(LSVN) - Những tiêu chí mà HUEWACO đưa ra cho các nhà thầu được xác định là tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm. Tuy nhiên, Luật sư cho rằng những tiêu chí này tạo ra lợi thế cho một nhà thầu duy nhất? Điều này thể hiện sự không khách quan, công bằng đối với những nhà thầu khác.
Nhà thầu có "quen mặt"?
Liên quan đến Gói thầu số 12 Thiết kế – Cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng (EPC) Nhà máy Nước sạch Vạn Niên – giai đoạn 1 tại Thừa Thiên - Huế vừa bị nhà thầu kiến nghị. Nhà thầu nghi vấn bên mời thầu (BMT) là Công ty CP cấp nước Thừa Thiên – Huế (HUEWACO) “cài” tiêu chí vào HSMT để làm khó nhà thầu?.
Gói thầu EPC nhà máy nước sạch Vạn Niên do HUEWACO làm chủ đầu tư, ngày 26/10/2020 HUEWACO đã ban hành Quyết định 765/QĐ-CNH phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TNG và Công ty TNHH Kobelco Eco - Solutions Việt Nam (Công ty Kobelco).
Được biết, Công ty CP đầu tư và xây dựng TNG có địa chỉ tại TP. Bắc Giang, đại diện pháp luật của Công ty TNG là ông Vũ Đức Cường. Tuy nhiên, Công ty CP Nhựa Đồng Nai (Công ty Nhựa Đồng Nai – mã CK: DNP) cổ đông lớn thứ 2 tại HUEWACO cũng có 1 công ty con tại Bắc Giang, đó là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP - Bắc Giang (Công ty DNP Bắc Giang).
Công ty DNP Bắc Giang được thành lập từ 2016 để thực hiện triển khai dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty Nhựa Đồng Nai.
Theo hồ sơ năng lực của Công ty CP Nhựa Đồng Nai – DNP giới thiệu Công ty Kobelco là đối tác thân thiết. Qua đó dư luận đặt "nghi vấn'' về sự ưu ái tại gói thầu số 12, Nhà máy nước sạch Vạn Niên khi kết quả trúng thầu lại là liên danh "quen mặt"?
Được biết, trong tuần vừa qua HUEWACO đã tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng với liên danh nhà thầu Công ty TNG và Công ty Kobelco.
Tiêu chí thể hiện sự "không khách quan"?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông Luật cho biết: Đấu thầu là quá trình lựa chọn các ứng viên nhà thầu có thể đáp ứng được hết những yêu cầu đưa ra của bên mời thầu. Bên mời thầu là chủ của một dự án, chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu. Tham gia các cuộc đấu thầu dự án giúp cho nhà thầu hoàn thiện hơn ở các phương diện để đáp ứng yêu cầu của dự án, tiến tới mục tiêu thắng thầu. Khi việc đấu thầu được diễn ra bắt buộc các nhà thầu phải cạnh tranh nhau, các nhà thầu phải phát huy tối đa được tính chủ động trong việc tìm kiếm các cơ hội tham dự đấu thầu và kí kết hợp đồng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động và phát triển sản xuất.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định: “Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Điều 90 Luật Đấu thầu quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử lý theo quy định trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu... |
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, điểm i khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau:
"i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế".
Trong hồ sơ mua thầu Mục 4, Chương III (Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu) đưa ra yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện gói thầu EPC đối với các bên tham gia: Các bên tham dự đấu thầu phải có hợp đồng cung cấp thiết bị và thi công lắp đặt (EPC) tương tự với số lượng 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu 386 tỉ đồng; ngoài ra Hợp đồng EPC tương tự này đảm bảo công trình máy xử lý nước sạch cấp 1 (Cấp công trình theo Thông tư 03/2016/TT-BXD) trong đó có sử dụng công nghệ bể lọc than hoạt tính sinh học.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, tuy rằng, những yêu cầu trên đây được xác định là tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm, nhưng rõ ràng chúng ta vẫn thấy được rằng tiêu chí này tạo ra lợi thế cho một nhà thầu duy nhất. Điều này thể hiện sự không khách quan, công bằng đối với những nhà thầu khác.
“Chính vì vậy, cần xem xét và đánh giá lại kỹ lưỡng hồ sơ thầu để tránh tình trạng mời thầu nhưng bản chất là chỉ định thầu”, Luật sư Tùng kiến nghị.
PV