Giám đốc CDC Đà Nẵng đối diện với khung hình phạt nào?

24/06/2022 11:01 | 1 năm trước

(LSVN) - Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) về hành vi "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự. Vậy, với hành vi bị khởi tố này, Giám đốc CDC Đà Nẵng sẽ đối diện với khung hình phạt như thế nào?

Ông Tôn Thất Thạnh (áo trắng, đeo thẻ).

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, tội "Tham ô tài sản" là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và có mức hình phạt nghiêm khắc cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Trước đây, tội "Tham ô tài sản" chỉ áp dụng đối với người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý đó là những tài sản của nhà nước. Tuy nhiên đến nay pháp luật đã sửa đổi, kể cả trường hợp chiếm đoạt tài sản thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước thì cũng sẽ bị xử lý về tội danh này. 

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e)Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xác định tội danh và cơ sở để xác định mức hình phạt đối với từng bị can khi giải quyết vụ án. Đặc biệt trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của các cán bộ, nhân viên của Công ty Việt Á, trường hợp có hành vi giúp sức, xúi giục các bị can thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với các cá nhân có liên quan.

Hành vi tham ô tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của nhà nước, làm mất uy tín của nhà nước đối với nhân dân, đặc biệt hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, các bị can trong vụ án này sẽ bị xem xét xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Chia sẻ thêm, Luật sư Cường đánh giá: Vụ án này một lần nữa cho thấy có rất nhiều cán bộ có chức vụ trong ngành y tế tha hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức sa ngã trở thành tội phạm. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra trong vụ án Việt Á cho thấy có rất nhiều người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực y tế nhưng đã sẵn sàng bất chấp đạo đức, coi nhẹ y đức của mình, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi phạm tội trong đó có tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Nhận hối lộ", "Tham ô tài sản",...

Ngày càng nhiều tội danh được khởi tố, càng nhiều cán bộ bị xử lý cho thấy vụ Việt Á là rất phức tạp và có một bộ phận không nhỏ cán bộ đã suy thoái về đạo đức, lối sống, coi thường pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản của nhà nước và của nhân dân. Vì vậy việc mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm trong vụ án này là cần thiết để thanh lọc bộ máy, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

TIẾN HƯNG

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và 2 cán bộ CDC Đà Nẵn