Ảnh minh họa.
Vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (viết tắt là dự thảo Nghị định).
Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản mà luật giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP và bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định, tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tại điểm b, khoản 2 Điều 4a Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định “Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi tại điểm b khoản 3 Điều 50; điểm b và d khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 62; điểm b khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 63 Nghị định này thì không xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính mà áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” là chưa phù hợp. Lý do, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP không có điểm b, khoản 1 Điều 63.
Thứ hai, tại điểm b, khoản 2 Điều 4b Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, được bổ sung tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định: "Người có thẩm quyền ra quyết định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó."; đề nghị bổ sung cho đầy đủ như sau: "Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó".
Thứ ba, từ thực tiễn triển khai các quy định về thừa phát lại đề nghị dự thảo Nghị định nên bổ sung quy định về xử phạt đối với hoạt động của Văn phòng thừa phát lại (tại Điều 33 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) về hành vi: “Nội dung biển hiệu không đúng giấy đăng ký hoạt động hoặc treo biển hiệu ngoài trụ sở được ghi nhận tại giấy đăng ký hoạt động hoặc treo biển hiệu khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động”.
Thứ tư, đề nghị bổ sung điểm b, khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị định cho đầy đủ như sau: "Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã để giải quyết".
Thứ năm, cần nghiên cứu, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các hoạt công chứng và đấu giá tài sản trong Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cụ thể như: Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức hành nghề công chứng về hành vi: “Treo biển hiệu ngoài trụ sở được ghi nhận tại giấy đăng ký hoạt động hoặc treo biển hiệu khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động” (Điều 16 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) và bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với đấu giá viên về hành vi: “treo biển hiệu khi tổ chức đấu giá tài sản do mình thành lập hoặc tham gia thành lập chưa được đăng ký hoạt động” (Điều 22 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).
Việc này đảm bảo việc ngăn chặn các hành vi vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản cố tình hoạt động treo biển để quảng bá thương hiệu về các hoạt động của mình nhằm thu lợi bất chính khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động./.
ĐỖ VĂN NHÂN
Chánh Thanh tra, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế