Ảnh minh họa.
Khoản 1 Điều 99 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về xử lý việc thu hồi đất, việc thỏa thuận sử dụng đất để thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm hoặc thông báo thu hồi đất đến từng người có đất thu hồi hoặc văn bản cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án từ trước ngày 01/7/2014 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
Khoản 6 Điều 100a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 61 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định về việc cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư mà không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trước ngày 01/7/2014 nhưng chưa giao đất,cho thuê đất cho chủ đầu tư và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo đó, lý do việc bãi bỏ các quy định nêu trên là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Đầu tư và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thực hiện theo như quy định của dự thảo Nghị định, vì mặc dù đã được chấp thuận chủ trương nhưng gần 10 năm kể từ ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, dự án vẫn chưa triển khai được các thủ tục để sử dụng đất.
Bỏ quy định chuyển tiếp để đảm bảo quyền lợi Nhà nước và người dân
Tại Khánh Hòa, thực hiện quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất trước ngày 01/7/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất cho phép tiếp tục thực hiện một số dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án và trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 10/12/2014. Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện tại Khánh Hòa trong nhiều năm qua đều liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện các dự án bất động sản, đặc biệt là các vụ án hình sự về quản lý đất đai, gây thất thoát ngân sách nhà nước đã và đang khởi tố gần đây đối với hàng loạt các quan chức của tỉnh đều xảy ra tại các dự án chuyển tiếp theo khoản 1 Điều 99 Nghị định 43/NĐ-CP, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND.
Theo Báo cáo số 130/BC-HĐND ngày 03/10/2020 “Kết quả giám sát về việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh Khánh Hòa về Danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bản tỉnh Khánh Hòa” cho thấy: Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bản tỉnh Khánh Hòa là không phù hợp pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 thì thu hồi đất chỉ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, HĐND cấp tỉnh hoàn toàn không có thẩm quyền thu hồi đất. HĐND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền thông qua “Danh mục các dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013”. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại nhận thức coi việc trình HĐND thông qua Nghị quyết như là trình HĐND thông qua nghị quyết về thu hồi đất. Từ nhận thức nêu trên, cơ quan trình (UBND) dễ bỏ qua hoặc không quan tâm đến các điều kiện cần và đủ để xác định các yêu cầu cần thiết như: Có phải dự án đầu tư, tiến độ thực hiện dự án ra sao, tính khả thi như thế nào?
Tại Điều 1 Nghị quyết số 13 ngày 10/12/2014 về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, hàng chục dự án thu hồi đất chuyển tiếp theo khoản 1 Điều 99 Nghị định số 43/2014/ NĐ-CP.
Như vậy, việc trình và thông qua Nghị quyết thu hồi đất nói trên là không đúng thẩm quyền nhưng Nghị quyết là căn cứ để UBND các cấp thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, áp giá bồi thường quá thấp đối với người có quyền sử dụng đất,sở hữu nhà bị thu hồi.
Hầu hết các vụ khiếu nại tố cáo và khởi kiện án hành chính kéo dài đều có liên quan các dự án thu hồi đất chuyển tiếp theo khoản 1 Điều 99 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ được nêu trong Nghị quyết 13. Hệ lụy người dân bị thu hồi đất phải gánh chịu bởi những dự án treo kéo dài.
Các vụ án vi phạm quản lý đất đai, thất thoát ngân sách cũng đều xảy ra tại các dự án chuyển tiếp, không đấu thầu dự án, không đấu giá quyền sử dụng đất.
Khi người dân khởi kiện các quyết định thu hồi đất, bồi thường trái luật, Tòa án cũng không có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của Nghị quyết thu hồi đất trái luật do HĐND tỉnh ban hành. Trên thực tế các sai phạm trong quá trình ban hành Nghị quyết và thực hiện Nghị quyết số 13 vẫn chưa được cơ quan nào kiểm tra, xử lý!
Từ thực tiễn áp dụng các quy định xử lý chuyển tiếp liên quan đến thu hồi đất, giao đất cho thuê đất tại khoản 1 Điều 99 Nghị định 43/NĐ-CP kéo dài, gây tình trạng chây ỳ, gây thiệt hại đối với người dân và có nguy cơ thất thoát nguồn thu cho ngân sách trong thủ tục ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt giá đất cụ thể của dự án. Do đó, cần khẳng định việc đề xuất bãi bỏ các quy định chuyển tiếp như đã nêu trong dự thảo nghị định là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người dân.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế