/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Giá trị nhân quyền trong triết lý và đạo đức phật giáo

Giá trị nhân quyền trong triết lý và đạo đức phật giáo

17/06/2024 06:28 |

(LSVN) - Phật giáo truyền thống đã không hề thảo luận rõ ràng về vấn đề nhân quyền và không hề ghi nhận thuật ngữ “nhân quyền” trong triết lý của mình. Tuy nhiên, triết lý và đạo đức đạo Phật thấm đẫm những tư tưởng nhân quyền và điều quan trọng là ngày nay các chức sắc và tín đồ Đạo Phật đều ủng hộ mạnh mẽ các quan điểm và nội dung của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền UDHR. Quan hệ giữa Phật giáo với nhân quyền, giữa triết lý và đạo đức của Đạo Phật với các giá trị của quyền con người không phải giờ đây mới lần đầu được thảo luận, nhưng là vấn đề còn nguyên tính thời sự cấp thiết, thực sự có ý nghĩa, rất cần được tiếp tục làm rõ.

Ảnh minh họa.

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền 1948 (UDHR) là một áng văn bất hủ và bất diệt về các quyền và tự do của con người. Tuyên ngôn là lời tuyên bố của cộng đồng nhân loại rằng: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái. Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền. Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể”(1).

Bìnhluậnvề  UDHR,GS.TS L.P.N Perera chứng minh rằng từng điều của UDHR đều đã nằm trong lời Phật dạy. Ông cho rằng toàn bộ 30 điều của UDHR đã thực sự là nền tảng cho mọi quyền con người và hoàn toàn phù hơp với tư tưởng Phật giáo, thậm chí ông còn khẳng định “Không có gì mới đối với quan niệm Phật giáo”(2).

GS Triết học Christopher Gowans thuộc trường Đại học Fordham Hoa Kỳ đánh giá: “Người ta thừa nhận rất rộng rãi rằng nhân quyền không được công nhận và xác nhận một cách rộng rãi trong các văn bản phật giáo truyền thống… Tuy nhiên, nhân quyền vẫn được (mặc dù không phải tất cả) các phật tử dấn thân ngày nay tán thành và ủng hộ” (Gowans, 2015)(3).

Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng các giá trị nhân quyền là “ngôn ngữ chung của nhân loại”, có tính phổ quát chung toàn cầu, cho mọi người, mọi thành viên nhân loại, cho mọi tín đồ của các tôn giáo mà không có sự phân biệt tôn giáo, dân tộc, chủng tộc, ngôn ngữ, thành phần xuất thân. Mặc dù, có sự tương đồng về cơ bản, nhưng giữa triết lý và đạo đức Phật giáo với nhân quyền là những phạm trù khác nhau có thể đưa ra để đối chiếu, so sánh.

Phật (chữ Hán: ), phiên âm là Buddha, trong dân gian Việt Nam có thể còn được gọi là “Bụt” (Chữ Nôm: ). Trong kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam, có lẽ Bụt cũng có gốc từ Buddha này. Bụt là nhân vật hiền từ, đức độ, đại lượng, đại từ đại bi, xuất hiện trong những tình huống con người khổ đau, trắc trở, éo le để che chở, phù hộ độ trì, cứu khổ cứu nạn. Trong Phật giáo thì Buddha không phải là một thần thánh, siêu nhiên mà có ý nghĩa là “Bậc Giác Ngộ”, dùng để chỉ đến một vị chân tu đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện vô song trong đạo đức, trí tuệ. Đó là một sự giác ngộ cực kỳ cao, là trí tuệ vĩ đại (Nhất thiết trí) cùng với sự Từ bi hỷ xả vô hạn độ. Phật không chỉ hoàn thiện về trí tuệ và đức hạnh mà còn toàn diện về mặt hình thể với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp vô cùng long lanh, thanh tịnh. Tuy nhiên, Phật toàn giác mà không toàn năng, Đức Phật là người chỉ ra con đường để đi đến giải thoát, vì thế Đức Phật khuyên mọi người tu thân tích đức. Đức Phật không thể ban, cho, thưởng, phạt bất cứ ai, mỗi người phải tự tu hành mới đạt được kết quả của riêng mình. Điểm này cũng có phần nào giống như quan điểm của Luật Nhân quyền quốc tế, quyền con người là tự nhiên vốn có của mỗi con người, không thể do ai xin cho, giao hoặc ban phát. Mỗi người đều là chủ thể sở hữu những quyền đương nhiên của mình và phải giữ, thực hiện các quyền đó.

Buddha” thường để chỉ một vị Phật trong lịch sử tên là “Thích Ca Mâu Ni”. Lịch sử Phật giáo ghi chép lại rằng đây là một nhân vật có thật đã truyền bá tư tưởng của mình ở lục địa Ấn Độ vào thế kỷ V trước Công nguyên, và những giáo lý ấy đã được làm nền tảng để khai sinh ra Phật giáo. Theo lời giảng giải của nhiều nhà tu hành thì ngài Thích Ca Mâu Ni là vị Phật duy nhất trên Trái Đất ở trong thời kỳ này, trong tương lai trên Trái Đất sẽ xuất hiện một vị nữa đắc đạo thành Phật là Bồ Tát Di Lặc. Tuy vậy, dòng Phật giáo Bắc tông thì cho rằng nếu xét rộng ra toàn vũ trụ, xét cả quá khứ - tương lai thì còn có vô số vị Phật khác nữa, nhiều vị đã đắc đạo ở quá khứ, nhiều vị đang sống trong hiện tại và nhiều vị sẽ đắc đạo ở tương lai. Phật giáo Bắc tông không những cho rằng có nhiều Phật, mà còn chia ra: Phật Tổ (Phật Chủ), Phật Vương, Phật Mẫu (Phật Bà), Phật Tử và những tầng tu hành thấp hơn Phật như: Duyên giác (Phật độc giác), Thanh văn (là những người nghe Phật giảng dạy mà tu được quả vị A-la-hán). Theo một số thuyết giảng khác thì cho rằng lịch sử Phật giáo là vô thường, không xác định, không có thời điểm sinh ra và cũng không bao giờ mất đi, tồn tại mãi trong vũ trụ, theo vòng luân hồi và nhân quả. Như vậy, nếu theo triết lý Phật giáo về nhân quả và luân hồi thì mọi sự vật, hiện tượng và nhân sinh vận động theo vòng tròn luân hồi khép kín, suy ra rằng lịch sử Phật giáo cũng không thể xác định, vì thế cũng không thể so sánh sự ra đời trước hay sau của những triết lý và đạo đức Phật giáo với các giá trị nhân quyền trong lịch sử.

Trở lại vấn đề cần quan tâm ở đây là quan hệ giữa triết lý, đạo đức Phật giáo và nhân quyền. Tác giả L.P.N Perera cho rằng quan điểm của đạo Phật về nhân quyền xuất phát từ hai mệnh danh “triết học” và “đạo đức”. Ở nước ta hiện nay và nhiều nước châu Á đã công nhận Phật giáo là một tôn giáo, thậm chí có những nước xem Phật giáo là quốc giáo. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu vẫn có ý kiến cho rằng không nên coi Phật giáo là một tôn giáo vì Phật không phải là một vị thánh mà là một đấng giác ngộ, vì hệ thống chủ thuyết không xem Phật là duy nhất và thần linh, vì hệ thống tổ chức và hệ thống tín đồ lỏng lẻo và cởi mở của nó. Nhưng dù thảo luận kiểu gì thì đạo Phật vẫn là một tôn giáo và đã được công nhận là tôn giáo, thậm chí nó là một tôn giáo lớn, có những triết lý và đạo đức của Phật giáo. Gareth Jones, Georina Pality cho rằng “Với nhiều người, đạo Phật là một hệ thống triết lý hơn là một tôn giáo, bởi trong đạo vai trò của Thượng đế thánh thần rất mờ nhạt…”, tuy nhiên bản thân các tác giả này cũng đã công nhận Phật giáo là một tôn giáo lớn và được xếp là lớn thứ tư trên thế giới xét theo số lượng tín đồ (sau Kito giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo)(4). Ở Việt Nam thì Phật giáo là một tôn giáo lớn, có uy tín, là 01 trong 16 tôn giáo đã được công nhận.

Triết học về nhân quyền đặt vấn đề con người sinh ra ai cũng có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Luật nhân quyền quốc tế cho rằng quyền con người là của mỗi con người, nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do, hạnh phúc của con người. Triết lý và đạo đức Phật giáo trả lời rằng con người muốn có hạnh phúc thì cần tu thân tích đức, mỗi người cần thường xuyên giác ngộ chính bản thân mình và khi đã có giác ngộ cao siêu thì đạt tới cõi Niết Bàn; rằng “ở hiền gặp lành”, nhân nào quả ấy. Triết lý Phật giáo không quy trách nhiệm bảo vệ và bảo đảm nhân quyền cho bất cứ chủ thể nào, kể cả nhà nước. Triết lý nhân quyền cho rằng quyền tự do và hạnh phúc của con người là đương nhiên có trong mỗi con người được hưởng, từ khi sinh ra và trong suốt cuộc đời.

Mệnh danh triết học và đạo đức của đạo Phật thì mênh mông, học mãi không hết. Quyền con người, nói tóm lại là tự do, hạnh phúc, là sung sướng của con người. Chuyện kể rằng có một nhà vua trẻ cử người tâm phúc đi tầm sư học đạo và có nhiệm vụ trả lời câu hỏi: Làm thế nào để con người trên thế gian này được hạnh phúc? Mấy chục năm sau người tâm phúc trở về đem theo một đoàn lạc đà đông đảo trở đầy sách thì nhà vua đã già và dần suy yếu. Người tâm phúc chọn ra một số sách cốt yếu rồi lại chọn tiếp nhiều lần chỉ còn một vài cuốn để tiếp tục dâng lên nhà vua. Nhận được sách, nhà vua phán rằng: Trẫm đã già yếu quá rồi, chân chậm, mắt kém, ngươi hãy nghiên cứu và chọn cho ta chỉ 4 từ thôi rất cô đọng trong triết lý ở các sách ngươi đã mang về để ta hiểu được toàn bộ sách ấy. Sau đó người tâm phúc đã chọn dâng lên nhà vua 04 chữ: Sinh, Bệnh, Lão, Tử. Ngay từ thời Phật Hoàng Lê Thánh Tông, tại chùa Vĩnh Nghiêm đã có 10 năm đào tạo với 03 chương trình tu luyện triết học và đạo đức được chia làm 03 giai đoạn: tiểu học 04 năm, trung học 03 năm và đại học 03 năm. Nhà tu hành phải tối thiểu sau 10 năm như trên mới được “ứng đạo tu tập”. Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là nơi đào tạo nhà tu hành, xuất bản sách và tài liệu giáo trình nổi tiếng. Hiện nơi đây còn đang nghiêm cẩn cất giữ nhiều mộc bản quý về triết lý và đạo đức nhà Phật. Học viện Phật giáo Sóc Sơn ngày nay chuyên giảng dạy về triết học và đạo đức phật giáo đã là rộng mênh mông trong chương trình đào tạo. Như vậy, việc tóm tắt triết lý và đạo đức nhà Phật là công việc không dễ dàng, tưởng như không tưởng, nhưng vẫn cần phải làm và vẫn có thể làm được để xem xét, so sánh nó với các giá trị nhân quyền. Căn bản triết lý và đạo đức của Phật giáo có thể tóm gọn lại là tam bảo và ngũ giới; cốt lõi tư tưởng và đạo đức Phật giáo là từ bi hỷ xả; sự vận động của cuộc sống và vũ trụ theo triết lý của đạo Phật là nhân quả, luân hồi, quả báo, tu nhân tích đức…

Trước hết, hãy xem xét các giá trị nhân quyền trong triết lý và đạo đức của Phật giáo về “tam bảo” và “ngũ giới”.

Tam bảo là “ba ngôi báu”, là ba cơ sở chính của Phật giáo: đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật bảo là bậc giác ngộ, Pháp bảo là giáo pháp của bậc giác ngộ và Tăng bảo là những người bạn đồng môn, đồng học. Phật tử biểu lộ sự tin tưởng, hướng tới đạo Phật bằng cách quy y tam bảo. Trong các buổi giảng dạy về thiền, đặc biệt sau các chương trình tiếp tâm, các thiền sinh được hướng dẫn vào lối nhìn tam bảo. Quy y tam bảo là có lòng tin và xây dựng lòng tin vững chắc vào Phật; tự nguyện và cùng các tăng ni phật tử giác ngộ theo giáo pháp của bậc giác ngộ.

Ngũ giới là 05 giá trị đạo đức và tôn giáo trong Phật giáo, là 05 điều răn không được làm của hàng tu sĩ tại gia, là 05 giới, 05 điều khuyến khích phải gìn giữ của người Phật tử tại gia. Đức Phật đặt ra 05 giới vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia thọ hưởng được quả báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ tam quy, trọng tam bảo mà không trì ngũ giới, không làm theo 05 điều răn dạy. Người quy y là người đã bước một nấc thang đầu tiên từ người phàm tục đến bén duyên với Phật pháp, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa. Năm giới này không những để tiến bước trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội. Ngũ giới bao gồm: tránh xa sát sinh; tránh xa sự trộm cắp; tránh xa sự tà dâm; tránh xa sự nói dối; tránh xa sự dễ dãi uống rượu, say xỉn. Ngũ giới là năm thành trì ngăn chặn con người đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản con người khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi, là dẫn dắt con người hướng thiện.

Đạo Phật không bắt buộc người Phật tử phải tuân theo triệt để tam bảo, ngũ giới, cũng không hăm dọa nếu không tuân theo thì phải bị chịu hình phạt. Theo tam bảo và ngũ giới hay không theo là tùy thuộc mỗi người tự liệu lấy. Xét về khía cạnh này thì đây cũng là một điểm rất sáng, rất tôn trọng nhân quyền của đạo Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn, theo hoặc không theo. Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới xác định rằng: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức…”(5).

Đạo Phật định giới không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến muôn loài, không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn con người và muôn loài chúng sinh. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sinh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản. Triết lý và đạo đức Phật giáo ở khía cạnh này chính là nội dung quyền sống và quyền được sống trong môi trường trong lành của luật nhân quyền quốc tế, là phù hợp với việc khuyến khích xóa bỏ án tử hình của luật nhân quyền quốc tế, với luật bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài sinh vật biển… chính vì thế có giá trị nhân đạo và nhân văn rất cao cả.

Định giới thứ hai là không trộm cắp, giới này liên quan đến yếu tố tài chính vật chất. Việc duy trì sự công bằng, bình đẳng, tôn trọng nhau, không lừa dối nhau là tư tưởng cốt lõi của định giới này, sự gian lận bất công phải được loại trừ. Tương đồng với triết lý về định giới này, luật nhân quyền quốc tế đòi hỏi mỗi người đều được hưởng các quyền con người, đồng thời phải tôn trọng quyền con người của người khác, trong đó có các quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình, không bị người khác chiếm đoạt vô cớ. Định giới này còn bao hàm các quyền bình đẳng giữa con người và con người trong sinh hoạt cộng đồng và trong xã hội. Mỗi người, mỗi chủ thể các quan hệ xã hội không muốn ai trộm cướp của mình, thì cũng không nên và không thể trộm cướp của người, đó là lẽ công bằng trong luật nhân quyền đồng thời cũng là triết lý, đạo đức của đạo Phật.

Định giới thứ ba quy định không tà dâm là không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái, không được xui bảo, bày mưu cho người khác làm việc tà dâm, không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác. Dưới giác độ nhân quyền thì định giới này có liên quan tới quyền bình đẳng về giới, để bảo vệ sự công bằng, bảo vệ quyền được hưởng hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người và cho mỗi người. Triết lý và đạo đức Phật giáo cho rằng không tà dâm còn tránh được oán thù và quả báo xấu do lừa dối tình hay phụ tình gây ra. Nếu mỗi người đều giữ giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, xã hội có luân thường đạo lý, suy ra rằng nhân quyền cũng được bảo đảm.

Định giới thứ tư không được nói dối, nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có, nói lời hai lưỡi làm cho những người khác ghét nhau thù nhau; không nói lời thêu dệt, thêm bớt, có ít xít ra nhiều, nói châm chọc, bóng bẩy ám chỉ làm cho người nghe buồn phiền và khởi tà niệm; không nói lời độc ác, thô tục, cục cằn như nguyền rủa, chửi mắng thậm tệ làm cho người nghe sợ hãi đau khổ… Định giới này liên quan trực tiếp tới các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo chí và các quy định về bảo đảm thực hiện các quyền này. Mỗi người đều có những quyền về thể chất và tinh thần, về vật chất, tài sản và nhân thân, các quyền tự do cá nhân cần được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm, thậm chí đó là những quyền “thiêng liêng, không thể xâm phạm”. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân cho rằng: Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy vô số kiếp. Miệng lưỡi có thể là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình và diệt nhiều người. Phật tử cần giữ giới này vì đạo Phật là đạo của sự thật nên phải tôn trọng sự thật, cũng là để bảo tồn sự trung tín trong xã hội, mọi người tin cậy, đoàn kết giữ cho xã hội được ổn cố, suy ra rằng từ đó nhân quyền được bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Định giới thứ năm không uống rượu vì uống rượu say có thể gây phạm bốn giới cấm phía trên là sát sinh, trộm cướp, nói dối, tà dâm. Định giới này bao gồm không được ép người khác uống rượu đến say mê mẩn, không tỉnh táo. Định giới không uống rượu còn bao gồm cả việc dùng các thứ ma túy và chất kích thích vì nó cũng làm cho tinh thần người sử dụng mất sáng suốt minh mẫn, mê dại, tâm bình tiêu mất. Người không uống rượu còn tránh được sự hao tốn tiền bạc, thân ít bệnh tật, trí tuệ tăng trưởng, tuổi thọ cao, con cái khoẻ mạnh, gia đình yên vui…, suy ra rằng cũng là để bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Nếu tam quy là nền tảng thì ngũ giới là năm bậc thang của người Phật tử tại gia bước dần lên thành quả. Trong bước đầu tu hành, người Phật tử có thể giữ đủ năm giới hoặc có thể giữ vài giới mà mình thấy thực hành được, rồi sau sẽ phát nguyện giữ thêm các giới khác ngày càng sâu sắc hơn. Một Phật tử không giữ được giới nào thì chưa phải là người Phật tử. Người giữ giới sẽ được an vui khỏe mạnh sống lâu, ít bệnh, không hoạn nạn, gia đình đầm ấm yên vui, kiếp sau sẽ được tốt lành...

Cốt lõi tư tưởng và đạo đức Phật giáo là Từ - Bi - Hỷ - Xả, được gọi là bốn tâm. Người Phật tử lấy tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh. Nhân quyền là tự nhiên, vốn có trong mỗi người, nhưng được nhận thức, được hành động qua lý trí và biểu hiện bằng pháp luật, tình cảm, đạo đức. Còn triết lý và đạo đức của Phật giáo hướng tới trái tim, tức là từ “tâm”. Có lẽ chịu ảnh hưởng của triết lý này nên tác giả Trần Hữu Thắng đã viết rằng: “…Trái tim yêu thương của con người lúc sinh ra chưa đầy đủ, vì thế cho nên hàng ngày hàng giờ ta phải bổ sung, phải bồi đắp, nuôi dưỡng để trái tim yêu thương của ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng yêu thương, gắn bó với những trái tim khác, với những số phận khác nhiều hơn. Đây rõ ràng là một quá trình tích cực, có tu dưỡng, có phấn đấu, có gian khổ để hình thành được một trái tim nhân ái, một trái tim biết chỉ huy toàn bộ những suy nghĩ đúng và hành động đúng của mỗi người…”(6).

Tâm “Từ” là lòng lành giúp ích cho người, lòng thương yêu, là làm cho lòng êm dịu, là an lành vui vẻ, lòng chân thành muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc. Tâm từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không phải là sự yêu thương thiên về xác thịt, về tình dục, không dành riêng cho tình đồng chí, đồng chủng, đồng hương, đồng đạo, cũng không phải chỉ có giữa người với người mà bao trùm đối với tất cả chúng sinh. Tâm Từ bao la, rộng rãi, trải ra dù không quen biết, đến mức độ sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, mọi sự chia rẽ đều biến mất như đám sương mù tan trong nắng sớm. Ngược lại với tâm “Từ” là lòng “Sân hận”. Chỉ có tâm “Từ” mới dập tắt được lòng sân hận, thù oán, các mầm tư tưởng bất thiện. Tình thương sẽ chinh phục được lòng sân hận. Mặt khác, có lòng từ ái, từ thiện đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Triết lý và đạo đức của đạo Phật cho rằng trong khi phục vụ, chia sẻ lợi ích cho người cũng đừng quên tự giải thoát cho chính mình, có giác ngộ và giải thoát cho mình thì giúp kẻ khác mới có kết quả. Triết lý và đạo đức Phật giáo về tâm “Từ” không trực tiếp là vấn đề nhân quyền nhưng có tính nhân văn nhân đạo sâu sắc, tình thương yêu gắn kết giữa con người sẽ là bảo đảm vững chắc cho sự tôn trọng, bảo vệ quyền. Tâm “Bi” là lòng thương xót cứu khổ rất bao la và bình đẳng, là sự rung động trước sự đau khổ, là muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ, là lòng vị tha trong khi phục vụ kẻ khác, giúp mà không bao giờ mong đền ơn, đáp nghĩa. Đối tượng của tâm “Bi” là những kẻ nghèo đói, túng thiếu, đau ốm, cô đơn dốt nát, hư hèn và cả những người có đời sống buông lung, phóng đãng, tội lỗi, thậm chí còn rộng mở bao trùm tất cả chúng sinh đau khổ. Bên trong mỗi người, dù xấu xa tội lỗi thế nào cũng ngầm có những tính tốt, đôi khi chỉ cần lời nói phải, sự tác động đúng lúc, cũng có thể làm đổi hẳn bản tính con người. Chữ “Bi “không phải là bi quan, bi lụy, bi ai, bi thảm; cũng không phải là giọt nước mắt xót thương bi lụy mà là sự mềm dịu, là sự cảm thông và rung động, là tình thương cảm, là sự cảm hóa con người và vạn vật chúng sinh. Tâm “Bi” là vị thuốc có thể tiêu trừ bệnh hung bạo. Đối lập tâm “Bi” là âu sầu, phiền não, ích kỷ, vụ lợi.

Tâm “Hỷ” là lòng vui, tự mình vui và vui với người khác, với mọi người, vui theo, cùng vui với người khác khi họ có hạnh phúc hay họ được thành công. Tâm “Hỷ” hướng tới tạo sự an vui, hạnh phúc trong đời sống cá nhân cũng như tập thể và vươn mình lên sống đời trong sạch, cao thượng. Để có được tâm “Hỷ” không dễ. Lòng “ganh tị” là kẻ thù trực tiếp của tâm “Hỷ”.

 Nhiều người lấy làm bực tức khi thấy người khác thành công hay vui khi thấy người khác thất bại, ưu phiền khi thấy mình thiệt thòi, uất ức khi thấy bị xúc phạm, bất bình khi bị đè nén... Vượt lên tất cả để có được tâm “Hỷ “hoàn toàn không dễ chút nào, không những chỉ vui với mình mà còn để vui với người khác. Đức Phật chỉ rõ: “Người nào đem lòng khen chê, bất mãn và đố kỵ về những phẩm vật bố thí thì tâm người ấy chưa được an tịnh. Người bỏ được tính đố kỵ, ganh ghét và không so đo hơn thua thì tâm lúc nào cũng an tịnh”(7).

Tâm “Xả” làm nhân cho tâm Hỷ, nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải không chấp nhặt, phải biết buông bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi, sỉ nhục mà người khác đã gây ra cho mình. Xả là biết buông bỏ, bỏ đi, quên đi những buồn phiền bức xúc, không cần thiết. Người tu hành đạo phật phải biết xả dần, xả bớt, xả tất cả. Con tằm sở dĩ thành bướm bay lượn đó đây, vì nó đã rời bỏ cái kén, dù đó là một cái kén bằng tơ vàng óng ánh, ấm áp, đẹp đẽ mịn màng vô cùng. Xả mà còn buồn rầu tiếc nuối cho cái mà mình đã bỏ đi thì xả như thế không có ích gì. Xả phải đi đôi với cùng tu luyện “Hỷ”, thực hiện tâm “Xả” với thái độ hân hoan, vui mừng như người tù khi được tháo gỡ xiềng xích, ra khỏi cửa trại giam chứ không phải là buồn rầu, tiếc nuối. Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị.

Bốn tâm này thực ra và trước hết là thái độ và tâm niệm của các nhà tu hành, là lối sống của bậc giác ngộ cao, nhưng được mở rất rộng, không hạn chế, cho tất cả phật tử, cho tất cả mọi người, cho các loài hữu tình ở khắp bốn phương, là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện. Phật và các vị Bồ tát có hoàn thiện Từ-Bi-Hỷ- Xả nhiều nhất nên được được xưng là “Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả”, Đạo Phật vì thế còn được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ, ở đâu có đạo Phật thì ở đó có tình thương. Cốt lõi tư tưởng và đạo đức Phật giáo là Từ-Bi-Hỷ-Xả cũng chính là hướng tới sự giải thoát khỏi đau khổ, bất hạnh, đưa con người tới tự do và hạnh phúc, đề cao các giá trị quyền con người, tôn vinh con người. Cùng hướng tới các giá trị nhân quyền nhưng với Từ-Bi-Hỷ-Xả của Đạo phật tìm kiếm giải pháp bằng con đường đạo đức, kêu gọi tự giác và tự giải thoát; còn tư tưởng nhân quyền trong UDHR thì tìm kiếm sự bảo đảm nhân quyền bằng pháp luật và nhà nước, bằng chế độ pháp quyền (rule of law), nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm nhân quyền.

Sự vận động của cuộc sống và vũ trụ theo triết lý của đạo Phật là nhân quả, luân hồi, tu nhân tích đức… Luân hồi và nhân quả là nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo. Nhân quả trong triết lý đạo Phật nhắc nhở mỗi con người phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động thực hiện quyền của mình mà không vi phạm các quyền và tự do của người khác. Con người nếu sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ sống trong sự tham lam, ích kỷ thì sẽ dễ dàng gây họa cho người khác và nhận báo ứng về với bản thân mình. Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác từng giảng giải rằng: Theo luật nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết gieo nhân thiện ích giúp người, cứu vật. Tuy nhiên khái niệm, hiện tượng về kiếp luân hồi và nhân quả trở thành nỗi trăn trở, thậm chí ám ảnh ngàn đời của các thế hệ con người. Có hay không việc “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, kiếp trước ăn ở bạc ác, kiếp sau phải chịu nghiệp báo. Liệu người chết ở kiếp trước rồi sau này đầu thai vào những kiếp sau không? Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Luân hồi có nghĩa là sự tiếp nối, không có cái gì từ có trở thành không, không tự nhiên mà mất đi cũng không tự nhiên mà có, tất cả đều được tiếp nối dưới một hình thức này hay một hình thức khác. Đám mây luân hồi ra thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi ra thành nước trà. Khi tôi uống trà trong chánh niệm, tôi có thể cảm thấy tôi đang uống mây. Triết lý về nhân quả của Phật giáo có một khía cạnh nào đó tương đồng với cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả trong phép biện chứng của Triết học, có chăng sự khác nhau ở cách vận hành. Đã đành đời là bể khổ nhưng để thoát khổ thì phải tích cực tu luyện chứ không thể thụ động ngồi chờ ban phát. Mỗi phật tử đều cần thu luyện theo Bát chính đạo(8).

Đối tượng của UDHR và của luật nhân quyền quốc tế là mỗi người và mọi người trên trái đất này, là nhân loại; còn nhãn quan triết lý của đạo Phật là vũ trụ bao la, là chúng sinh rộng lớn. Nhân quyền là quyền tự nhiên và bẩm sinh của con người, do tạo hóa sinh ra và gắn với từng cá nhân con người một cách bình đẳng và phổ quát. Tuy nhiên, triết lý đạo Phật không cho rằng quyền con người do “tạo hóa” sinh ra mà nằm trong vòng luân hồi và từ nhân quả. Quyền con người nói tóm lại là “tự do” nhưng có hàng triệu cách giải thích về “tự do”. Tư tưởng pháp quyền (rule of law) cho rằng con người có quyền tự do hoạt động, tự do thực hiện tất cả các hành vi mà pháp luật không cấm. Triết lý Phật giáo thì cho rằng muốn có hạnh phúc, tự do thì phải rèn luyện, phải tu nhân tích đức, cần quy y tam bảo ngũ giới. Tinh thần tự do trong Phật giáo khác với tinh thần tự do của thế gian; tự do của thế gian là ta đòi tự do trong xã hội, tự do với những người khác; còn tự do trong Phật giáo là tự do nơi chính mình, tự do của nội tâm… Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng: “Tự do có được nhờ tu tập và thói quen. Bạn phải rèn luyện mình cách bước đi như một người tự do, ngồi như một người tự do và ăn như một người tự do. Chúng ta phải rèn luyện bản thân về cách sống như thế nào”(9) để tới tự do thực sự. Triết lý về nhân quyền gắn liền với những nhu cầu, lợi ích khách quan, đương nhiên, những phẩm giá vốn có của con người. Nhưng theo Phật giáo, những phẩm giá chân thật này chính là tính giác ngộ ở trong mỗi con người mà có thể chính con người không hay biết. Triết lý Phật giáo cho cuộc đời là “dukkha”. Dukkha nghĩa là bứt dứt, khó chịu, thất vọng, bực dọc, căng thẳng, lo âu, phật lòng, đau đớn, tuyệt vọng, buồn khổ, khổ sở, bất an, không hài lòng, không hạnh phúc... Dukkha được dịch ra tiếng Việt là “khổ”. Trong Phật giáo không chỉ có 4 loại khổ mà chi tiết hơn thì có 08 loại khổ: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tăng hội, ngũ thụ uẩn. Khổ không hẳn là trạng thái bi quan, yếm thế, tiêu cực mà đồng thời có ý nghĩa tích cực, khuyến cáo mỗi người cố gắng vươn lên, sống tốt, sống thiện. Đó là cách mà Phật giáo nhìn thẳng vào cuộc đời, không né tránh. Còn triết lý về nhân quyền cho rằng con người hiện thực ai cũng có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. So với triết lý về nhân quyền thì Phật giáo là tôn giáo rất đề cao quyền bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, con người, ai cũng như ai, đều được cấu thành từ 05 yếu tố(10), sống chết chỉ là sự hợp tan của 5 yếu tố. Khi ngũ uẩn tụ lại thì con người hình thành, khi ngũ uẩn tan ra thì con người trở về cát bụi. Có sinh thì có tử, không một ai có thể trốn tránh được luật sinh tử, mọi người bình đẳng như nhau. Triết lý Phật giáo này hoàn toàn phù hợp với Điều 1 của UDHR: “Tất cả con người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi”.

Như đã trích dẫn ở trên, Christopher Gowans đánh giá rằng nhân quyền đang được các nhà tu hành và phật tử “tán thành và ủng hộ”, L.P.N Perera chứng minh từng điều của UDHR đều đã nằm trong lời Phật dạy, toàn bộ 30 điều của UDHR đã thực sự là nền tảng cho mọi quyền con người và hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Phật giáo. Trong Phật giáo có thể không có từ nhân quyền, nhưng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng… đều luôn hiện hữu. Phật giáo thừa nhận quyền được sống mà không một ai có thể hủy hoại nó, bởi lẽ được làm người là cực kỳ khó. Phật còn đi xa hơn, không chỉ thừa nhận quyền được sống, mà còn đặt ra vấn đề sống như thế nào để được hạnh phúc an lạc mãi mãi, hoặc chí ít sau này lại được làm người. Phật giáo thừa nhận quyền trí tuệ khi mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, chính mình phải tự làm chủ lấy mình, phải chịu mọi trách nhiệm cho hành động, hành vi, suy nghĩ của chính mình. Không chỉ thừa nhận nhân quyền, Phật giáo còn đưa ra những giải pháp để con người trở lại với chính mình, không bị tha hóa đánh mất mình, không chạy theo những cái ảo ảnh, phù du, phù phiếm, tạm bợ bên ngoài. Khi giác ngộ, con người hoàn toàn tự do, tự tại; bình thản, an vui, hạnh phúc, viên mãn. Đó cũng chính là tính đặc thù của nhân quyền trong Phật giáo(11).

(1)Điều 1, 2 và 3 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền.

(2)Xem Đạo phật và Nhân quyền, Dipen Barua, Việt dịch: Thích Vân Phong, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, ngày 02/11/2023.

(3)Xem Đạo phật và Nhân quyền, tlđd.

(4)Tôn giáo - Khái lược những tư tưởng lớn, Religions, NXB Dân Trí, 2016, tr 218-219

(5)Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, UDHR, Điều 18.

(6)Trần Hữu Thắng, Tạp chí Tinh hoa Việt, số 215, ngày 10/3/2024.

(7)Pháp Cú 249.

(8) Bát chính đạo gồm: 1. Chính kiến (thấy, biết chân chính); 2. Chính tư duy (suy nghĩa đúng đắn, chân chính); 3. Chính ngữ (nói năng chân chính: không nói dối, nói ly gián, ác độc); 4. Chính nghiệp (hành động chân chính: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, rượu chè.); 5. Chính mệnh: sinh sống bằng nghề chân chính; 6. Chính tinh tấn: cố gắng, siêng năng; 7. Chính niệm: nghĩ, nhớ chân chính; 8. Chính định: tập trung tư tưởng đúng đắn.

(9) 30 câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, FB, 29 tháng Một, 2024.

(10) 5 yếu tố bao gồm: Sắc (vật chất bao gồm tứ đại: địa (đất) chỉ xương, thịt; thủy (nước) chỉ máu, nước, chất lỏng; hỏa (lửa) chỉ nhiệt, khí nóng; phong (gió), chỉ hô hấp, hơi thở); Thụ (những cái chỉ cảm tính, tình cảm, biết do cảm mà biết, tình); Tưởng (biểu tượng, tưởng tượng, tri giác, ký ức, trí); Hành (ý chí, những yếu tố khiến cho tâm hoạt động, ý); Thức (ý thức, cái biết phân biệt).

(11) GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 1/2024.

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản

Nguyễn Hoàng Lâm