lúc này là may mắn. Họ nhắc nhau chuẩn bị tiền để sẵn sàng mua vé máy bay, chuẩn bị đồ cá nhân để cách ly không làm phiền người khác, sắp xếp tất cả vào valy để sẵn sàng lên đường ngay khi Chính phủ cho phép công dân Việt Nam về nước.
“Từ Singapore, chúng tôi sẽ cùng đặt tay lên ngực, hướng tim mình về Việt Nam, về những vùng đất của Tổ quốc, đề cầu chúc cho tất cả mọi người được bình an, để Chính phủ có thể sớm đón chúng tôi trở về”, chị Lý nói.
Nhằm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc dừng xuất nhập cảnh, không cho quá cảnh. Nhiều hãng hàng không đã dừng, hủy các chuyến bay. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ công dân Việt Nam bị kẹt khi quá cảnh tại các sân bay quốc tế nước ngoài nhưng không thể giải quyết hết các vướng mắc trong mọi trường hợp. Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của sở tại. Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển, các công dân cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi. Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết hoặc các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không bất ngờ thay đổi quy định, công dân sẽ bị kẹt tại các sân bay quốc tế nước ngoài. Công dân Việt Nam ở nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký công dân với cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để nhận được các thông tin cần thiết, trong đó, bao gồm thông tin về các chuyến bay thương mại từ sở tại về Việt Nam; không truyền tải các thông tin không chính thức về việc tổ chức các chuyến bay thuê bao khi chưa có thông báo chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ đang tiến hành các biện pháp quyết liệt nhằm phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để. Trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự là: +84.981.84.84.84. |
Tuyết Lan(PLVN)