Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần 1)

05/09/2022 04:35 | 1 năm trước

(LSVN) - Giải quyết xung đột lợi ích là một yêu cầu cơ bản trong hành nghề Luật sư. Đây là nghĩa vụ luật định, đồng thời là nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp của Luật sư.

Ảnh minh họa.

Luật Luật sư nghiêm cấm cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án, vụ việc tố tụng [1]. Theo pháp luật về tố tụng [2], một Luật sư chỉ được nhận bào chữa cho nhiều bị cáo trong cùng vụ án hình sự, nhận bảo vệ cho nhiều đương sự trong cùng vụ án dân sự, vụ án hành chính, nếu quyền lợi của những người này không đối lập nhau. Luật sư cũng không được làm đại diện theo ủy quyền nếu đồng thời là đương sự, hoặc đang là người đại diện cho một đương sự khác mà có quyền lợi đối lập với người được đại diện trong cùng một vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Giải quyết xung đột lợi ích là 1 trong 10 nguyên tắc cơ bản về ứng xử trong hành nghề Luật sư của Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA). Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của các hiệp hội, đoàn Luật sư của nhiều nước trên thế giới cũng đều ghi nhận đây là một trong những yêu cầu ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.

Giải quyết xung đột lợi ích đã được quy định trong Quy tắc đạo đức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được ban hành từ năm 2011 [3]. Trước đó, “Quy tắc mẫu” do Bộ Tư pháp ban hành năm 2002 cũng đã quy định về hành vi ứng xử của Luật sư khi  “có mâu thuẫn về quyền lợi” giữa các khách hàng của Luật sư, giữa khách hàng với Luật sư hoặc với người thân thích của Luật sư.

Bộ Quy tắc 2019 được ban hành [4] để thay thế Quy tắc 2011, đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề xung đột lợi ích, tập trung ở Quy tắc 15, gồm 4 nội dung chính sau đây: (1) Định nghĩa thế nào là “xung đột lợi ích”; (2) Yêu cầu những hành vi ứng xử cơ bản của Luật sư đối với xung đột lợi ích; (3) Liệt kê những trường hợp xung đột lợi ích điển hình mà Luật sư không được phép nhận hoặc thực hiện vụ việc; (4) Cho phép Luật sư nhận hoặc thực hiện vụ việc có xung đột lợi ích nếu được khách hàng đồng ý bằng văn bản,  trừ một số trường hợp. Như vậy, Bộ Quy tắc 2019 không chỉ đặt ra những yêu cầu ứng xử mà còn hướng dẫn Luật sư cách thức giải quyết khi gặp phải xung đột lợi ích.

Tại sao Luật sư cần giải quyết xung đột lợi ích?

Độc lập là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hành nghề Luật sư được pháp luật quy định và cũng được ghi nhận tại Quy tắc 2 của Bộ Quy tắc 2019. Nguyên tắc độc lập đòi hỏi Luật sư không được để các yếu tố lợi ích hoặc bất kỳ áp lực nào khác gây ảnh hưởng đến quan điểm chuyên môn nghề nghiệp và những nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng. Niềm tin của khách hàng là yếu tố “sống còn” để Luật sư có thể hoàn thành sứ mệnh, chức năng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư có sự đan xen của nhiều mối quan hệ: giữa Luật sư với khách hàng, giữa các khách hàng của Luật sư với nhau, giữa khách hàng của Luật sư với bên thứ ba có liên quan… Lợi ích của các bên trong các mối quan hệ này là khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau, đặt Luật sư vào thế “khó xử”.

Do đó, Luật sư cần giải quyết cho được vấn đề xung đột lợi ích phát sinh trong những mối quan hệ này để đảm bảo nguyên tắc độc lập, từ đó mới thực hiện được những nghĩa vụ đối với khách hàng, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Có giải quyết được xung đột lợi ích mới góp phần củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng nói riêng, của cộng đồng xã hội nói chung đối với Luật sư và nghề Luật sư.

Thế nào là “xung đột lợi ích” theo Bộ Quy tắc 2019? 

Quy tắc 15.1. Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

“Bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng” (Quy tắc 5) và “Giữ bí mật thông tin của khách hàng” (Quy tắc 7) là hai nghĩa vụ cơ bản của Luật sư trong mối quan hệ Luật sư - khách hàng. Theo định nghĩa tại Quy tắc 15.1 nêu trên, xung đột lợi ích phát sinh khi Luật sư không thể thực hiện được được một trong hai nghĩa vụ này do bị chi phối, tác động bởi một trong những yếu tố gây xung đột, đó là: (1) Quyền lợi của Luật sư, (2) nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng khác, hoặc (3) nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba. Có sự nhầm lẫn tương đối phổ biến là phải có tranh chấp giữa các bên mới dẫn đến xung đột lợi ích. Thực chất, xung đột lợi ích ở đây chính là sự xung đột nội tại của Luật sư khi đứng trước các mối quan hệ cần giải quyết.

Theo định nghĩa nêu trên, xung đột chỉ phát sinh khi có mâu thuẫn, đối kháng giữa hai phía: một phía là quyền lợi của khách hàng, phía bên kia là một trong những yếu tố gây xung đột kể trên. Hai phía này phải có liên quan đến nhau thông qua dịch vụ pháp lý của Luật sư. Ví dụ: A và B đang có tranh chấp, một Luật sư tư vấn pháp luật cho cả A và B nhưng không phải về vụ việc đang tranh chấp giữa A và B thì không phát sinh xung đột lợi ích. Việc A và B là đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành nghề kinh doanh cũng không làm phát sinh xung đột cho Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho cả A và B trong những vụ việc A và B không liên quan đến nhau. Tương tự, nếu Công ty A đang có tranh chấp lao động với nhân viên C là anh ruột của Luật sư, thì Luật sư cũng không có xung đột lợi ích khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho A về những vụ việc không liên quan đến C.

Ai là “khách hàng”, “bên thứ ba”?

Quy tắc 15.1 đề cập đến “khách hàng”, “khách hàng hiện tại” và “khách hàng cũ”. “Khách hàng hiện tại” là người đang được Luật sư thực hiện công việc dịch vụ pháp lý hoặc có hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư đang còn hiệu lực. Đối với Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì “khách hàng hiện tại” được hiểu là cơ quan, tổ chức có ký kết hợp đồng lao động với Luật sư đang còn hiệu lực. “Khách hàng cũ” là người đã từng được Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý, công việc của Luật sư đã kết thúc và hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư (nếu có) đã chấm dứt.

Quy tắc 15.3.2 và 15.3.3 có đề cập đến “khách hàng mới”, được hiểu là người đang trong quá trình chuẩn bị nhờ Luật sư nhận vụ việc (chuẩn bị ký hợp đồng dịch vụ pháp lý), Luật sư chưa bắt đầu thực hiện công việc. Một khi Luật sư ký hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc bắt đầu thực hiện công việc thì “khách hàng mới” trở thành “khách hàng hiện tại”.

“Bên thứ ba” được hiểu là những người không phải khách hàng nhưng Luật sư có mối quan hệ về quyền lợi, nghĩa vụ có thể ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng. Ví dụ: khi một Luật sư làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của Công ty cổ phần A, nghĩa vụ của thành viên độc lập đối với “bên thứ ba” là A không cho phép Luật sư có hành vi đi ngược lại lợi ích của A, nên nếu Luật sư này bảo vệ cho khách hàng B trong vụ việc tranh chấp với A thì sẽ phát sinh xung đột lợi ích.

Thế nào là “bị hạn chế”, “có khả năng bị hạn chế”?

Xung đột lợi ích phát sinh khi Luật sư ở vào một trong hai tình thế: “bị hạn chế” hoặc “có khả năng bị hạn chế”. Thông thường, Luật sư chắc chắn “bị hạn chế” khi đồng thời có từ hai khách hàng trở lên trong cùng vụ việc mà quyền lợi của khách hàng này đối lập với quyền lợi của khách hàng kia (xem Quy tắc 15.3.1). Khi đó, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng này thì Luật sư không thể tránh khỏi trực tiếp gây bất lợi, làm xấu đi tình trạng của khách hàng kia. Ví dụ: Trong một vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn, Luật sư vừa tư vấn pháp luật cho người vợ, đồng thời bảo vệ quyền lợi người chồng tại tòa án.

