(LSO) - Vì không đeo khẩu trang phòng Covid-19, hai tài xế ôtô bị Cảnh sát giao thông (CSGT) Bắc Giang phạt chống đẩy và cũng là để kiểm tra sức khỏe. Việc làm này dấy lên những tranh cãi pháp lý.
CSGT phạt lái xe... "hít đất"
Trong hai ngày 28 - 29/3, trên mạng xã hội có xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh hai tài xế bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt chống đẩy cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua địa phận khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo clip, khi CSGT hỏi về chuyện không đeo khẩu trang phòng ngừa nhiễm Covid-19, các tài xế trả lời sức khỏe rất tốt, có thể chống đẩy để chứng minh và được cán bộ làm nhiệm vụ đồng ý. Trong đoạn video ngắn, một CSGT cầm giấy tờ của tài xế và liên tục đếm để các tài xế chống đẩy hơn 20 lần.
Thấy các tài xế đã nhận thức được lỗi vi phạm của mình, CSGT chỉ nhắc nhở, yêu cầu họ không tái diễn lỗi vi phạm và đeo khẩu trang cẩn thận rồi cho đi tiếp. Các tài xế nhận lại giấy tờ, tươi cười và đưa ra cam kết không vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang đã xác nhận sự việc này. Theo Đại tá, sự việc xảy ra vào khoảng 7h15 ngày 28/3. Lúc này, 2 cán bộ thuộc Phòng CSGT đang làm nhiệm vụ xử lý những xe dừng, đỗ sai quy định trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn qua địa phận khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tổ công tác phát hiện ba xe ô tô chở chuyên gia người Hàn Quốc đến làm việc tại khu công nghiệp trên dừng đỗ trên đường cao tốc. Sau đó, một cán bộ CSGT có nhắc nhở và yêu cầu lái xe di chuyển nhưng các lái xe này vẫn cố tình dừng đỗ để các chuyên gia người Hàn Quốc làm việc. Đồng thời, có tài xế có ý định "hối lộ", mong lực lượng chức năng bỏ qua.
“Sau khi giải thích và yêu cầu các tài xế di chuyển, nhận thấy những người này không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, 2 cán bộ đã yêu cầu họ chống đẩy mấy cái để nhớ phải đeo khẩu trang giữa mùa dịch, đồng thời không được dừng, đỗ xe trên cao tốc nữa”, Đại tá Huyền cho hay.
“Về trường hợp 3 chiếc xe vi phạm việc dừng đỗ, chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý theo quy định… Phòng CSGT cũng sẽ kiểm điểm 2 cán bộ nói trên, đồng thời tạm điều chuyển cương vị công tác của 2 cán bộ này”, Đại tá Huyền cho biết thêm.
Áp dụng không đúng quy định pháp luật
Nhận định dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Đồng sự cho biết: Khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nổi bật là cảnh cáo; phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép; tịch thu tang vật vi phạm, trục xuất... Ngoài ra tại khoản 1 Điều 28 luật này, Điều 4 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không có hình thức nào như hình thức các Cán bộ CA tỉnh Bắc Giang đã áp dụng.
Theo quy định tại khoản 6, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì việc dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đối với trường hợp đón, trả hành khách trên đường cao tốc thì theo quy định tại điểm a, khoản 7 Điều 23 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt từ từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Xét về việc xử lý vi phạm bằng hình thức của các Cánbộ CSGT tỉnh Bắc Giang trên phương diện pháp lý, có thể thấy không thuộc hìnhthức xử phạt vi phạm hành chính nào theo quy định của pháp luật vàtrái quy định tại khoản 5, khoản 11 Điều 12 Luật Xử lý viphạm hành chính. Pháp luật nghiêm cấm việc xử phạt không đúng quy định của phápluật, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hànhchính.
Bêncạnh đó, xét về hành vi và ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều khiểnphương tiện chúng ta thấy rằng việc dừng, đỗ đón hành khách ngay trên đường caotốc là rất nguy hiểm, cần phải bị xử phạt nghiêm minh. Ngoài ra hành vi đưa hốilộ cũng là vi phạm quy định của pháp luật và góp phần tạo ra các tiêu cực thườngthấy trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cũng theo ý kiến Luật sư Sơn, những hành vi áp dụng không đúng quy định của pháp luật cần phải bị lên án, nhưng ý thức và động cơ trong sáng trong việc xử phạt của các Cán bộ cũng cần được khích lệ. Từ việc xử lý như trên có thể thấy cần thiết phải quy định một số hình thức xử phạt vi phạm khác, để vừa đảm bảo tính răn đe, nhưng cũng đảm bảo tính giáo giục ý thức tuân thủ quy định pháp luật. Ví dụ ở một số nước có quy định hình thức buộc lao động công ích khi vi phạm hành chính cho thấy hiệu quả giáo dục lớn.
Các chuyên gia pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phân tích: Căn cứ quy định pháp luật thì hình thức xử phạt trên đều không đúng. Bởi theo quy định, người thi hành công vụ chỉ được phép thực hiện những hành vi mà luật pháp quy định. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, CSGT khi phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm luật giao thông thì phải xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định của Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng thì các hình thức xử phạt chỉ gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.
Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định cũng không có hình thức bắt chép phạt, phạt chống đẩy hoặc xử lý khác. Như vậy, việc xử phạt bằng cách bắt chép phạt, phạt “hít đất” của CSGT Đà Nẵng, Bắc Giang chưa được pháp luật quy định.
Xử phạt vi phạm hành chính được định nghĩa là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. |
Hoàng Yến