/ Kinh tế - Pháp luật
/ Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong thu hồi đất, tránh khiếu kiện

13/05/2023 12:19 |

(LSVN) – Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng.

Ảnh minh họa.

Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, về Điều 229 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, các khoản 1, 2, 3 có quy định 5 hình thức hòa giải tranh chấp về đất đai, gồm: Tự hòa giải; Hòa giải ở cơ sở; Hòa giải tại Tòa án; Hòa giải thương mại; Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đối với trường hợp hòa giải thành mà có sự thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất, khoản 5 Điều 229 chỉ quy định về trình thự, thủ tục công nhận sự thay đổi đối với 02 hình thức hòa giải là: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã và Hòa giải tại Tòa án.

Như vậy, đối với 03 hình thức hòa giải còn lại, nếu có sự thống nhất về thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất sẽ không có cơ chế để công nhận kết quả hòa giải.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các trường hợp này tại khoản 5 Điều 229 cho phù hợp.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

Cần cân nhắc có nên áp dụng trong thời gian dài hơn hay không?

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, đặc biệt là việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật này. Số lượng ý kiến nhân dân góp ý rất lớn...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có văn bản tham gia thẩm tra phối hợp với Ủy ban Kinh tế và có những đề xuất cụ thể.

Nhấn mạnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án Luật đồ sộ, khó và được cử tri rất quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị trong Tờ trình của Chính phủ cần có cách thức đề cập đến việc phản hồi những ý kiến đóng góp của người dân một cách công khai, minh bạch, thể hiện được sự trân trọng đối với những góp ý của nhân dân.

Liên quan đến vấn đề xây dựng bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; cho rằng việc xây dựng bảng giá đất rất mất thời gian, do vậy đề nghị cần cân nhắc có nên áp dụng trong thời gian dài hơn hay không?

PV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Bùi Thị Thanh Loan