/ Đời sống - Xã hội
/ Giá trị của Di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Giá trị của Di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

30/11/2024 15:59 |

(LSVN) - Từ ngày 23 đến ngày 30/11/2024, tại 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. 10 năm qua dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã lan tỏa trong nước và quốc tế.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm”.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm”.

Ngày 27/11/2014 dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại đây là một vinh dự lớn lao cho người dân 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ví, Giặm là một món ăn tinh thần “đặc sản” của người dân xứ Nghệ, là biểu tượng cho con người nơi đây; là văn hóa, mạch nguồn làm nên cốt cách, tâm hồn các thế hệ người Nghệ. Trong hành trình 10 năm dân ca Ví, Giặm được vinh danh, nhân dân 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không ngừng sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ, chung tay góp phần làm cho di sản ngày càng lan tỏa, không ngừng phát triển. Trong dịp Kỷ niệm 10 năm này, chính quyền và nhân dân 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh làm cho di sản quê hương lan tỏa mạnh mẽ hơn trong nước và quốc tế.

Mở đầu cho hoạt động kỷ niệm là trưng bày chuyên đề: “Phú Thọ - Nghệ An kết nối Di sản” tại bảo tàng Nghệ An và bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ, qua trưng bày làm cho mọi người hiểu thêm về Phú Thọ vùng đất tổ cội nguồn của Việt Nam, Nghệ An vùng đất "phên dậu" và là then khóa của các triều đại. Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất tổ Hùng Vương. Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình phổ biến trong đời sống cộng đồng xứ Nghệ, có giá trị nhân văn sâu sắc.

Múa “Chiếc khăn phiêu” Đoàn nghệ thuật múa dân gian Việt Nam trình bày tại buổi Giao lưu nghệ thuật quần chúng “Về với Nghệ An”.

Múa “Chiếc khăn phiêu” Đoàn nghệ thuật múa dân gian Việt Nam trình bày tại buổi Giao lưu nghệ thuật quần chúng “Về với Nghệ An”.

Tại Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An tổ chức triển làm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” thu hút được nhiều địa phương trong nước tham gia. Tỉnh Nam Định tổ chức một gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Người xem thấy được ý nghĩa của thờ Mẫu Tam Phủ, coi thiên nhiên như một người mẹ, là vị thần tối cao, có quyền năng sáng tạo, cai quản, phù trợ cho con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc trong đời sống.

Chương trình thi diễn liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản” thu hút được nhiều đoàn nghệ thuật quần chúng trong nước tham gia. Tiêu biểu có Đoàn nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Đoàn nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Đoàn nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam. Giao lưu nghệ thuật quần chúng về với Nghệ An có nhiều tiết mục đặc sắc, lắng đọng sâu thẳm trong người xem như: múa “Huế Thương” do Đoàn nghệ thuật quần chúng Hà Nội biểu diễn; múa “Chiếc khăn phiêu” Đoàn nghệ thuật múa dân gian Việt Nam biểu diễn; “Hát xẩm Nghệ” do Đoàn nghệ thuật quần chúng Doanh nhân Sen Hồng, Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Tĩnh trình bày.

Festival “Về miền Ví, Giặm - kết nối tinh hoa Di sản” được tổ chức vào tối ngày 27/11 tại tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh và Trường quay Đài PTTH tỉnh Nghệ An, cầu truyền hình Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” gồm có 03 phần:

Phần 1: “Trầm tích xứ Nghệ”: Mở màn ca khúc “Câu hát quê hương” lời thơ của Nguyễn Trọng Tạo, biên đạo Hải Trường, do ca sĩ Mộc An thể hiện cùng tập thể Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trình diễn; Bài hát trữ tình, giai điệu ngọt ngào, mang đến cho người nghe ấm áp tình quê hương, thấm đậm một vùng đất văn hóa đặc sắc; Phóng sự “Trầm tích xứ Nghệ” đưa người xem trở về với cội nguồn, lịch sử đất Châu Hoan - vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất giàu trầm tích văn hóa, có nhân cách đặc trưng; Nét tiêu biểu của người Nghệ ham học, cần cù, chịu khó, có chí tiến thủ; Sách Đại Nam nhất thống chí viết về con người xứ Nghệ: “Dốc sức học hành, văn chương kiệt xuất, không thích hoa mỹ”.

Vùng đất sinh ra cho đất nước nhiều danh nhân kiệt xuất, nổi tiếng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại thi hào Nguyễn Du, Tướng công Nguyễn Công Trứ... Cả nước được 07 người UNESCO vinh danh, thì Nghệ Tĩnh chiếm 03 người. Đó là: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc; Thi sĩ Hồ Xuân Hương - bà Chúa thơ Nôm.

Nghệ Tĩnh cũng là vùng đất có nhiều di sản phi vật thể và di sản vật thể như: Di tích khảo cổ Quỳnh Văn, Làng Vạc, Rú Dầu... Có bản mộc Trường Lưu, Hoàng hoa sứ trình đồ là di sản, tư liệu quý khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính trầm tích văn hóa xứ Nghệ đã sản sinh ra các làn điệu Ví, Giặm là “hồn cốt” của vùng đất Nghệ.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”.

Phần 2: “ Hành trình di sản”: Đã tái hiện lại chặng đường bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Bằng những hình ảnh qua phim tư liệu, giao lưu trực tiếp với nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ làm cho khán giả thấy được những dấu mốc, những con người đã hết mình để lưu giữ, gìn giữ di sản vô cùng qui giá cho thế hệ mai sau.

Người xem vô cùng xúc động khi nghe Nghệ nhân nhân dân Thanh Minh kể lại biểu diễn những làn điệu Ví, Giặm để Đài truyền hình Việt Nam làm phóng sự, ghi tư liệu trình UNESCO; Nghệ nhân nhân dân Khánh Cẩm quên ngày, quên tháng, đam mê sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu Ví, Giặm cổ đang lưu truyền trong nhân dân ở vùng đất Nghệ Tĩnh; Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu người có công làm mới các làn điệu Ví, Giặm để thu hút lớp trẻ hiện nay. Nhờ sáng tạo làm mới nên dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không những được trong nước và cả nước ngoài yêu thích. Ca sĩ trẻ Hà Quỳnh Như thổ lộ tại sao cô chọn dòng nhạc dân ca, theo cô là bởi dân ca xứ Nghệ đã ăn sâu trong bản thân từ khi đang còn chập chững cắp sách tới trường. Chính vì thế Quỳnh Như thể hiện thành công nhiều làn điệu Ví, Giặm làm cho khán giả khắp cả nước mến mộ, Quỳnh Như một ca sĩ đã kế thừa và phát triển Ví, Giặm trong đời sống đương đại.

Phần 3: “Để mạch nguồn chảy mãi”: Người xem thấy được sức sống mạnh liệt, trường tồn của dân ca Ví, Giặm, từ những câu hát của người dân lam lũ trên đồng ruộng, của những chàng trai cô gái bên lũy tre làng, từ đối đáp của nam thanh, nữ tú dưới ánh trăng bên dòng sông, trên triền đê nay dân ca Ví, Giặm đã vươn ra không gian rộng lớn.

Đến nay, trên 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 349 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm với gần 6000 thành viên, trong đó nhiều cháu đang độ tuổi học sinh tiểu học. Chính những câu lạc bộ dân ca này đã làm cho Ví, Giặm lan tỏa càng nhanh chóng trong cộng đồng. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi không những bảo tồn, mà còn làm cho Ví, Giặm hòa nhập tốt trong đời sống, trong cộng đồng, truyền lửa, truyền đam mê cho thế hệ trẻ. Để con cháu gìn giữ không ngừng phát triển một di sản quý giá của quê hương”.

Ngoài xã Xuân Giang, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều địa phương hoạt động câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm có sức lan tỏa tốt như: Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh); Trường Lưu (huyện Can Lộc); Kim Liên (huyện Nam Đàn). Điểm nổi bật ở Nghệ An và Hà Tĩnh dân ca Ví, Giặm gắn với du lịch sinh thái, các lễ hội văn hóa, cả trong những đám cưới ở các làng quê. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có chương trình bảo tồn dân ca Ví, Giặm bài bản, lâu dài.

Kết thúc chương trình khán giả xúc động nghe ca khúc “Nẻo về Ví, Giặm” do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn An Ninh sáng tác, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Khánh Hà, Công Minh và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn đã làm cho người xem nhớ về cội nguồn của các làm điệu dân ca Ví, Giặm, thấy tự hào một vùng quê sinh ra “đặc sản” Ví, Giặm, tự nhủ mình càng phải có trách nhiệm chung tay, góp sức, bảo tồn, gìn giữ một di sản quý giá mà các thế hệ cha ông làm nên.

Ngày 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trưng bày và trình diễn văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, tỉnh Nghệ An thông qua Dự thảo Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khu vực đồng bằng có 100%, khu vực miền núi có 50%, đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có thành lập câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm. Phấn đấu thành lập thêm 02-03 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở tỉnh khác và thành lập từ 01-02 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở nước ngoài.

Sáng ngày 29/11 tại TP. Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể hao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”. Tham dự có TS. Phạm Lan Anh. Phó Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và nhiều nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân, chuyên gia lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Ban tổ chức nhận được 40 bài tham luận của các tác giả khắp cả nước, 10 tham luận tiêu biểu được trình bày trực tiếp, các bài tham luận đều khẳng định giá trị và tầm quan trọng của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, sức sống trường tồn trong đời sống nhân dân. Nhiều bài tham luận có ý tưởng hay để phát huy và bảo tồn dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại, đồng thời nêu lên những khó khăn thách thức cho các nhà quản lý, lãnh đạo 02 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh làm thế nào phát huy ngày một tốt hơn dân ca Ví, Giặm trong đời sống Nhân dân. Các nhà khoa học đều cho rằng để bảo tồn, lưu giữ và phát huy tốt một di sản rất quý giá này đặt ra cho Chính phủ và 02 tỉnh cần có các Chương trình hành động, lâu dài, bài bản đối với công tác sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn dân ca Ví, Giặm trong điều kiện tác động của phát triển toàn cầu hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế - xã hội.

Kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại nhằm để 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được, rút kinh nghiêm, đề ra chương trình sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ, phát triển Dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại.

HẢI HƯNG

Các tin khác