/ Góc nhìn
/ Giã biệt nỗi ám ảnh 'ngày đẹp trời'

Giã biệt nỗi ám ảnh 'ngày đẹp trời'

05/01/2021 18:07 |

Thủ tướng giục giã “chiến đấu” đưa kinh tế địa phương chuyển dấu âm sang dương, nhưng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố lo “một ngày đẹp trời” đến với họ. Và ”bóng ma” Covid-19 tái xuất, trong nguy có cơ. Đây chính là lúc giã biệt nỗi ám ảnh “ngày đẹp trời” để vượt lên chính mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 27/7.

Những đổi mới, bứt phá cho sự nghiệp phát triển kinh tế dù được lãnh đạo đất nước quyết liệt thúc đẩy, vẫn khiến lãnh đạo địa phương ngập ngừng vì phải nghĩ đến “một ngày đẹp trời nào đó, bỗng nhiên thành mắc sai phạm, rất tội nghiệp cho anh em”.

“Một ngày đẹp trời  bỗng nhiên mắc sai phạm”, hiện mới chỉ là nỗi ám ảnh với lãnh đạo nhiều địa phương, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên Covid-19 tái xuất thì đã là sự thật thấy rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một lần nữa nhấn mạnh, “Covid-19 là một thử thách cho bản lĩnh điều hành” và chắc chắn, thử thách lần này không giống như 7 tháng trước.

Những tháng ngày đầu 2020, nền kinh tế còn sung sức với nguồn lực khá dồi dào do tích lũy được từ mấy năm “ăn nên làm ra”. Giờ thì tăng trưởng kinh tế đã ở mức thấp chưa từng có, thu ngân sách dự kiến hụt cả trăm nghìn tỷ đồng.

Nỗi lo lần này cũng không giống nỗi lo lần trước. Giờ đây đã là lo chồng lo. 7 tháng trước, người dân chỉ lo dịch bệnh bùng phát, không nhiều quan tâm đến hàng loạt hoạt động bị đình trệ; 7 tháng sau, túi tiền ngày một hao hụt, sao có thể chỉ nghĩ về virus.

Đó là còn chưa kể, đang trong những ngày ai ai cũng phấn chấn ùa ra đường, các sân bay nội địa, các điểm du lịch, vui chơi đều chật ních, nếu phải quay trở lại những ngày giãn cách, nỗi uể oải cũng tăng gấp đôi.

Thử thách chồng thử thách, nỗi lo chồng nỗi lo thì quyết tâm thêm quyết tâm, nỗ lực càng nỗ lực.

“Chính phủ kiên quyết triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và các hoạt động kinh tế-xã hội khác”, Thủ tướng kêu gọi, “nhân dân, các nhà đầu tư hãy tin tưởng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”.

Dẫu nóng lòng phát triển kinh tế, Chính phủ vẫn dành sự tập trung cao độ cho chống dịch. Liên tục trong hai ngày, Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Đà Nẵng.

Ông nói thẳng tình hình “rất căng”, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, đã ghi nhận trên 10 ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng trong đó có cả nhân viên y tế song chưa tìm được nguồn lây; chủng virus được ghi nhận có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh.

Giao quyền tự chủ cao cho Đà Nẵng trong việc ra  các quyết định chống dịch, Thủ tướng cũng yêu cầu 7 Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,  Giao thông vận tải trực chiến cùng Đà Nẵng.

Theo đó, Bộ Y tế  tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư… hỗ trợ Đà Nẵng. Bộ Quốc phòng tiêu độc, khử trùng các địa điểm, khu vực bị cách ly, phong tỏa tại Đà Nẵng. Bộ Giao thông vận tải tăng cường phương tiện và hoạt động vận tải để đưa khách du lịch rời Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất có thể…

Cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 27/7 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại TP. Đà Nẵng.

Dẫu nóng lòng chiến đấu với dịch bệnh, Chính phủ vẫn dành sự tập trung cao độ cho mọi mặt khác của đời sống kinh tế-xã hội.

Sáng 27/7, chủ trì họp thường trực Chính phủ chống dịch, nghe tin xảy ra liên tiếp các trận động đất với vùng tâm chấn tại địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trưa cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ra công điện gửi lời thăm hỏi đến chính quyền và nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất. Ngày hôm sau, Thủ tướng Chính phủ ra tiếp công điện thứ hai để bảo đảm cho  việc khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến người dân được thực hiện đến nơi đến chốn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Bình, sáng 26/7.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến các địa phương tặng quà  gia đình chính sách trong những ngày cả nước nhớ về thương binh, liệt sĩ; trưa 26/7, vừa nghe tin tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chiều cùng ngày Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có mặt, trực tiếp thăm hỏi và chỉ đạo việc cứu người.

