/ Góc nhìn
/ Giới hạn thời gian sở hữu chung cư: Nên thận trọng!

Giới hạn thời gian sở hữu chung cư: Nên thận trọng!

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên quan đến việc đề xuất giới hạn thời gian sở hữu căn hộ chung cư tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Các ý kiến ủng hộ giới hạn thời hạn sử dụng chung cư cho rằng quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo chung cư cũ, nhất là góp phần giảm mạnh giá chung cư,... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng giới hạn thời gian sở hữu sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, đặc biệt là khó khăn trong việc thu hút, khuyến khích người dân sở hữu căn hộ chung cư.

Ảnh minh họa.

Quan điểm tác giả cho rằng việc giới hạn thời gian sở hữu căn hộ chung cư tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý. Bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, việc giới hạn thời gian sở hữu chung cư (dự kiến khoảng 50-70 năm) so với sở hữu lâu dài như hiện nay chắc chắn sẽ đến việc người dân không mặn mà, không muốn mua căn hộ chung cư. Bởi quan điểm của đa số người dân thì họ không chỉ sống cho riêng mình mà còn muốn thừa kế, để lại tài sản là nhà cửa, đất đai cho con, cháu. Vì vậy, việc quy định chung cư có thời hạn thì người dân sẽ không muốn sở hữu chung cư mà đổ xô mua đất nền làm cho thị trường bất động sản, đất thêm "nóng", lộn xộn.

Thứ hai, việc giới hạn chung cư trong khoảng thời gian nhất định, trước mắt có thể làm cho giá chung cư "hạ nhiệt", tuy nhiên vì không thu hút được người dân mua chung cư nên sẽ kéo theo hệ lụy tiêu cực khác. Đó là không phát triển được các khu dân cư tập trung, bố trí, sắp xếp dân cư, từ đó khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước... Mặt khác, sẽ khó khăn trong việc thực hiện tập trung, quy tụ đất đai để hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, sản xuất quy mô lớn gây ra dẫn đến khó khăn cho việc quản lý đất đai, phát triển kinh tế-xã hội,...

Thứ ba, về mặt pháp lý người sở hữu căn hộ chung cư hiện nay đồng thời gắn liền với quyền sử dụng đất hình thành, xây dựng nên chung cư đó. Vì vậy, nếu quy định thời hạn sở hữu có thể dẫn đến tranh chấp quyền sử dụng đất, nhất là khi người dân sở hữu chung cư ở nhiều thời điểm khác nhau, chênh lệch cách nhau nhiều năm thì sẽ giải quyết thế nào,...

Ngoài ra, trường hợp khi người dân già yếu, họ không còn sức lao động, không có tài sản tích lũy mà không còn nhà để ở do hết hạn sở hữu thì sẽ ra sao? Điều này có thể tạo ra gánh nặng về an sinh xã hội, xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu toàn diện và hết sức thận trọng đối với dự kiến quy định về thời hạn sử dụng căn hộ chung cư tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Bởi lẽ điều này sẽ không khuyến khích người dân mua chung cư do tâm lý muốn sở hữu nhà ở lâu dài và những hệ lụy tiêu cực khác mà quy định này có thể gây ra.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Những đề xuất 'bất khả thi'

Lê Minh Hoàng