Ngoài ra, Luật sư “có khả năng bị hạn chế” là khi có căn cứ rõ ràng và hợp lý để cho rằng Luật sư sẽ không thể bảo vệ được tốt nhất quyền lợi khách hàng do sự chi phối, tác động  của những yếu tố gây xung đột, bao gồm: quyền lợi của Luật sư (xem Quy tắc 15.3.4, 15.3.6), nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại trong vụ việc khác (xem Quy tắc 15.3.2), nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng cũ (xem Quy tắc 15.3.3), nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba (xem Quy tắc 15.3.5). Để xác định có căn cứ rõ ràng và hợp lý hay không phải dựa trên sự đánh giá khách quan và từ góc độ niềm tin của khách hàng, không phải theo đánh giá và ý thức chủ quan của Luật sư tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Ví dụ: Khi Luật sư nhận soạn thảo hợp đồng cho khách hàng trong giao dịch mua bán tài sản giữa khách hàng và thành viên gia đình của Luật sư (cha, mẹ, vợ chồng, anh chị em…), cho dù Luật sư đã có ý thức và thực sự tận tâm vì quyền lợi của khách hàng, nhưng khách hàng vẫn có thể nghi ngờ rằng Luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng hoặc ít nhất là không bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của khách hàng. Căn cứ rõ ràng ở đây là mối quan hệ thân thích của Luật sư và sự nghi ngờ đó của khách hàng là hợp lý. Vì thế, trường hợp này được xác định là Luật sư có xung đột lợi ích.

Yêu cầu ứng xử cơ bản của Luật sư để giải quyết xung đột lợi ích

Quy tắc 15.1. …

Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này.

Quy tắc 15.2. Trong quá trình thực hiện vụ việc, Luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của Luật sư thì Luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết.

Quy tắc xung đột lợi ích không đòi hỏi Luật sư phải ưu tiên quyền lợi của khách hàng so với các quyền lợi, nghĩa vụ khác của Luật sư. Đòi hỏi như vậy là thiếu khả thi, vì dù muốn hay không, Luật sư cũng khó có thể thực hiện được việc “ưu tiên”. Quy tắc này yêu cầu Luật sư phải tránh những tình huống để các quyền lợi, nghĩa vụ này xung đột với nhau, khiến Luật sư rơi vào tình thế “khó xử” nếu phải chọn lựa ưu tiên quyền lợi, nghĩa vụ nào. Quy tắc 15.1 và 15.2 đặt ra những yêu cầu cơ bản về hành vi ứng xử của Luật sư để giải quyết xung đột về lợi ích phát sinh trong hai giai đoạn: (1) Trước khi nhận vụ việc và (2) Trong khi đang thực hiện vụ việc.

Trước khi nhận vụ việc: Theo Quy tắc 15.1, khi xác định xung đột lợi ích sẽ phát sinh nếu Luật sư nhận vụ việc thì Luật sư phải từ chối nhận vụ việc, trừ khi có quy định pháp luật cho phép hoặc được sự đồng ý của khách hàng (xem quy tắc 15.4). Ví dụ: Khi Luật sư đang tư vấn pháp luật cho A để chuẩn bị thủ tục ly hôn với B thì nhận được yêu cầu của B bảo vệ quyền lợi cho B trong vụ án ly hôn với A. Nếu Luật sư nhận vụ việc của  B thì sẽ phát sinh xung đột vì quyền lợi của B đối lập với quyền lợi của A (xem quy tắc 15.3.1). Do đó, về nguyên tắc Luật sư phải từ chối nhận yêu cầu của B.

Trong khi đang thực hiện vụ việc: Luật sư cần (1) chủ động tránh xung đột lợi ích, (2) thông báo cho khách hàng về xung đột lợi ích và (3) giải quyết xung đột lợi ích.

Chủ động tránh xung đột lợi ích

Theo Quy tắc 15.2, Luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột lợi ích, chẳng hạn như không tham gia vào các quan hệ pháp lý có khả năng dẫn đến xung đột, chủ yếu là quan hệ liên quan đến quyền lợi của Luật sư. Ví dụ: Nếu Luật sư đang giúp bên mua A đàm phán hợp đồng mua bán nhà của bên bán B thì Luật sư không được nhận làm môi giới cho B để tìm thêm người mua khác cho chính căn nhà này. Khi đó lợi ích của Luật sư có được từ việc môi giới có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ lợi ích của bên mua A trong đàm phán hợp đồng mua bán nhà với B. Ngược lại, nếu Luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý với “khách hàng hiện tại” để nhận công việc của “khách hàng mới” hoặc để tham gia vào quan hệ pháp lý khác vì quyền lợi của Luật sư thì không phải là hành vi phù hợp với yêu cầu “chủ động tránh xung đột” theo Quy tắc 15.2. Việc Luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện vụ việc phải phù hợp với Quy tắc 13 và Quy tắc 14.

Thông báo cho khách hàng về xung đột lợi ích

Nếu phát hiện xung đột lợi ích đã phát sinh từ trước khi nhận vụ việc hoặc phát sinh trong khi đang thực hiện vụ việc thì Luật sư cần thông báo ngay cho khách hàng có liên quan. Ví dụ: Trong quá trình tư vấn pháp luật và đại diện cho các đồng thừa kế phân chia di sản, nếu phát sinh tranh chấp giữa các đồng thừa kế, Luật sư phải thông báo cho những khách hàng này biết về tình trạng Luật sư có xung đột lợi ích khi cùng lúc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đồng thừa kế có tranh chấp.

Giải quyết xung đột lợi ích

Thông thường, có hai cách giải quyết trong trường hợp có xung đột lợi ích khi đang thực hiện vụ việc: Thứ nhất, Luật sư chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý cho một hoặc tất cả các khách hàng liên quan. Thứ hai, Luật sư tiếp tục thực hiện vụ việc nếu được khách hàng có liên quan đồng ý (xem Quy tắc 15.4).

Để thực hiện được những yêu cầu ứng xử cơ bản theo Quy tắc này, Luật sư cần xem xét những vấn đề sau:

(1) Xác định các chủ thể tham gia: Ai là “khách hàng” của Luật sư? “Khách hàng hiện tại”, “khách hàng cũ” hay “khách hàng mới”?

(2) Xác định có tồn tại xung đột lợi ích hay không?

(3) Xác định yếu tố gây xung đột là gì? Xung đột với với quyền lợi của Luật sư? Xung đột với nghĩa vụ của Luật sư đối với “khách hàng hiện tại”, “ khách hàng cũ”, hay “bên thứ ba”?

(4) Xác định mức độ của xung đột lợi ích:

Thông thường, mức độ của xung đột lợi ích trong mỗi trường hợp là khác nhau phụ thuộc ít nhiều vào tính chất mối quan hệ giữa các bên trong vụ việc và phạm vi công việc dịch vụ pháp lý được Luật sư thực hiện cho khách hàng.

- Xét về tính chất mối quan hệ, tùy thuộc vào vụ việc đang ở trong giai đoạn xác lập, thay đổi quan hệ pháp lý giữa các bên hay giai đoạn giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp lý đã xác lập. Thông thường, trong giai đoạn xác lập, thay đổi quan hệ pháp lý (Ví dụ: Khi đang thương lượng để tham gia thành lập doanh nghiệp hoặc đàm phán ký kết hợp đồng), các bên hướng đến sự hợp tác, nhân nhượng lẫn nhau để đạt được sự đồng thuận nhằm xác lập giao dịch, nên xung đột lợi ích còn ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, ở giai đoạn đã phát sinh bất đồng, tranh chấp giữa các bên phải cần đến các thủ tục hòa giải, trọng tài, tố tụng (dân sự, hành chính) hoặc có hành vi có dấu hiệu tội phạm phải tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự thì mức độ đối lập về quyền lợi cao hơn. Các bên không tự quyết định được kết quả giải quyết mà phải tham gia vào quá trình tranh luận, tranh tụng để bên thứ ba (hội đồng xét xử, trọng tài…) quyết định kết quả. Vì thế yêu cầu giải quyết xung đột lợi ích đối với Luật sư thông thường cũng cao hơn.

- Phạm vi công việc dịch vụ pháp lý được Luật sư cung cấp cho khách hàng cũng có ảnh hưởng đến mức độ xung đột lợi ích. Thông thường, mức độ tăng từ thấp đến cao theo phạm vi công việc của Luật sư sau đây:  Dịch vụ pháp lý khác (thủ tục hành chính, soạn thảo giấy tờ); tư vấn pháp luật, tham gia hoặc đại diện đàm phán để xác lập, thay đổi quan hệ pháp lý; tham gia hòa giải, trọng tài; tham gia tố tụng dân sự, hành chính; tham gia tố tụng hình sự.

Tùy theo mức độ và tính chất của xung đột lợi ích, Luật sư xác định vụ việc có thuộc loại Luật sư vẫn được nhận hay tiếp tục thực hiện nếu được khách hàng đồng ý hay không để có cách giải quyết phù hợp./.

[1] Điểm a, khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012);

[2] Khoản 5, Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021); khoản 3, Điều 75 và khoản 2, Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 6, Điều 60 và khoản 3, Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015.

[3] Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc;

[4] Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Luật sư NGUYỄN HẢI NAM

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh