Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà cùng các đại biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 08/3/2023
Phóng viên: Vừa qua, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã có một số nội dung góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xin ông cho biết cụ thể một số vấn đề có tác động thực tế đến lĩnh vực y tế tư nhân cần sửa đổi bổ sung khi Luật mới được thông qua.
Ông Nguyễn Văn Đệ: Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những tác động thực tế của Luật đối với các dự án đầu tư về cơ sở y tế… có một số nội dung quy định chưa rõ ràng về sử dụng đất đầu tư dự án xây dựng cơ sở y tế do doanh nghiệp đầu tư.
Dự thảo Luật tại điểm d Khoản 2 Điều 10 và khoản 2, khoản 5 Điều 192 quy định đất xây dựng cơ sở y tế là đất xây dựng công trình sự nghiệp, không thuộc loại đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp hay đất sử dụng vào mục đích công cộng. Dự thảo Luật cũng quy định các “ưu đãi” đối với các dự án đầu tư cơ sở y tế công lập, nhưng không có quy định hay hướng dẫn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế do tư nhân làm chủ đầu tư.
Cụ thể, dự thảo Luật có nêu, cơ sở y tế công lập thuộc dự án công trình đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, được Nhà nước thu hồi đất (quy định tại khoản 1 Điều 78), được Nhà nước sử dụng Ngân sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị thu hồi đất (Điều 83), được giao đất không thu tiền sử dụng đất (quy định tại khoản 4 Điều 118), và thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất (quy định tại khoản 1 Điều 125, điểm d khoản 2 Điều 152, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quy định tại Điều 33, Điều 93).
Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đất đai mới, cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng cơ sở y tế được thuận lợi, công bằng như cơ sở y tế công lập.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 08/3/2023.
Phóng viên: Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống y tế tư nhân khi chung sức, san sẻ gánh nặng với hệ thống y tế công lập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân, nhưng vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào…?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra, đến năm 2025 tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, đến năm 2030 đạt 15%. Báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ cho biết, sau hơn 25 năm thực hiện chính sách xã hội hóa y tế, cả nước hiện mới chỉ có 318 bệnh viện tư nhân, 38.000 phòng khám tư nhân, chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh, tỉ lệ rất thấp. Kết quả này cho thấy y tế tư nhân ở nước ta chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội.
Phóng viên: Để đạt được một số mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, bên cạnh các góp ý sửa đổi về các nghị định, thông tư hướng dẫn chuyên ngành đối với lĩnh vực y tế, theo ông dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ những nội dung gì đối với đất đai thực hiện dự án xây dựng cơ sở y tế do doanh nghiệp làm chủ dự án…?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ đất thực hiện dự án xây dựng cơ sở y tế tư nhân thuộc loại đất xây dựng công trình sự nghiệp, thuộc đối tượng dự án được Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cũng cần quy định rõ đất thực hiện dự án xây dựng cơ sở y tế tư nhân thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất như cơ sở y tế công lập.
Ngoài ra, cần có các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư,…) phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đầu tư dự án, chính quyền địa phương thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi dự án theo quy định mà không đền bù cho nhà đầu tư.
Từ thực tiễn triển khai dự án đầu tư bệnh viện tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước tiết kiệm chi ngân sách cho các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, tôi rất mong cơ quan soạn thảo (dự thảo Luật) có báo cáo, đánh giá, thống kê đầy đủ, sự nhất quán, đột phá tư duy về chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư trong lĩnh vực y tế, để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phá bỏ tư tưởng bảo thủ, phân biệt giữa y tế công lập và y tế tư nhân, nhằm tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành y tế cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
TẢ THANH THIÊN
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị