/ Góc nhìn
/ Giám sát CSGT: Người dân cần thực hiện quyền lợi đúng nghĩa và có văn hóa

Giám sát CSGT: Người dân cần thực hiện quyền lợi đúng nghĩa và có văn hóa

05/01/2021 17:59 |4 năm trước

LSVNO - Khi thực hiện quyền giám sát của mình thì người dân cũng cần thực hiện một cách có văn hóa như không nên dí sát máy quay, không sử dụng những ngôn từ mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm cá...

LSVNO - Khi thực hiện quyền giám sát của mình thì người dân cũng cần thực hiện một cách có văn hóa như không nên dí sát máy quay, không sử dụng những ngôn từ mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ…

 

Người dân không cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Từ ngày 15/01/2020, Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chính thức có hiệu lực. Theo đó, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT trong công tác đảm bảo trật tự ATGT bằng thiết bi ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Nhằm giúp người dân có cái nhìn toàn diện, từ đó có hành vi giám sát đúng pháp luật, tôn trọng các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ, Luật sư Việt Nam Online đã có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này.

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích: “Thứ nhất, mục đích của việc quay phim, chụp ảnh không phải sử dụng vào hành vi trái pháp luật: Việc quay phim, chụp ảnh pháp luật không cấm, nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh bất hợp pháp thì pháp luật nghiêm cấm và xử phạt nghiêm khắc.

Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp.

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi gây ra, người vi phạm sẽ chịu trách nhiệm theo Luật An ninh mạng cũng như xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội "Vu khống" (Điều 156 BLHS), tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 228 BLHS).

Thứ hai, cần tuân thủ, chấp hành các quy định về việc quay phim chụp ảnh, pháp luật có quy định về điều kiện được quay phim, chụp ảnh ở những khu vực liên quan đến bí mật Nhà nước, những khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (được xác định theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG, ngày 06/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm).

Thứ ba, việc giám sát này phải theo quy định của pháp luật và không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Hoặc cản trở lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ, truy bắt tội phạm hoặc quay phim mà làm mất an toàn đến bản thân mình và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác.

Không những vậy, khi thực hiện giám sát của mình thì người dân cũng cần thực hiện quyền của mình một cách có văn hóa như: Không nên dí sát máy quay, không cản trở các hoạt động khác không liên quan của CSGT, không sử dụng những ngôn từ mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ…

Do đó, người dân được thực quyền lợi của mình nhưng hãy thực hiện quyền lợi đúng nghĩa và có văn hóa”.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng ý Thông tư số 67 của Bộ Công an, ban hành đáp ứng nguyện vọng của nhiều người. Tuy nhiên, vấn đề chính là ý thức tự nguyện của các bên thực hiện đúng pháp luật. Bên cơ quan thực thi pháp luật cần tuân thủ các quy định pháp luật và điều lệ công an để thực hiện nghiêm túc mà không nhất thiết phải đợi người dân giám sát quay ghi âm, ghi hình. Bởi nếu làm đúng thì dù ghi âm, ghi hình cũng không có ý nghĩa nhiều.

Việc người dân giám sát ghi âm ghi hình có ý nghĩa tích cực không những là chứng cứ cho hành vi để chứng minh mình không vi phạm, ma còn là công cụ quan trọng để nâng cao trách nhiệm làm việc của công an, tránh có những hành vi thiếu khách quan, nhũng nhiễu hay có những hành vi vi phạm pháp luật khác để có căn cứ xử lý các cán bộ vi phạm.

Người dân ghi âm ghi hình cũng nên sử dụng vào mục đích chứng minh mình không vi phạm hay bảo đảm cho hoạt động giám sát công an làm việc, tránh ghi âm ghi hình để xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay vì những mục đích vi phạm pháp luật khác”.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Đây là nội dung không mới, bởi cách đây gần 07 năm, tôi đã lên tiếng về vấn đề này khi Cục CSGT Đường bộ, đường sắt ban hành văn bản với nhiều nội dung gây thắc mắc cho nhân dân, hoang mang cho các nhà báo trong khi hoạt động nghề nghiệp.

Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do, được làm những điều mà pháp luật không cấm. Cán bộ, công chức, chiến sỹ công an trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao chỉ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ở đây, cần xác định rõ việc công dân thực hiện “quay phim, chụp ảnh” CSGT có bị pháp luật cấm hay không. Nếu không thuộc các trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng mà CSGT cấm người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh là vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Hình ảnh của các chiến sỹ CSGT khi đang thi hành công vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, không thuộc phạm trù bí mật đời tư, nên việc ghi hình ảnh người thi hành công vụ thuộc cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng nên không cần sự chấp thuận của CSGT (hay bất cứ cá nhân nào). Hơn nữa, trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có lực lượng CSGT phải chịu sự giám sát của nhân dân”.

Luật sư Đặng Thị Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ: “Thông tư số 67 được ban hành đã mở rộng hơn tính dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thông qua giám sát, người dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh cho Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương... để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các chiến sỹ CSGT có biểu hiện tiêu cực, hành động, cử chỉ không đúng khi làm nhiệm vụ.

Thông tư này đã tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ nhằm làm trong sạch đội ngũ công an nhân dân. Tinh thần của thông tư này thể hiện quyết tâm của các nhà làm luật để cải cách vững mạnh cơ quan hành pháp trên mọi lĩnh vực”.

Đoàn Vĩnh