7 đoàn kiểm tra của Chính phủ về công tác giải ngân không thay đổi lịch trình, đã và đang tiếp tục tỏa đi các ngả đường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến…

Chống dịch bệnh là không thể chần chừ thì phát triển kinh tế cũng phải vậy. Nếu không, Việt Nam cũng sẽ mắc nguy cơ như nhiều nước trên toàn cầu, không chết vì virus nhưng chết vì đói.

Vào hồi tháng 6, khi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, nghe cử tri ca ngợi Chính phủ kiên cường không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế, Thủ tướng giải thích rõ cho người dân hiểu không phải Chính phủ không điều chỉnh, mà là chưa điều chỉnh, bởi không thể thoát ly với tình hình của thế giới.

Nhưng, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định về tinh thần kiên cường của Chính phủ, trong mọi hoàn cảnh, không để dân khổ vì dịch bệnh, không để đất nước bước lùi vì dịch bệnh.

Không để dân khổ vì dịch bệnh, ngay khi nghe hung tin từ Đà Nẵng, Chính phủ công khai minh bạch tình hình thực tế, bất kể điều này có thể ảnh hưởng đến tiếng tăm lừng lẫy chống dịch bệnh của Việt Nam trong 7 tháng qua.

Tình hình dịch bệnh Đà Nẵng diễn biến phức tạp, lệnh từ Chính phủ, chiếc Airbus 350 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sáng 28/7 vẫn cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo đón 219 công dân Việt Nam, mà có tới hơn 50% người trong số đó đang bị nhiễm Covid-19, trở về nước theo đúng lịch trình.

Guinea Xích đạo là một quốc gia nghèo ở Trung Phi,  219 công dân Việt Nam lao động tại Guinea Xích đạo đa phần là người dân nghèo Việt Nam đến làm việc tại các công trường thủy điện ở đó. Không đặc biệt thương dân, Chính phủ chắc khó mà ra được một quyết định như vậy.

Để người bệnh được chữa trị kịp thời nhất, Chính phủ cũng quyết định cho chuyến bay hạ cánh tại Hà Nội vì Hà Nội là nơi đáp ứng được yêu cầu này tốt nhất. Từ sân bay Nội Bài về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh hơn 10 km, chỉ cần khoảng 10 phút chạy xe cứu thương.

Cùng với chuyến bay nhân đạo trở về từ Guinea Xích đạo, hàng chục chuyến bay khác tiếp tục hành trình “con thoi” đón người Việt về nước. Đến nay, Việt Nam đã tổ chức hơn 60 chuyến bay, đưa hơn 15.000 người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Không để đất nước bước lùi vì dịch bệnh, Chính phủ duy trì tối đa sự cân bằng trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm trạng thái bình thường mới không bị phá vỡ.

 “Mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, được nhắc đến thường nhật, có trong mọi giải pháp, mọi hành động của Chính phủ.

Được Quốc hội cho phép, Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020, Thủ tướng trực tiếp là “tổng tư lệnh” đốc thúc quyết liệt giải ngân đầu tư công tại các địa phương.

Sau cuộc họp với lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố miền Trung, Thủ tướng họp với TP. HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Nông, Phú Thọ…

Cùng lúc, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, tạo thêm một điểm tựa nữa cho GDP đi lên. Như tại TP. HCM, cứ 4 tiếng đồng hồ về kinh tế ban đêm có thể đóng góp từ 5-8% GDP cho Thành phố này…

Chính phủ đang có những bước đi thần tốc. Thường nhắn nhủ “địa phương mạnh, Trung ương mới mạnh”, Thủ tướng mong muốn tất cả cùng nhịp, nhất là trong lúc đất nước gian nguy, địa phương càng không thể vì nỗi sợ mắc sai phạm mà ngập ngừng thêm.

Còn ngập ngừng sẽ là còn nhiều hơn con số 12 tỉnh, thành phố đang có tăng trưởng âm, còn nhiều hơn cảnh đời nghèo khổ.

LÊ CHÂU/VGP