/ Trao đổi - Ý kiến
/ Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần nâng cao hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số

Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần nâng cao hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tác giả đưa ra một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Ảnh minh họa.

Thực trạng phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, nhất là tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ở đây chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật… Với đàn ông là người dân tộc, nhiều người có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiềm chế được bản thân nên đã dẫn đến các hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng bởi các phong tục lạc hậu, trọng nam kinh nữ, nhận thức người dân thấp; gia đình thường đông con, kéo theo đó là đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn…

Bên cạnh đó, do một số tập tục văn hóa ở địa phương miền núi, người phụ nữ dân tộc thiểu số phải mang gánh nặng công việc gia đình kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Người phụ nữ dân tộc thiểu số dường như không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân, giao tiếp xã hội và tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc ít tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở địa phương. Khi họ là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình thì thường cam chịu, chưa biết cách tự bảo vệ bản thân mình. Công tác phòng, chống bạo lực của chính quyền cơ sở ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thường xuyên; việc xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh.

Ngoài ra, thời gian qua, xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình, thậm chí gây thương vong cho người bị bạo lực gia đình. Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tác giả đưa ra một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung điểm đ, khoản 1 Điều 5, cụ thể như sau:

"đ) Người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo; người đồng bào dân tộc thiếu số".

Lý do người đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được ưu tiên bảo về quyền và lợi ích hợp pháp khi bị bạo lực gia đình.

Đồng thời, bổ sung khoản 1 Điều 7 dự thảo luật cụ thể như sau:

"1. Nhà nước ưu tiên nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư và ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa".

Thứ hai, bổ sung khoản 2 Điều 10 về nghĩa vụ của thành viên trong gia đình: "Đề nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý về bạo lực trong gia đình để kịp thời ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình" nhằm xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên trong gia đình trong việc ngăn chặn chặn các hành vi bạo lực gia đình.

Thứ ba, khoản 4 Điều 23 quy định về góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình".  Đề nghị bổ sung nội dung này như sau: "4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình". Có như vậy, mới đảm bảo tính khả thi của quy định, UBND xã không chỉ tạo điều kiện mà còn hướng dẫn về mặt nội dung, hỗ trợ kính phí, đảm bảo an ninh trật tự,…và các điều kiện thiết khác để Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện việc này.

Thứ tư, khoản 1 Điều 27 dự thảo luật quy định: "1. Mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có khả năng báo tin phải thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình đến một trong các địa chỉ quy định tại khoản 2 Điều này."

Đề nghị sửa đổi cụm từ "có khả năng báo tin", đây cụm từ mang tính tùy nghi, cá nhân có thể thực hiện hoặc không thực hiện, tùy vào khả năng, nên không thể nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi cá nhân trong việc báo tin về hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: "1. Mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình đến một trong các địa chỉ quy định tại khoản 2 Điều này".

Thứ năm, khoản 1 Điều 31 quy định: "1. Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo khả năng của mình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình".

Đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung này như sau: "1. Người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo khả năng của mình có trách nhiệm yêu cầu hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết được pháp luật cho phép để ngăn chặn người có  hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình".

Mục đích quy định này là để ngăn chặn tức thì đối với hành vi dùng vũ lực giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

ĐỖ VĂN NHÂN

Một số ý kiến đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Lê Minh Hoàng