Giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa thưởng qua thực tiễn một vụ án

28/06/2021 09:53 | 3 năm trước

(LSVN) - Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 cũng như năm 2015 quy định về chế định hứa thưởng là một hành vi pháp lý đơn phương. Tuy vậy, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, có nhiều vụ việc hứa thưởng phát sinh nhưng không phải là hành vi pháp lý đơn phương mà là một dạng hợp đồng. Việc phân biệt hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương hay hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án. Qua nghiên cứu, bình luận vụ án về tranh chấp hợp đồng hứa thưởng mà do ông Đặng Đình T. khởi kiện bà Vương Thị K., ông Nguyễn Đắc Q. do Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải quyết (bản án sau đó bị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy, giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sở thẩm lại). Chúng tôi đưa ra một số ý kiến bình luận về vụ án, chế định hứa thưởng, hợp đồng hứa thưởng cũng như một số vấn đề cần rút kinh nghiệm khi giải quyết các vụ án này.

Ảnh minh hoạ. 

Tóm tắt nội dung vụ án

Nhà và đất tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà Vương Thị K., ông Nguyễn Đắc K. Do gia đình ông K. ra nước ngoài định cư nên căn nhà này được Nhà nước quản lý theo diện nhà vắng chủ. Sau khi ông K. qua đời, năm 2006 bà Vương Thị K. và con trai là ông Nguyễn Đắc Q. (bà K. và ông K. có 9 người con) nhờ Luật gia Đặng Đình T. tiến hành các thủ tục đòi lại nhà đất nêu trên.

Ngày 03/01/2007 bà K., ông Q. và ông T. đã lập Hợp đồng hứa thưởng với nội dung trả thưởng cho ông T. 15% trên tổng giá trị nhà đất mà gia đình bà K. được Nhà nước giao trả khi ông T. đòi được nhà đất nêu trên. Ngày 22/01/2008 và 02/7/2008 bà K., ông Q. và ông T. tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng và bản cam kết với nội dung tăng phần thưởng và thù lao cho ông T. lên 25% và 30%. Ngày 28/11/2011 bà K., ông Q. và ông T. lại ký bản thỏa thuận hứa thưởng với nội dung cam kết trả thưởng cho ông T. 35% giá trị nhà đất đòi được.

Sau khi lấy lại được nhà, bà K. cùng con trai là ông Q. đã thực hiện nhiều giao dịch mua bán, cho thuê với căn nhà nhưng không thực hiện hợp đồng hứa thưởng với ông Đặng Đình T. Ông T. đã nhiều lần yêu cầu nhưng phía bà K., ông Q. không thực hiện việc hứa thưởng như đã cam kết. Do đó, ông T. khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà K., ông Q. thực hiện cam kết hứa thưởng.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều nhận định: Hợp đồng hứa thưởng ký kết ngày 28/11/2008 giữa ông T. với bà K., ông Q. là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, có chứng nhận của Công chứng viên thuộc Văn phòng Công chứng công tại hạt O, bang C, Hoa Kỳ. Do vậy, yêu cầu của ông T. đòi bà K., ông Q. trả thưởng bằng 35% giá trị nhà đất ông T. đòi được là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại Quyết định giám đốc thẩm số 35/2017/DS-GĐT ngày 07/9/2017 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại.

Bình luật

Về tố tụng

Vụ án này phát sinh một số vấn đề tố tụng cần làm rõ và rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tài liệu được lập ở nước ngoài, do cơ quan nước ngoài chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự mới có giá trị sử dụng làm chứng cứ

Cụ thể, theo Tòa án nhân dân tối cao các phụ lục hợp đồng ngày 22/01/2008, bản cam kết ngày 02/7/2008 và thỏa thuận hứa thưởng ngày 28/11/2008 có nội dung tăng thêm phần hứa thưởng cho ông T. đều được ký tại bang C, Hoa Kỳ và được công chứng viên thuộc phòng công chứng bang C, Hoa Kỳ chứng nhận cùng ngày là chưa đủ cơ sở pháp lý để được coi là chứng cứ vì không được hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ, vi phạm khoản 1 Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 nay là điểm b khoản 2 Điều 478 BLTTDS năm 2015.

