Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để đảm bảo quyền được tự do lựa chọn công việc, Bộ luật Lao động cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Trường hợp, người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn là 36 tháng, nên để nghỉ việc hợp pháp, bạn chỉ cần báo trước ít nhất 30 ngày là có thể đơn phương nghỉ việc, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong các hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động đó là “giữ bản chính văn bằng của người lao động”. Như vậy, việc công ty giữ bằng đại học gốc là vi phạm pháp luật lao động kể cả trong trường hợp “nhờ” công ty giữ bằng hộ, vì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành tại thời điểm bạn ký hợp đồng cũng có quy định tương tự về vấn đề này.
Điểm a khoản 2 điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định rõ, phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính văn bằng của người lao động. Biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi này đó là buộc trả lại văn bằng đã giữ của người lao động.
Do đó, người lao động có thể căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu công ty phải trả lại giấy tờ gốc đang giữ. Trường hợp không thể tự thỏa thuận được, có thể làm đơn đề nghị công đoàn cơ sở (nơi bạn làm việc, nếu đã thành lập tổ chức công đoàn) hoặc gửi đơn đến Liên đoàn Lao động địa phương nơi công ty đóng trụ sở để đề nghị được giúp đỡ.
LINH NHI