/ Luật sư - Bạn đọc
/ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đối diện với mức án nào?

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đối diện với mức án nào?

01/05/2022 10:12 |

(LSVN) - Với số tiền gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng thì các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15 đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và nguyên Chủ tịch Công ty AIC

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; hiện là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC); Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC); Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu và Hoàng Thế Quỳnh đều là nguyên nhân viên Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC); Nguyễn Công Tiến (Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới); Ninh Văn Sinh (nguyên Chuyên viên thẩm định giá Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới); Vũ Quang Ngọc (Phó Giám đốc Công ty liên doanh Trách nhiệm hữu hạn tư vấn y tế Medicosult Việt Nam).

Các bị can này cùng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Kết quả điều tra đến nay xác định, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỉ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm Chủ đầu tư.

Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh Dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc Dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các cán bộ thuộc: Chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC; Đơn vị tư vấn lập dự án, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu; Đơn vị Thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu để Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC trúng thầu 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỉ đồng. 

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra kết luận hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, đồng thời mở rộng điều tra vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Đối diện với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp chia sẻ, đây không phải là vụ án đầu tiên liên quan đến việc xử lý cán bộ ngành y tế vi phạm quy định về đấu thầu, quản lý tài sản nhà nước khi mua sắm máy móc, thiết bị y tế. Tuy nhiên, vụ án này một lần nữa cho thấy, sai phạm trong việc mua sắm máy móc thiết bị y tế đã trở thành vấn nạn trong ngành này. Trong thời gian qua hàng loạt bệnh viện lớn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và cán bộ cao cấp của ngành y tế đã bị xử lý liên quan đến mua sắm máy móc thiết bị, liên quan đến hoạt động đấu thầu, quản lý tài sản công... Điều này cho thấy đã có những lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực này và đạo đức của một bộ phận cán bộ ngành y tế đã xuống cấp trầm trọng.

Những hành vi vi phạm trong việc mua sắm máy móc thiết bị y tế thường là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ;...

Pháp luật quy định hoạt động mua sắm tài sản công nói chung, mua sắm máy móc thiết bị y tế nói riêng phải thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Dù là đấu thầu hay chỉ định thầu thì việc xác định giá cả của hàng hóa dịch vụ mua sắm là điều rất quan trọng. Với những người có chuyên môn trong ngành y tế thì việc xác định giá cả các máy móc thiết bị y tế là chuyện rất đơn giản. Tuy nhiên nhiều người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, cấu kết với đơn vị đấu giá, thẩm định giá, đơn vị kinh doanh thiết bị để nâng không giá thiết bị, hợp thức hóa hồ sơ, vi phạm quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, sản phẩm kém chất lượng giá cao.

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì hoạt động đấu thầu để mua sắm máy móc thiết bị y tế đòi hỏi phải công khai, minh bạch, khách quan, không được can thiệp vào hoạt động đấu thầu. Tổ chức đấu thầu phải đúng quy trình, quy định. Đối với một số trường hợp thì đơn vị sử dụng tài sản công được phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, dù chỉ định thầu thì cũng phải kiểm tra đánh giá hồ sơ lựa chọn nhà thầu, xác minh giá trị thoả thuận giá trị hàng hóa đúng với giá trị thị trường.

Trong vụ án trên, Cơ quan điều tra đã khởi tố Giám đốc Sở Y tế và một số cán bộ thuộc cấp, Giám đốc Công ty Cung cấp thiết bị, Công ty Thẩm định giá,... về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tội danh này được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm.

"Với số tiền gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng thì các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15 đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung mà Tòa án có thể xem xét áp dụng đối với các bị can trong vụ án này khi xét xử theo quy định của pháp luật", Luật sư Cường phân tích.

Ngoài tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" thì Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các đối tượng có thỏa thuận với nhau về việc thực hiện hành vi trái pháp luật để hưởng lợi hay không, có chung chi khi thực hiện hành vi trái pháp luật hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy các cá nhân của doanh nghiệp này đã thỏa thuận với Giám đốc Sở Y tế và các cán bộ có liên quan về việc thực hiện công việc theo yêu cầu của họ sẽ được ăn chia tiền thì Cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ thêm, Luật sư Cường cho rằng, vụ án này một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cán bộ thoái hóa, biến chất, vì lợi ích cá nhân, vì cám dỗ vật chất mà đánh đổi danh dự, uy tín của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua những vụ án như thế này, cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động mua sắm tài sản công nói riêng, mua sắm thiết bị y tế nói chung.

Cụ thể, Luật sư kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản để làm cơ sở xác định chính xác giá cả tài sản trong mua sắm tài sản công. Từ đó, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu và làm tốt công tác cán bộ. Với những cán bộ không đủ năng lực trình độ, không đủ phẩm chất, đạo đức thì kiên quyết không bố trí vào những vị trí quan trọng liên quan đến việc mua sắm tài sản công, quản lý lý kinh tế.

TIẾN HƯNG

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và nguyên Chủ tịch Công ty AIC

Lê Minh Hoàng