Về vấn đề này, trước đây khoản 1 Điều 418 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định:

“Điều 418. Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận

1. Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được Toà án Việt Nam công nhận nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác”.

Như vậy, theo Tòa án nhân dân tối cao Hợp đồng hứa thưởng ký kết ngày 28/11/2008 giữa ông T. với bà K., ông Q. là tài liệu được lập ở nước ngoài và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận (công chứng viên bang C, Hoa Kỳ). Do đó, để sử dụng làm chứng cứ tại Tòa án Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự [1].

Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng Quyết định giám đốc thẩm nhận định văn bản cam kết trả thù lao được lập tại Hoa Kỳ trước cơ quan Công chứng nhưng không được hợp pháp hóa lãnh sự nên không có giá trị pháp lý là chưa chính xác. Bởi lẽ, khi bà K., ông Q. lập cam kết với ông T. tại Hoa Kỳ, đó là cam kết giữa cá nhân với cá nhân được cơ quan công chứng của Hoa Kỳ xác nhận nên có hiệu lực thực hiện đối với các cá nhân có liên quan [2]. 

Quan điểm này có sự nhầm lẫn giữa giá trị pháp lý của Hợp đồng hứa thưởng và việc Hợp đồng hứa thưởng có được sử dụng làm chứng cứ hay không. Cần phân biệt rằng, Hợp đồng hứa thưởng ngày 28/11/2008 giữa bà K., ông Q. với ông T. nếu được ký kết đúng quy định pháp luật, được công chứng viên của Hoa Kỳ chứng nhận là đã có hiệu lực pháp lý, ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Tuy nhiên, để được sử dụng làm chứng cứ trước Tòa án Việt Nam, thì theo quy định của BLTTDS phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Nếu chưa hợp pháp hóa lãnh sự thì chưa có giá trị làm chứng cứ trước Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao cũng nhận định, do chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên chưa đủ cơ sở pháp lý để được coi là chứng cứ chứ không xác định do chưa được hợp pháp hóa lãnh sự do đó không có giá trị pháp lý đối với các bên.

Về vấn đề này, hiện nay điểm b, khoản 2 Điều 478 BLTTDS năm 2015 quy định rõ:

“Điều 478. Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam

........

2. Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu lập bằng tiếng nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự”.

Như vậy, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 478 BLTTDS năm 2015 thì đối với các tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập ở nước ngoài, được công chứng, chứng thực theo quy định của nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì Tòa án công nhận đó là chứng cứ.

Khi giải quyết lại vụ án nêu trên, BLTTDS năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, Hợp đồng hứa thưởng ký kết ngày 28/11/2008 giữa ông T. với bà K., ông Q. phải được hợp pháp hóa lãnh sự mới được Tòa án công nhận làm chứng cứ.

Thứ hai, đương sự không thừa nhận có ký vào các hợp đồng, Tòa án cần giám định chữ ký để có căn cứ giải quyết vụ án

Trong vụ án này, bà K. chỉ thừa nhận có ký với ông Đặng Đình T. hợp đồng hứa thưởng ngày 03/01/2007 với mức hứa thưởng là 15% giá trị nhà đất đòi được, còn các thỏa thuận sau về tăng mức hứa thưởng do ông T. xuất trình (trong đó có Hợp đồng hứa thưởng ngày 28/11/2008) đều được lập tại Hoa Kỳ bà K. không ký.

Theo nhận định của Tòa án nhân dân tối cao thì “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét, xác định có đúng bà K., ông Q. ký các thỏa thuận nêu trên hay không”.

Tại Thông báo rút kinh nghiệm số 229/TB-VKSTC ngày 31/5/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nêu: “Bị đơn bà K. chỉ thừa nhận ký Hợp đồng hứa thưởng ngày 03/01/2007, các văn bản sau đó do ông T. xuất trình (Phụ lục hợp đồng ngày 22/01/2008, Bản cam kết ngày 02/7/2008 và Thỏa thuận hứa thưởng ngày 28/11/2008 có nội dung tăng thêm phần thưởng cho ông T. lần lượt là 25%, 30% và 35% đều được ký tại bang C, Hoa Kỳ… Bà K. và ông Q. không thừa nhận việc ký các thỏa thuận này. Lẽ ra, Tòa án cần xem xét, làm rõ có việc bà K., ông Q. ký các giấy tờ nêu trên hay không, trong trường hợp cần thiết thì phải giám định chữ ký của bà K., ông Q. để làm căn cứ giải quyết vụ án”.

Như vậy, theo Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trường hợp này cần phải làm rõ chữ ký trong các văn bản hứa thưởng có phải do bà K., ông Q. ký hay không (vì họ không thừa nhận là chữ ký của họ), trường hợp cần thiết phải giám định chữ ký để có cơ sở giải quyết. Về vấn đề này cần lưu ý rằng, do bà K., ông Q. không thừa nhận chữ ký trong các văn bản hứa thưởng (đặc biệt là Hợp đồng hứa thưởng cuối cùng ngày 28/11/2008) là của họ. Như vậy, bà K., ông Q. cho rằng, Hợp đồng hứa thưởng ngày 28/11/2008 mà ông T. xuất trình là giả (vì không phải họ ký). Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 103 BLTTDS năm 2015 thì bà K., ông Q. cho rằng đây là chứng cứ giả thì có quyền yêu cầu Tòa án giám định chữ ký. Nếu đương sự không có yêu cầu thì Tòa án có thể tự mình ra Quyết định giám định chữ ký trong trường hợp này từ đó có cơ sở giải quyết vụ án một cách triệt để.

Thứ ba, cần giải quyết các quan hệ tranh chấp có liên quan mật thiết với nhau trong cùng một vụ án

Theo nhận định của Tòa án nhân dân tối cao, trong vụ án này, có nhiều quan hệ tranh chấp (hứa thưởng, yêu cầu công nhận giấy ủy quyền, trả tiền đặt cọc, hủy bỏ văn bản khai nhận di sản thừa kế, trả tiền thuê nhà…), nhưng Tòa án cấp phúc thẩm chỉ giải quyết phần hứa thưởng và hủy các quan hệ pháp luật khác và tiếp tục duy trì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với nhà đất nêu trên để bảo đảm thi hành nghĩa vụ trả thưởng của bà K., ông Q. cho ông T. là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác. Đồng thời với việc ông T. khởi kiện yêu cầu bà K., ông Q. thực hiện nghĩa vụ trả thưởng. Vụ án này còn nhiều quan hệ tranh chấp khác như yêu cầu công nhận giấy ủy quyền, trả tiền đặt cọc, hủy bỏ văn bản khai nhận di sản thừa kế, trả tiền thuê nhà… Trong đó, nếu chấp nhận yêu cầu về công nhận giấy ủy quyền thì ông T. phải trả cho ông Q. một số tiền cụ thể….

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm về hứa thưởng nhưng hủy các quan hệ pháp luật khác và tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai để bảo đảm thi hành án nhưng lại hủy các quan hệ pháp luật tranh chấp khác để giải quyết lại. Điều này có khả năng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác trong vụ án. Lẽ ra, trong vụ án này, Tòa án phải giải quyết đồng thời các quan hệ tranh chấp trong cùng một vụ án và đối trừ nghĩa vụ giữa các đương sự thì mới bảo đảm quyền lợi của họ theo quy định tại Điều 38 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung 2011 nay là Điều 42 BLTTDS năm 2015.

Đây là vấn đề tố tụng cần lưu ý khi giải quyết các vụ án có nhiều quan hệ tranh chấp nhưng liên quan mật thiết với nhau hoặc có thể đối trừ nghĩa vụ với nhau giữa các đương sự.

Về nội dung

Thứ nhất, quan hệ hứa thưởng giữa ông Đặng Đình T. với bà Vương Thị K., ông Nguyễn Đắc Q. trong vụ án này là quan hệ hợp đồng, không phải hứa thưởng như BLDS đã ghi nhận.

Cần khẳng định rằng, các bản thỏa thuận hứa thưởng mà ông T. đã ký với bà K., ông Q. là một hợp đồng. Theo đó, các bên thỏa thuận rõ quyền và nghĩa vụ của nhau. ông T. sẽ đại diện bà K., ông Q.  để tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm đòi lại căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu ông T. đòi được, bà K., ông Q. phải trả cho ông T. thù lao tương ứng với 35% giá trị nhà đất đòi được. Có thể thấy, đây là quan hệ hợp đồng dịch vụ chứ không phải là chế định hứa thưởng theo quy định của BLDS. Bởi lẽ:

Một là, hứa thưởng là một dạng hành vi pháp lý đơn phương. BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 2015 đều xác định tính đơn phương của việc hứa thưởng thông qua các nội dung như người hứa thưởng tự đưa ra điều kiện thưởng, tự công khai công việc hứa thưởng, được rút lại tuyên bố hứa thưởng khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc… Nếu là quan hệ hợp đồng dịch vụ thì phải có sự thỏa thuận giữa các bên về điều kiện công việc, thù lao dịch vụ,... Trong vụ án này, giữa ông T. và bà K., ông Q. thỏa thuận cụ thể về nội dung công việc ông T. phải làm, thù lao sau khi đạt được công việc (mức thù lao tăng qua các lần ký kết hợp đồng)… do đó, cần nhận thức và xác định rõ đây là quan hệ hợp đồng dịch vụ giữa ông T. với bà K., ông Q.

Hai là, BLDS năm 2015 đã tách “hứa thưởng và thi có giải” thành một chương riêng, không còn là một mục nằm trong chương “các hợp đồng thông dụng” như BLDS năm 2005. Điều này cho thấy nhà làm luật đã xác định rõ bản chất khác nhau giữa quan hệ hứa thưởng và quan hệ hợp đồng.

Như vậy, trong vụ án này và rộng hơn, khi giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc hứa thưởng. Cần xem xét thỏa thuận hứa thưởng của các bên để xác định các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với vụ án này, không thể áp dụng các quy định về hứa thưởng tại mục 13 từ Điều 590 đến Điều 592 BLDS năm 2005, nay là Điều 570 đến Điều 572 BLDS năm 2015 để giải quyết mà phải áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết.

Thứ hai, về tính hợp pháp của thỏa thuận hứa thưởng

Như trên chúng tôi đã phân tích, nếu chúng ta xác định quan hệ trong vụ án này là quan hệ hứa thưởng thì chỉ cần áp dụng các quy định về hứa thưởng để giải quyết. Còn nếu xác định là quan hệ hợp đồng (hợp đồng hứa thưởng hay hợp đồng dịch vụ) thì trước hết phải xem xét đến hiệu lực của hợp đồng thông qua các quy định trong phần chung BLDS về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Trong vụ án này, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều cho rằng, nhà và đất tại 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai có nguồn gốc của vợ chồng bà Vương Thị K. và ông Nguyễn Đắc K., ông K. chết năm 2004 không để lại di chúc. Ông K. và bà K. có 9 con chung nhưng tại các thỏa thuận hứa thưởng chỉ có bà K. và một người con là ông Q. ký mà không có chữ ký hay ý kiến của 8 người con còn lại, đã làm thiệt hại đến quyền lợi của họ. Lẽ, ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải hỏi ý kiến của 8 người con còn lại về việc trả thưởng cho ông T. như thế nào để làm căn cứ giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét các nội dung trên mà chỉ căn cứ vào “Thỏa thuận hứa thưởng” ngày 28/11/2008 được lập tại bang C, Hoa Kỳ để buộc bà K., ông Q. trả cho ông T. 35% giá trị nhà, đất tương đương 54.676.300.000 đồng là chưa đủ căn cứ.

Như vậy, theo Tòa án nhân dân tối cao, do đây là quan hệ hợp đồng, nên cần xem xét đến ý chí của 8 người con còn lại của ông K. và bà K. Nếu không được sự đồng ý của họ thì khả năng hợp đồng không được chấp nhận hiệu lực. Quan điểm này cần cân nhắc bởi các lý do sau:

Việc bà K., ông Q. ký cam kết hứa thưởng với ông Đặng Đình T. để ông T. tiến hành các thủ tục đòi lại nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai không những không làm thiệt hại đến quyền lợi của 8 người con còn lại của bà K. mà còn làm lợi cho họ. Bởi lẽ, chính từ cam kết hứa thưởng này, ông T. đã tiến hành các thủ tục cần thiết để đòi lại nhà cho gia đình bà K. và thực tế đã đòi được. Việc đòi được nhà không những mang lại quyền lợi cho bà K., ông Q. mà còn là quyền lợi của 8 người con còn lại. Tại thời điểm ký cam kết hứa thưởng này, nhà đất chưa được Nhà nước công nhận thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của gia đình bà K., sau khi ký cam kết hứa thưởng, ông T. thực hiện công việc và đã đòi được nhà đất cho gia đình bà K.

Việc hứa thưởng là thỏa thuận tự nguyện giữa bà K., ông Q. với ông T.. Tòa án buộc bà K., ông Q. trả thưởng cho ông T. căn cứ vào hợp đồng mà các bên đã ký kết chứ không buộc 8 người con còn lại trả thưởng cho ông T.

Việc các bên thỏa thuận mức hứa thưởng là 35% giá trị nhà và đất không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 8 người con còn lại (những người không tham gia hứa thưởng). Bởi lẽ, các bên chỉ dùng 35% giá trị nhà đất làm mức hứa thưởng, là cơ sở để xác định mức hứa thưởng. Điều này khác với việc bà K., ông Q. chuyển nhượng hay định đoạt 35% nhà đất cho ông T. Thực tế, Tòa án đã xác định 35% giá trị nhà và đất tương ứng với 54.676.300.000 đồng và buộc bà K., ông Q. phải trả cho ông T. số tiền đó chứ không phải buộc bà K., ông Q. phải làm thủ tục chuyển nhượng cho ông T. 35% nhà và đất. Như vậy, 35% giá trị nhà và đất chỉ là căn cứ để các bên tham gia hợp đồng xác lập mức hứa thưởng, đây là hợp đồng giữa bà K., ông Q. với ông T., 8 người con còn lại không tham gia xác lập hợp đồng, do đó, không cần phải hỏi ý kiến họ.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cần khắc phục những vi phạm về mặt tố tụng và giải quyết triệt để các quan hệ pháp luật có tranh chấp trong vụ án này. Theo đó, cần chấp nhận đối với yêu cầu của ông Đặng Đình T. buộc bà Vương Thị K. và ông Nguyễn Đắc Q. trả thưởng mà không cần xem xét ý kiến của 8 người con còn lại của ông K., bà K. Tuy nhiên, do nhà và đất tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai nêu trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các đồng thừa kế (gồm bà K. và 9 người con còn lại). Do đó, cần đưa họ vào tham gia tố tụng và nếu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. thì quá trình thi hành án cần xác định quyền sở hữu, sử dụng của bà K., ông Q. trong khối tài sản chung với 8 đồng thừa kế còn lại để thi hành án nhằm bảo đảm quyền lợi của họ.

===================

[1] Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký Điều ước về miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự.

[2] https://kiemsat.vn/loi-hua-thuong-luat-gia-gan-55-ty-khi-thang-kien-sao-chua-thanh-hien-thuc-48533.html truy cập lần cuối ngày 06/6/2021.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ VÂN ANH 

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại