Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều ngày 03/01/2023 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về việc ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm.
Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho hay, Trung tâm đăng kiểm 50-17D là đơn vị do tư nhân đầu tư. Ông Hồ Hữu Tài mặc dù là Giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện. Trung tâm đăng kiểm 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 06 đăng kiểm viên. Trong đó, ông Trần Thanh Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm, là người điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Vậy, tiêu chuẩn của người đứng đầu trung tâm kiểm định được quy định thế nào; sự việc giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ vẫn điều hành trung tâm thì trách nhiệm các bên liên quan ra sao? Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để được thực hiện hoạt động kiểm định, cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới, các trung tâm này phải đáp ứng các điều kiện rất ngặt nghèo, chặt chẽ về cơ sở vật chất và nhân lực. Cụ thể, được quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
Theo đó, điều kiện về nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện sau: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định; có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Nghị định 139/2018/NĐ-CP; hồ sơ thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bao gồm: Văn bản đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; danh sách trích ngang kèm theo bản sao được chứng thực hợp đồng lao động theo quy định hoặc quyết định tiếp nhận đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; quyết định bổ nhiệm đối với phụ trách dây chuyền kiểm định; quyết định bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị đăng kiểm (nếu có); bản đối chiếu các quy định về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể và mặt bằng nhà xưởng có bố trí các dây chuyền và thiết bị kiểm tra; tài liệu về bảo đảm an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật theo quy định khoản 1, Điều 8, Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Luật sư cũng cho hay, tiêu chuẩn đăng kiểm viên và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên quy định tại Điều 14, Điều 15, Nghị định 139/2018/NĐ-CP cũng đã phải trình độ thấp nhất là đại học.
Cụ thể, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí; có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông Vận tải quy định; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; kết quả đánh giá được thể hiện trên biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP; có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.
Đối với đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao thì điều kiện cấp giấy chứng nhận cũng phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung: Lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô; kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương; là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; kết quả đánh giá được thể hiện trên Biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Về nhân viên nghiệp vụ kiểm định được quy định tại Điều 20 của Nghị định 139/2018/NĐ-CP thì trình độ tối thiểu tốt nghiệp trung cấp nghề và được Bộ GTVT tập huấn cấp chứng chỉ. Phụ trách dây chuyền kiểm định là kiểm định viên xe cơ giới bậc cao.
Riêng, Điều 24, Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn bắt buộc của lãnh đạo trung tâm đăng kiểm bắt buộc phải từng là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định, mà kiểm định viên cơ bản đã phải có trình độ đại học.
Do đó, Luật sư cho rằng, đối với trường hợp giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ thanh tra chuyên ngành đăng kiểm, thậm chí thanh tra Bộ GTVT, GD&ĐT cần thanh tra về hồ sơ cấp giấy chứng nhận kiểm định viên, hồ sơ lập trung tâm kiểm định, hồ sơ bổ nhiệm người là giám đốc đứng đầu trung tâm, nếu có dấu hiệu sử dụng bằng cấp trình độ đại học giả để hợp thức hóa hồ sơ cấp giấy chứng nhận kiểm định viên sau đó đợi đủ 36 tháng để thành lập trung tâm thì cần kiên quyết xử lý và truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Đối với trách nhiệm hình sự thì đối tượng sẽ liên quan đến tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015; đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015; đối với hành vi nhận tiền để cho qua các lỗi vi phạm của chủ xe khi kiểm định thì hành vi có dấu hiệu của tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Theo đó, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc để chấn chỉnh lĩnh vực này, lấy lại niềm tin trong nhân dân và đảm bảo trật tự quản lý ngành đăng kiểm, chặn đứng nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn từ hành vi xe không đủ điều kiện vẫn được cho qua ở khâu đăng ký kiểm định", Luật sư cho hay.
HOÀNG TRẦN
Vụ án Alibaba: Các bước để bị hại nhận lại tài sản sau khi Tòa tuyên án