Theo hồ sơ, gia đình ông Tiệp bán căn nhà có địa chỉ tại số 458/86, đường 3 Tháng 2, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho Phạm Thành Tiến Thịnh (sinh năm 1990, ngụ Đồng Nai) với giá 9,7 tỉ đồng. Đứng tên trong sổ đỏ là hai người con của ông Tiệp, gồm Trần Ngọc Thùy Anh (sinh năm 1994) và Trần Đình Tuấn (sinh năm 1998). Ngày 06/1/2017, hai bên đến Phòng công chứng (PCC) Số 7- Quận 6 làm hợp đồng chuyển nhượng. Thịnh nói có vay bà Phạm Thị Tím 5,5 tỉ đồng để mua nhà nên yêu cầu viết tên bà Tím trong hợp công chứng với giá chuyển nhượng 5,5 tỉ đồng. Do gia đình ông Tiệp đang thế chấp căn nhà tại ngân hàng BIDV nên PCC chưa thể phát hành hợp đồng.
Tiếp đó, hai bên đến ngân hàng BIDV, Thịnh thanh toán 3,5 tỉ đồng để giải chấp căn nhà rồi giữ luôn sổ đỏ. Số tiền 6,2 tỉ đồng còn lại theo thỏa thuận, chiều cùng ngày Thịnh sẽ mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng ACB (chi nhánh Phú Thọ - Quận 10) mang tên bà Nguyễn Thị Kim Hồng (sinh năm 1967, vợ ông Tiệp, ngụ Quận 8). Tuy nhiên, khi tới ngân hàng thì đã hết giờ làm việc. Đến 21h00’ cùng ngày, Thịnh đưa cho bà Hồng “Thư xác nhận số dư” của ngân hàng ACB với số tiền 6,2 tỉ đồng. Sáng 7/1/2017, bà Hồng được ngân hàng ACB xác nhận “Thư xác nhận số dư” này là giả nên đã đưa Thịnh và Tím lên công an Phường 12 để giải quyết. Đồng thời, bà Hồng lên Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Quận 10 nộp đơn ngăn chặn việc sang tên đối với căn nhà.
Mặc dù đã kịp thời tố cáo lên cơ quan chức năng, thế nhưng gần 04 năm trôi qua, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ. Gia đình bị hại phải đi ở nhà thuê, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như sự “gian nan” đòi lại công bằng. Ông Tiệp thì đau bệnh, Bà Hồng phải thay mặt chồng, con gửi rất nhiều đơn thư cầu cứu nhiều nơi. Mới đây là đơn gửi đến Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh vào ngày 09/10/2020 để khiếu nại toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Vì đâu mà vụ án lại bi “ngâm” quá lâu như vậy, phải chăng đó là sự “tác trách” của một số cá nhân và tổ chức có thẩm quyền?
Lẽ ra “ở dưới” đã ngăn chặn được từ rất sớm...
Sau khi nhận đơn tố cáo, ngày 9/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an Quận 10 đã tiến hành xác minh tại Ngân hàng ACB. Đến ngày 15/02/2017 đã yêu cầu trưng cầu giám định đối với “Thư xác nhận số dư" nói trên. Kết quả cho thấy đây là “thư" giả. Như vậy, đối tượng Thịnh đã cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Do đó, ngày 17/2/2017, Cơ quan CSĐT Công an Quận 10 ban hành văn bản ngăn chặn số 190/ĐTTH gửi đến VPĐKĐĐ Quận 10 để nghị tam dừng giải quyết thủ tục sang tên đối với nhà đất trên.
Biết rõ Thịnh đã làm giả tài liệu, con dấu của ngân hàng để thực hiện việc giao dịch mua bán nhà. Thế nhưng, ngày 13/4/2017, Trung tá Phạm Đình Ngọc - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Quận 10 lại ra “Thông báo số 60 về kết quả giải quyết tố cáo”, xác định nội dung tố cáo của bà Hồng là quan hệ “dân sự”, yêu cầu bà Hồng khởi kiện ra tòa !? Bên cạnh đó là ban hành Quyết định 274/CV – CQCSĐT – (ĐTTH) gửi VPĐKĐĐ Quận 10 đề nghị giải tỏa văn bản ngăn chặn số 190/ĐTTH.
Mặc dù không đồng tình với kết quả giải quyết tố cáo của Công an quận 10, ông Tiệp bất đắc dĩ nộp đơn khởi kiện dân sự. Sau khi xem xét hồ sơ, ngày 24/9/2018 TAND Quận 10 đã có văn bản kiến nghị Công an Quận 10 khởi tố vụ án hình sự với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Ôm hồ sơ hơn 06 tháng, đến ngày 03/4/2019 Công an quận 10 mới chuyển hồ sơ vụ án lên Công an TP.HCM giải quyết theo đúng thẩm quyền, bởi số tiền gia đình ông Tiệp bị lừa trị giá trên 500 triệu đồng.
Lên tới “trên” thì tội phạm thong thả biến mất
Ngày 23/8/2019, tức gần 03 năm sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thành Tiến Thịnh về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, theo khiếu nại của gia đình bị hại, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án nhưng cả tuần sau mới ra quyết định bắt tạm giam đối tượng Thịnh. Trong thời gian này, “kẻ lừa đảo” đã kịp tẩu tán tài sản và cao chạy xa bay. Đến ngày 20/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh mới ra quyết định truy nã quốc tế với đối tượng Thịnh. Vụ án cũng bị tạm đình chỉ điều tra cho tới khi nào bắt được đối tượng.
Hành vi phạm tội của Thịnh quá rõ ràng, lẽ ra cần khẩn trương xử lý. Thế nhưng, thực tế thì suốt quá trình xử lý vụ án từ dưới lên tới trên lại quá “rề rà”. Điều này làm cho vụ án càng ngày càng phức tạp, có nguy cơ “chìm xuồng” vì “kẻ lừa đảo” đã trốn ra nước ngoài, không biết khi nào mới tra tay vào còng.
Việc phát hành hợp đồng của Phòng Công chứng có hợp pháp?
Do hợp đồng mua bán đã được PCC phát hành, thêm việc ngăn chặn tại VPĐKĐĐ Quận 10 được giải tỏa nên tháng 11/2017, bà Tím có thể bán căn nhà cho người khác. Đến nay, căn nhà cũng bị chuyển nhượng qua nhiều đời chủ. Gia đình bị hại cho rằng việc phát hành hợp đồng này là có dấu hiệu trái pháp luật.
Cụ thể, theo ông Hoàng Mạnh Thắng, trưởng PCC số 7 khẳng định, sáng ngày 7/1/2017, bà Tím đã cầm sổ đỏ bản chính và thông báo của ngân hàng về việc giải chấp căn nhà đến PCC nên PCC tiến hành phát hành hợp đồng mua bán này. Nhưng theo bà Hồng, vào 08h00’ sáng ngày 7/1/2017, bà Hồng cùng Thịnh, Tím đến ngân hàng ACB kiểm tra “thư xác nhận số dư”. Phát hiện thư giả nên bà Hồng đã đưa Thịnh, Tím lên công an phường 12 quân 10 để lấy lời khai thì làm sao có chuyện bà Tím đến PCC như ông Thắng nói.
Ngoài ra, trong bản “Lời chứng của công chứng viên” ngày 7/1/2017, do công chứng viên Nguyễn Bình Quyền lập cũng ghi rõ: “Các bên đã ký vào hợp đồng này trước mặt tôi. Chữ ký trong hợp đồng đúng là chữ ký của người tham gia, giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, theo kết luận giám định số 728/KLGĐ-TT ngày 18/6/2018 của Phòng KTHS Công an TP. Hồ Chí Minh xác định: “Chữ viết tên Trần Ngọc Thùy Anh và Trần Đình Tuấn trong hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là do một người viết nhưng chữ ký thì không xác định được".
Như vậy, cần làm rõ những mâu thuẫn kể trên. Nếu như có dấu hiệu vi phạm pháp luật của PCC thì phải xử lý nghiêm. Bởi chính việc phát hành hợp đồng mua bán này của PCC nên căn nhà mới có thể sang nhượng cho chủ mới mà không thể ngăn chặn.
Việc chậm trễ trong xử lý tội phạm đã gây nhiều hậu quả cho gia đình bị hại cũng như tạo dư luận xấu trong xã hội. Nếu như các cơ quan chức năng xử lý vụ án kịp thời thì gia đình “Lão thành Cách mạng” đã không phải “gia nan” như bây giờ. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ án này, đặc biệt là về thủ tục tố tụng. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tránh không để xảy ra vụ việc tương tự. Đây cũng là vụ án lừa đảo rất tinh vi, là bài học cho người dân đề cao cảnh giác hơn khi có giao dịch, mua bán.
QUANG MINH
Bàn thêm về quy định Toà án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự