/ Pháp luật - Đời sống
/ Góp ý dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS

Góp ý dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS

22/06/2024 05:52 |

(LSVN) - Ngày 10/6/2024, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Công văn số 89/TAND Tối cao-PC ngày 06/6/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao (TAND Tối cao) đề nghị đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết).

Ảnh minh họa.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết, trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Ủy ban xây dựng pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ý kiến đóng góp bằng văn bản của một số luật sư , Liên đoàn Luật sư Việt Nam xin có ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết như sau:

Về nhận xét chung, tại Điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (gọi tắt BLHS) quy định những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) cho cá nhân hay pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của họ. Tại khoản 1 Điều 51 BLHS đã quy định 22 tình tiết giảm nhẹ (từ điểm a đến điểm x). Ngoài ra khoản 2 Điều 51 cũng nêu tình tiết giảm nhẹ như đầu thú hoặc tình tiết khác. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng đảm bảo giới hạn trong khoản 3 Điều 51 BLHS. Về tình tiết tăng nặng, khoản 1 Điều 52 BLHS quy định 15 tình tiết.

Có thể thấy các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS không phải là những tình tiết làm căn cứ để xác định tội danh, mà là căn cứ để Tòa án quyết định mức hình phạt cụ thể trong khung hình phạt nhất định của điều luật quy định tội danh, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đó trong một vụ án hình sự. Đây còn là những căn cứ để Tòa đánh giá mức độ nguy hiểm của tội phạm, cũng như hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cùng khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội. Việc đánh giá này sẽ chỉ giới hạn trong vụ án hình sự cụ thể chứ không có sự so sánh với vụ án hình sự với bối cảnh phạm tội khác.

Quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong BLHS hiện hành có những quy chi tiết và mới hơn BLHS năm 1999, nhưng khi áp dụng thì vẫn có những sự hiểu biết và áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa Tòa án các cấp. Một trong những nguyên nhân là chưa có một Nghị quyết nào của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao liên quan đến việc hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong BLHS hiện hành. Thời gian vừa qua, Tòa án các cấp vẫn vận dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2006 và Nghị quyết 01/2000 của TAND Tối cao (phần hướng dẫn áp dụng Điều 46, 48 BLHS 1999). TAND Tối cao có ban hành một số văn bản hướng dẫn mang tính vụ việc như giải đáp thắc mắc hoặc qua sổ tay thẩm phán… mà chưa có hướng dẫn bằng văn bản của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mang tính pháp lý cao để có hiệu lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tố tụng.

Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhất trí với chủ trương Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn chi tiết các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 và 52 BLHS nhằm thống nhất đường lối xét xử, đảm bảo tính có căn cứ trong việc áp dụng các tình tiết này, đồng thời việc quyết định hình phạt mang tính thuyết phục hơn.

Liên quan đến các nội dung cụ thể của Dự thảo Nghị quyết, đối với Điều 2 dự thảo Nghị quyết về tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Về tình tiết: “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS này.

Điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS theo cách hiểu thông thường thì người phạm tội chỉ cần có hành vi ngăn chặn là đủ điều kiện được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định mà không phụ thuộc kết quả có ngăn chặn được tác hại của tội phạm hay không. Trên thực tế, khi người phạm tội thực hiện việc ngăn chặn có thể đã ngăn chặn được tác hại của tội phạm, hoặc không ngăn chặn được tác hại tội phạm.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết “người phạm tội đã ngăn chặn” theo hướng “là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã ngăn cản không cho tác hại của tội phạm xảy ra hoặc hạn chế tối đa tác hại của tội phạm.” Quy định như vậy chưa bao quát hết thực tế, có thể dẫn tới một cách hiểu khác là người phạm tội có hành vi ngăn chặn và phải có kết quả của hành vi ngăn chặn là tác hại của tội phạm không xảy ra hoặc bị hạn chế tối đa thì mới được áp dụng. Nếu người phạm tội đã ngăn chặn nhưng tác hại của tội phạm vẫn xảy ra thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Về mặt pháp lý, để tránh tạo ra những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau, Nghị quyết nên hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để áp dụng Điều luật chứ không làm thay đổi phạm vi áp dụng của điều luật đó, mà trong trường hợp của Dự thảo Nghị quyết đã làm thu hẹp lại phạm vi áp dụng của Điều luật. Ngoài ra, để khuyến khích tạo động lực trong trường hợp người phạm tội ngăn chặn hành vi phạm tội, nếu người phạm tội đã thực hiện ngăn chặn tội phạm dù kết quả đó có ngăn chặn được hay không. 

Vì vậy, đối với quy định tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị điều chỉnh: “Người phạm tội đã ngăn chặn là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã ngăn cản với mong muốn không để tác hại của tội phạm xảy ra hoặc đã hạn chế tối đa tác hại của tội phạm”. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo trong trường hợp người phạm tội đã có hành vi ngăn cản nhưng tác hại của tội phạm vẫn xảy ra, nằm ngoài khả năng của họ thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Về tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, các khái niệm “Tự nguyện sửa chữa”, “bồi thường thiệt hại” hoặc “khắc phục hậu quả” là 03 khái niệm có nội hàm khác nhau, nên cần hiểu tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 quy định 03 tình tiết khác nhau, cần được tách riêng và hướng dẫn cụ thể hơn.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về “bị cáo là người chưa thành niên” trước (điểm a khoản 2 Điều 2) là trường hợp đặc biệt trước “bị cáo là người thành niên” là chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng quy phạm pháp luật (quy định về vấn đề chung, phổ biến trước, quy định về vấn đề đặc thù sau). Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cần đưa ra hướng dẫn về các trường hợp chung, phổ biến nhất (đối với chủ thể bình thường), sau đó mới hướng dẫn về các trường hợp đặc thù.

Dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện được trường hợp người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả trong vụ án nhưng không phải do họ gây ra thì vẫn được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là đã là “khắc phục hậu quả”. Đây là thực tế đã phát sinh ở một số vụ án, cần được hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết này để áp dụng thống nhất.

Tham khảo Tờ trình của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, mục IV về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, liên quan đến tình tiết tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, hiện nay đang tồn tại 02 loại ý kiến khác nhau về điều kiện khả năng có tài sản của bị cáo để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Liên đoàn Luật sư Việt Nam thống nhất với ý kiến thứ hai cho rằng, bị cáo không có tài sản hoặc có tài sản nhưng vẫn tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Trường hợp bị cáo (không phân biệt là người thành niên hay người chưa thành niên) nếu họ không có hoặc không có đủ tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì cha, mẹ và/hoặc những người khác (người thân thích: ông, bà, cô, dì, chú, cậu, bác, anh, chị, em ruột hoặc người khác hoặc tổ chức đang quản lý, giáo dục người chưa thành niên) tự nguyện hoặc bị cáo tích cực tác động những người này dùng tiền, tài sản của mình sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Mục đích của quy định tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” nhằm ưu tiên khắc phục, bồi thường thiệt hại cho bị hại, đồng thời thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nhằm có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, không nên ràng buộc bị cáo phải là người không có tài sản. Nếu quy định theo hướng ý kiến thứ nhất sẽ dẫn đến một hệ quả những bị cáo có tài sản nhưng vẫn muốn tác động đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thêm sẽ không có động lực để tác động, đề nghị bồi thường thêm cho bị hại nữa (vì có bồi thường, khắc phục cũng không được xem xét giảm nhẹ) và bị hại hiển nhiên bị thiệt thòi.

Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nhận thấy có một trường hợp khác chưa đề cập trong dự thảo Nghị quyết. Đó là trường hợp “dù bị cáo không tác động nhưng cha, mẹ hoặc người thứ ba bất kỳ vẫn tự nguyện thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thay cho bị cáo và được bị cáo đồng ý thì vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ”. Đối với người bị thiệt hại, quan trọng nhất là họ được bù đắp tổn thất do hành vi của bị cáo gây ra nên nếu đưa thêm trường hợp này sẽ giúp cho người bị thiệt hại khi xảy ra tình huống bị cáo hoặc gia đình bị cáo không có tài sản để bồi thường . 

Trường hợp này cũng phù hợp thực tế khi bị cáo bị giam giữ tách biệt với bên ngoài và vì một số lý do khách quan, chủ quan (tâm lý) không nhớ hoặc không có điều kiện liên lạc với bạn bè hoặc người thứ ba bất kỳ nhưng qua thông tin truyền thông báo chí, nếu có người thứ ba mong muốn đứng ra bồi thường giúp bị cáo (dù bị cáo không tác động) thì cần khuyến khích, xem xét để đảm bảo tính công bằng cho cả bị cáo, bị hại.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị xem xét thêm, nếu bị cáo dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường, khắc phục thiệt hại thì được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên có những vụ án xác định trách nhiệm bồi thường khắc phục của bị cáo là rất lớn nhưng bị cáo chỉ bỏ ra một số tiền rất nhỏ để bồi thường so với giá trị tài sản mà họ sẵn có nhằm mục đích hưởng tình tiết giảm nhẹ thì chưa công bằng với bị cáo dùng toàn bộ tài sản họ có để sửa chữa, bồi thường, khắc phục và cũng chỉ hưởng tình tiết giảm nhẹ tương tự.

Dự thảo cần quy định theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng khắc phục, bồi thường được xem là “cho có” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Do đó, trường hợp bị cáo có đủ hoặc nhiều tài sản nhưng không bồi thường toàn bộ hoặc bồi thường phần lớn thiệt hại gây ra mà chỉ bồi thường một phần nhỏ để lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc chính sách nhân đạo thì Toà án có thể không chấp nhận áp dụng tình tiết giảm nhẹ này (nếu có chứng cứ chứng minh).

Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn “là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết không hướng dẫn như thế nào là “quá mức cần thiết”, thế nào là “không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm”? Việc hướng dẫn quy định chỉ bằng những cụm từ “quá mức cần thiết”, “không phù hợp” như vậy còn chung chung, dẫn đến lúng túng trong việc áp dụng pháp luật và hệ quả là việc áp dụng pháp luật trở nên cảm tính do các Tòa áp dụng không thống nhất, dễ nảy sinh tiêu cực.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cần được hiểu là phòng thủ tự vệ chứ không phải được phép tấn công lại, nếu tấn công lại sẽ cho là vượt quá giới hạn. Tuy nhiên trong thực tế nhiều vụ đã xảy ra khi người nhà phát hiện kẻ lạ đột nhập vô nhà mình trộm cắp nhưng có hung khí trong tay thì họ vì muốn bảo vệ mình mà sử dụng đến phương tiện bảo vệ như dao, mác dài nhằm làm tên trộm sợ bỏ chạy. Tuy nhiên, do kẻ phạm tội không sợ hành động tấn công người nhà nên buộc lòng họ phải tấn công cho nó bỏ chạy, nhưng không may gây thương tích.

Từ việc làm rõ nội hàm các khái niệm trên, từ đó có nhận định “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thật sự có cơ sở pháp lý rõ ràng. Ví dụ, có thể đặt ra một tỉ lệ khi so sánh giữa tỉ lệ tổn thương cơ thể giữa bị cáo và bị hại, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể giữa bị cáo với bị hại bằng nhau hoặc chênh lệch trong ngưỡng từ 1% đến 5% (trong đó tỉ lệ thương tật của bị cáo < tỉ lệ thương tật của bị hại) là vẫn còn trong giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu chênh lệch tỉ lệ trên 5% (trong đó tỉ lệ thương tật của bị cáo < tỉ lệ thương tật của bị hại là 5% trở lên) được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bên cạnh đó, Dự thảo cần hướng dẫn thêm về tương quan lực lượng, cường độ tấn công, bối cảnh, diễn biến và nhiều điều kiện khác tại thời điểm xảy ra vụ việc để có thể xem xét là có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 BLHS, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS có những cụm từ mang tính ước lệ, chưa đủ khái quát từ đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng pháp luật như “gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cần có giải thích thế nào là thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa, các tiêu chí đánh giá và định lượng về mức độ “không còn cách nào khác”. Mặt khác, trên thực tế khi người phạm tội lâm vào tình thế cấp thiết, liệu họ có đủ bình tĩnh để phán xét từng phương án để biết là họ còn cách nào khác không hay là “không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại”, để kiểm soát, định lượng được thiệt hại mà họ sẽ gây ra. 

Liên quan đến tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS, tương tự như cách tiếp cận khi hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 51 BLHS, dự thảo Nghị quyết khi ước lượng mức độ gây thiệt hại “gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết” mà chưa có một chỉ dẫn, định lượng cụ thể.

Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra tình huống ví dụ Nguyễn Văn A. khi đuổi bắt Nguyễn Văn C. vì C. cướp giật túi xách của người đi đường thì gây thiệt hại cho C., làm C. gãy chân, gãy 02 răng, tổn thương cơ thể 45%. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động đuổi bắt các đối tượng cướp giật thường là các tình huống xảy ra trong thời gian rất ngắn, diễn biến sự việc nhanh và đa phần khi phải tấn công đối tượng đuổi bắt là khi các đối tượng này hung hãn, đe dọa tấn công người đuổi bắt hoặc người đi đường xung quanh. 

Như vậy, người đuổi bắt như Nguyễn Văn A. khi buộc phải tấn công đối tượng cướp giật có kiểm soát được mình phải tấn công như thế nào để vừa đảm bảo được an toàn cho bản thân, bắt được đối tượng lại vừa có thể định lượng được tấn công ở mức nào là cần thiết (trên thực tế chắc chắn Nguyễn Văn A. không có thời gian để suy nghĩ phải làm thế nào là cần thiết nên ví dụ trong dự thảo đưa ra là không phù hợp).

Ngoài ra, thế nào là “vượt quá mức cần thiết” cần được giải thích rõ trong dự thảo Nghị quyết. Khi đuổi bắt Nguyễn Văn C. thì A. có lường trước được việc mình đuổi bắt sẽ làm C. gãy chân, gãy 02 răng hay bao nhiêu răng? Tỉ lệ thương tật sẽ là bao nhiêu? Nếu trích dẫn ví dụ trường hợp A. bị cướp giật (mất tài sản) khi đuổi bắt nhưng nếu gây ra thiệt hại thì còn bị tù tội sẽ không còn ai dám đứng ra bảo vệ chính mình và bảo vệ cho bên thứ ba cả, tạo điều kiện cho tội phạm tẩu thoát.

Do đó, đối với hướng dẫn này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị xem xét, sửa đổi cụm từ “vượt quá mức cần thiết” bằng hướng dẫn khác, có ví dụ cụ thể hơn nhằm cụ thể hóa, định lượng rõ ràng mức độ như đã nêu ở trên để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử được rõ ràng, thống nhất.

Về tình tiết “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do tự mình gây ra” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự mình gây ra mà do thiên tai, địch họa, chưa đưa ra căn cứ nào để xác định mức độ đặc biệt khó khăn hay có khó khăn do thiên tai, địch họa nhưng không đến mức để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Ví dụ có thiên tai xảy ra, nhưng thiên tai ở cấp độ nào, phạm vi ảnh hưởng ra sao, gây thiệt hại thế nào, khắc phục được không và nếu có thì khắc phục được bao nhiêu % thì được xác định là đặc biệt khó khăn? Cần làm rõ nội hàm “địch họa” cụ thể như thế nào và bổ sung yếu tố dịch bệnh gây ra dẫn đến hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để bảo đảm việc áp dụng thông nhất và đồng bộ, không dẫn đến việc suy đoán tùy nghi.

Về tình tiết “Phạm tội lần đầu” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS, đối với trường hợp được hướng dẫn ở điểm c) tại dự thảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa đổi thành: “c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và đã chấp hành xong”. Việc bổ sung cụm từ “đã chấp hành xong” để loại trừ cách hiểu và áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội và đang được áp dụng biện pháp tư pháp nhưng vẫn chưa thực hiện xong thì tiếp tục phạm tội. Trường hợp vừa nêu không được áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu”.

Về hai ý kiến khác nhau liên quan đến áp dụng tình tiết này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị theo hướng cần mở rộng đối tượng phạm tội lần đầu đối với cả trường hợp đã bị kết án và áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội từ 02 lần trở lên” phù hợp với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Đối với tình tiết “Bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy hướng dẫn tình tiết này còn chung chung, chưa cụ thể theo hướng “không đầy đủ, nhất thời” hay “do khách quan mang lại mà không phải do ý muốn của người đó”. Cần xác định các tiêu chí thế nào là không đầy đủ, nhất thời hay do khách quan mang lại mà không phải do ý muốn, tránh tình trạng tạo kẽ hở cho tội phạm, đó là chỉ cần viện dẫn tội phạm thực hiện do khách quan chứ không phải do ý muốn là có thể được xem xét giảm nhẹ thay vì phải nhận một hình phạt thích đáng.

Trong dự thảo Nghị quyết có viện dẫn ví dụ là tình tiết “Nguyễn Văn A bị cưỡng ép sử dụng chất kích thích dẫn đến thực hiện hành vi hiếp dâm và A được hưởng tình tiết giảm nhẹ”. Đặt giả thiết, Nguyễn Văn A bị ép sử dụng rượu, bia . Trong trường hợp này Nguyễn Văn A hoàn toàn có đủ khả năng để từ chối hoặc phản kháng nếu việc từ chối không thành, bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia dẫn đến say xỉn thì việc A thực hiện hành vi hiếp dâm là do A không làm chủ được hành vi và dục vọng của mình. Nói cách khác, A phạm tội là do lựa chọn của A, không thể viện dẫn việc bị cưỡng ép sử dụng để là cái cớ áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Ví dụ thể hiện chưa đầy đủ, rõ ràng và có khả năng bao quát có thể sẽ tạo một tiền đề hết sức nguy hiểm cho xã hội khi các tội phạm hiếp dâm xảy ra và đều được giảm nhẹ với lý do bị ép uống bia, rượu hay chất kích thích khác nên hạn chế khả năng nhận thức khi hiếp dâm người khác.

Về tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là phụ nữ có thai” không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa là kể cả sau khi khởi tố bị can, đưa ra xét xử mà bị cáo mới có thai thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS.

Điều này xuất phát từ mục tiêu trừng trị hành vi phạm tội nhưng bảo đảm tính nhân đạo, xem xét giảm nhẹ cho người phụ nữ có thai là tạo điều kiện cho người phạm tội có điều kiện chăm sóc đứa con của mình. Việc giảm nhẹ này không chỉ nhân đạo cho người phụ nữ phạm tội mà còn cho chính đứa trẻ là con của họ. Tuy hướng dẫn này có thể sẽ dẫn tới những trường hợp người phạm tội có thể lợi dụng tình tiết này để mang thai sau khi bị khởi tố với mục đích xin nhẹ tội, tuy nhiên dù có là vậy thì đứa trẻ không có lỗi và có quyền được hưởng các quyền lợi hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.

Tình tiết “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS thì tại điểm a khoản 15 Điều 2 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn “chỉ áp dụng tình tiết này nếu là bệnh bẩm sinh”. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị giải thích rõ thế nào là bệnh bẩm sinh, các tài liệu, căn cứ nào để xác định là người phạm tội có bệnh này, theo hướng xác định người phạm tội có bệnh dựa theo giấy tờ là giấy khám bệnh, điều trị tại bệnh viện cấp huyện, tỉnh. Việc xác định bệnh nặng hay bệnh bẩm sinh cần tham chiếu đến các Danh mục được Bộ Y tế công bố và ban hành.

Điểm b khoản 15 Điều 2 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn “bệnh làm cho họ không điều khiển được hành vi theo ý muốn của mình (hạn chế về hoạt động cơ học của cơ thể). Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị giải thích rõ thế nào là “hạn chế về hoạt động cơ học”, căn cứ, tài liệu chuyên môn để xác định người phạm tội có hạn chế về hoạt động cơ học?

Về tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS, Dự thảo Nghị quyết xác định “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập nên trường hợp bị cáo chỉ thành khẩn hoặc chỉ ăn năn hối cải thì có thể không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s, khoản 1. Về kỹ thuật lập quy, Điểm s Khoản 1 Điều 51 giữa hai cụm từ “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là dấu phẩy “,” chứ không phải là từ “và”.Nếu cơ quan lập pháp cho rằng hai tình tiết này là một nên bị can bị cáo phải đáp ứng cả hai mới được áp dụng thì đã sử dụng từ “và” chứ không phải là dấu phẩy. Do đó, cần hướng dẫn theo hướng: Nếu bị can, bị cáo đáp ứng cả hai tình tiết vừa “thành khẩn khai báo” vừa “ăn năn hối cải” thì khi lượng hình sẽ áp dụng mức án nhẹ hơn một bị can, bị cáo chỉ có “thành khẩn khai báo” mà không ăn năn hối cải và ngược lại.

Thực tiễn xét xử có những trường hợp bị can, bị cáo rất thành khẩn khai báo trung thực nhưng trong ý chí và nhận thức của mình, họ cho rằng không phạm tội nên kêu oan hoặc tội danh khởi tố, truy tố, xét xử không đúng với hành vi nên họ không phục và thấy bất công nên không ăn năn hối cải. Tuy nhiên, khi bị can, bị cáo kêu oan, không nhận tội, Tòa án xét xử căn cứ theo hướng dẫn từ TAND Tối cao về việc phải đồng thời “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS sẽ gây ra hệ quả bị can bị cáo không dám hoặc sợ kêu oan vì lo ngại Tòa án cho rằng họ “không ăn năn hối cải” nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này dù họ rất thành khẩn, khai báo trung thực những gì mình biết. Ngoài ra, việc chứng minh một người có phạm tội hay không thuộc về trách nhiệm của cơ quan tố tụng chứ không phải của bị can bị cáo.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung trường hợp: Người phạm tội đã khai báo đầy đủ hành vi và nhận lỗi nhưng do nhận thức về pháp luật hình sự không đầy đủ mà chưa nhận tội thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 15) và bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61).

Còn với tình tiết giảm nhẹ theo điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS, BLHS quy định 02 tình tiết giảm nhẹ: Thứ nhất, là người có công với cách mạng và thứ hai, là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị tách ra để hướng dẫn cho rõ ràng hơn, đồng thời cần nghiên cứu thể hiện rõ trường hợp vợ (chồng) của liệt sĩ nhưng đã lấy chồng (vợ) thì có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này không?

Đối với tình tiết “Người phạm tội đã lập công chuộc tội” quy định tại điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị hướng dẫn tình tiết này theo hướng rõ hơn ở hành động giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền, ngăn chặn, tham gia phát hiện, bắt người phạm tội, có hành động thể hiện được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận cho người thực hiện tội phạm. Cần xác định rõ những hành động mà dự thảo liệt kê thì người thực hiện phạm tội có cần phải tham gia thực hiện tất cả những hành động này (và được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng/chứng nhận) thì mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hay chỉ cần thực hiện một trong những hành động được liệt kê thì đủ điều kiện được xem xét, áp dụng tình tiết tại điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS.

Đối với Điều 3 dự thảo Nghị quyết về tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại Khoản 2 Điều 51 BLHS, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi hướng dẫn về “tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ” quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS, khoản 5 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định: “5. Người phạm tội có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen”. Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hướng dẫn này chưa được đầy đủ và rõ ràng, cụ thể, tại khoản 2: Cần bổ sung trường hợp gây tổn hại về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tức là trong trường hợp “người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội trong trường hợp gây tổn hại về tính mạng, danh dự, nhân phẩm” thì được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Còn tại khoản 5 thì trường hợp người phạm tội có nhiều con còn nhỏ thì cần hướng dẫn cụ thể là có bao nhiêu con? Con dưới mấy tuổi thì phù hợp quy định “con còn nhỏ” và thế nào là “gia đình khó khăn” để người phạm tội được áp dụng tình tiết này? 

Đồng thời, cần cân nhắc bỏ cụm từ “vợ không có công ăn việc làm” vì thực tế cho thấy một số người lười lao động, ở nhà cờ bạc hoặc nhìn bên ngoài thì “không có công ăn việc làm” nhưng lại kinh doanh, bán hàng online…; đồng thời đề nghị rà soát sử dụng thống nhất từ ngữ “người phạm tội” hay “bị cáo”. Nếu vẫn quy định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị ngoài quy định trường hợp “vợ không có công ăn việc làm” thì cần bổ sung trường hợp “chồng không có công ăn việc làm”.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị bổ sung thêm khoản 6  trường hợp người phạm tội có bà nội là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng bên cạnh trường hợp được hướng dẫn là “người phạm tội có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng”. Bởi lẽ, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi người phạm tội có “bà nội” hay “bà ngoại” hoặc cả bà nội và bà ngoại là Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đều nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Ngoài đề nghị bổ sung nêu trên, cần rà soát chỉnh sửa tên gọi “Người mẹ Việt Nam anh hùng” thành “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”). 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị bỏ khoản 7 Điều 3 vì nội dung trùng với quy định tại khoản 6 của Điều này.

Đối với Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại Điều 52 BLHS. Về tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 BLHS thì theo Liên đoàn Luật sư, ở cụm từ “không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật”, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị điều chỉnh, sửa đổi thành “cố ý không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật” để tránh gây nhầm lẫn với trường hợp người phạm tội “vô ý không làm hoặc làm không đúng”. Bở lẽ, về mặt pháp lý, trường hợp người phạm tội “vô ý không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật” có thể là dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS, đối với hướng dẫn tại tình tiết này, trong thực tiễn, có những trường hợp bị can, bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi đều đủ cấu thành tội phạm, nhưng vì các hành vi này được thực hiện liền kề nhau, liên tục về mặt thời gian thì có xác định là tình tiết phạm tội 02 lần trở lên không? Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản bao gồm nhiều tài sản khác nhau trong 01 buổi tối, tại cùng địa điểm và thuộc sở hữu của 01 bị hại nhưng giá trị mỗi tài sản đều đủ cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định của BLHS.

Về tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS, riêng về tình tiết “phụ nữ có thai”, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị bổ sung trường hợp trên thực tế bị hại không có thai, nhưng trong ý chí, nhận thức của người thực hiện hành vi phạm tội cho rằng/nghĩ rằng người phụ nữ đó đang có thai, nhưng bị can, bị cáo vẫn thực hiện hành vi phạm tội thì vẫn áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS. Bởi lẽ, dù bị can, bị cáo nghĩ và tin rằng người phụ nữ có thai mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội thể hiện sự coi thường tính mạng và thể hiện sự mất nhân tính.

Khoản 8 Điều 4 hướng dẫn về “tái phạm hoặc tái phạm quy hiểm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự với nội dung hoàn toàn sao chép lại quy định của Điều 53 BLHS. Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa khoản 8 Điều 4 như sau: “8. “Tái phạm hoặc tái phạm quy hiểm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 của BLHS là thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 53 BLHS.

Về hướng dẫn tại khoản 9 Điều 4: Khoản 9 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự còn chưa rõ ràng. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa nội dung hướng dẫn về “Phụ nữ có thai” như sau: “9. Phụ nữ có thai” được xác định bằng các dấu hiệu dễ dàng nhận biết được. Trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của người phạm tội và bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền”.

Về hướng dẫn tại khoản 10 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể hơn về phạm tội đối với “người ở trong tình trạng không thể tự vệ được”. Cụ thể, cần làm rõ thế nào là người ở trong tình trạng không thể tự vệ được và có thể cho ví dụ cụ thể để minh họa rõ hơn.

Khoản 11 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn: “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 của BLHS là trường hợp người phạm tội phải lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội.” Tuy nhiên, dự thảo không có hướng dẫn gì thêm so với quy định của BLHS. Vì vậy, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, như đề nghị ở phần tình tiết giảm nhẹ, cần hướng dẫn cụ thể về “hoàn cảnh chiến tranh”, “tình trạng khẩn cấp”, “thiên tai”, “dịch bệnh” “những khó khăn đặc biệt khác” phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (Hiến pháp, Luật quốc phòng…) để áp dụng được thống nhất. 

Về tình tiết “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội” khoản 12 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết

Điểm c khoản 12 Điều 14 quy định “Dùng thủ đoạn tàn ác để phạm tội là trường hợp khi phạm tội người phạm tôi đã dùng những thủ đoạn thâm độc, tàn nhẫn”. Tuy nhiên, như thế nào bị coi là “thủ đoạn thâm độc, tàn nhẫn” lại chưa được giải thích, hướng dẫn. Dự thảo Nghị quyết cần giải thích, hướng dẫn cụ thể nội hàm của cụm từ “thủ đoạn tàn ác”.

Về tình tiết “có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”, tại khoản 15 Điều 4 Dự thảo hướng dẫn “15. Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 của BLHS là hành vi thâm độc, khó mà lường thấy trước được hoặc là hành động dữ tợn, phá phách, đánh giết người nhằm trốn tránh, tẩu thoát hoặc để che dấu tội phạm”.

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam,“hành động xảo quyệt”, “hung hãn” là hai tình tiết riêng biệt, vì vậy đề nghị tách ra để hướng dẫn riêng để rõ ràng, cụ thể hơn, tránh trường hợp hiểu nhầm là “hành động xảo quyệt” phải đi liền với“hung hãn”.

Đối với Điều 5 về áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS trong một số trường hợp, về điều kiện để được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS thì Dự thảo Nghị quyết xác định số tình tiết giảm nhẹ của bị cáo phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng TNHS từ 03 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS là chưa phù hợp và có thể dẫn đến sự không công bằng, bởi các lý do sau: 

Giả thiết trường hợp một bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” 500 triệu đồng (khung hình phạt bị truy tố từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình) nhưng họ chỉ có 02 tình tiết giảm nhẹ hoặc 01 tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 51 BLHS nên cơ quan tố tụng không thể chuyển khung dẫn đến mức án sẽ rất nặng, thấp nhất là 20 năm. Ngược lại có bị cáo “Tham ô tài sản” 10 tỉ đồng nhưng họ có đủ 03 tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 51 nên được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn so với hành vi, hậu quả gây ra đối với bị cáo “Tham ô tài sản” 500 triệu.  

Ở tình tiết này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị có thể xem xét, điều chỉnh theo hướng giảm số tình tiết phải có tại khoản 1 Điều 51 BLHS hoặc theo hướng miễn là số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn số tình tiết tăng nặng ít nhất từ 03 tình tiết trở lên, không phụ thuộc tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 hay khoản 2 Điều 51 BLHS.

Để phù hợp với quy định tại Điều 54 của BLHS, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa khoản 1 Điều 5 như sau: “Trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của BLHS thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ít nhất từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự trở lên”.

Điểm b khoản 2 Điều 5 quy định: “Tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng không cùng một khoản định khung thì áp dụng tình tiết định khung cao nhất và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tình tiết không trùng với tình tiết định khung cao nhất.” Quy định tại điểm b khoản 2 còn mơ hồ, chưa rõ ràng, đề nghị quy định rõ là “tình tiết định khung hình phạt” và cho ví dụ minh họa để hướng dẫn được rõ ràng hơn.

Đối với hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5, để hướng dẫn rõ ràng hơn đề nghị bổ sung thêm từ “đồng thời” vào sau cụm từ “thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể”. Cụ thể, đề nghị chỉnh sửa như sau: “Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tính thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể đồng thời bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp”.

Tại dự thảo, phần lớn các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS đều được TAND tối cao hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Trong đó, khoản 22 Điều 2 dự thảo đã hướng dẫn cụ thể 6 tình tiết khác mà khi quyết định hình phạt, toà án có thể coi là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS hiện hành. Đây là quy định theo hướng liệt kê và loại trừ, nhằm thống nhất trong việc áp dụng. Khi xét xử, HĐXX sẽ áp dụng những căn cứ theo hướng dẫn này thì sẽ không còn tình trạng áp dụng tình tiết giảm nhẹ tùy tiện, không có căn cứ, làm giảm đi lượng án bị sửa bởi quyết định của họ luôn trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhà làm luật không thể lường trước hay dự trù hết được các tình tiết tương tự có thể xảy ra. Trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi xét xử vụ án hình sự, khoản 2 Điều 51 BLHS đưa ra quy định mở, giành quyền đánh giá “các tình tiết giảm nhẹ khác” cho HĐXX. Điều này là phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội luôn biến động và phát triển không ngừng.

Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung trong trường hợp phát sinh những vấn đề ngoài hướng dẫn thì HĐXX được quyền áp dụng các “tình tiết khác”, vì pháp luật quy định HĐXX độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Quy định này là tiền đề để Thẩm phán, Hội thẩm có thể lựa chọn, tuỳ nghi và thể hiện sự tự quyết của mình trong quyết định mức hình phạt trên cơ sở quy định của pháp luật, cảm nhận công lý, niềm tin nội tâm qua phần thẩm vấn xét xử công khai tại phiên tòa và các yếu tố xã hội khác, nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, các nguyên tắc quyết định mức hình phạt, cũng như đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật trong quá trình xét xử vụ án hình sự.

Như đã nêu ở trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cần làm rõ hơn về quy định về tình tiết “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” điểm a khoản 1 Điều 51. Ví dụ một người thực hiện hành vi với vai trò đồng phạm giúp sức người chủ mưu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của tổ chức cá nhân khác trong thời gian dài, sau đó xin nghỉ việc, trong khi những người khác vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy có được coi hành vi tự nghỉ việc là đã có hành vi giảm bớt thiệt hại hay người đó phải đi tố cáo hành vi người phạm tội mới được coi là ngăn chặn thiệt hại?

Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị rà soát câu, chữ để thể hiện rõ ràng nội dung cần hướng dẫn, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đối với mỗi hướng dẫn nếu được nên có ví dụ minh họa cụ thể.

HOÀNG TRẦN

Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung tiêu chuẩn Luật sư có 'bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp'

Nguyễn Hoàng Lâm