(LSVN) - Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc góp ý xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); đồng thời, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ uỷ thác được coi là đối tượng kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Nhưng, uỷ thác dường như chưa được định nghĩa cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo VCCI, Bộ luật Dân sự cũng không có quy định về vấn đề này; Luật Thương mại cũng chỉ quy định về vấn đề uỷ thác mua bán hàng hoá giữa hai thương nhân. Còn các văn bản pháp luật chuyên ngành khác cũng rất ít đề cập đến thuật ngữ này khi quy định về các loại hình dịch vụ. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định mình có thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo hay không để thực hiện các nghĩa vụ cho phù hợp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định làm rõ hoặc đưa ra giới hạn các loại hình dịch vụ được xếp vào nhóm dịch vụ uỷ thác. Dự thảo còn bổ sung một số dịch vụ mới vào danh mục các tổ chức tài chính; trong đó, có dịch vụ cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ; dịch vụ cung cấp tài sản ảo. Theo đó, các tổ chức được cấp phép thực hiện các hoạt động này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định các ngành nghề này thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nên không cần cấp phép hoạt động).
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo dự thảo nghị định để cho phép dịch vụ cho vay ngang hàng được cấp phép thử nghiệm. Theo đó, chỉ có rất ít các doanh nghiệp sẽ được cấp phép để tham gia vào cơ chế thử nghiệm. Các doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục được hoạt động mà không cần tham gia cơ chế thử nghiệm này. Quy định như dự thảo có thể dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thử nghiệm và không tham gia thử nghiệm. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định không áp dụng với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động theo diện cơ chế thử nghiệm. Sau quá trình thử nghiệm, khung pháp lý chính thức được ban hành thì các doanh nghiệp được cấp phép theo khung pháp lý đó sẽ thực hiện nghĩa vụ tại dự thảo.
Dự thảo quy định khách hàng cá nhân là người Việt Nam cần thu thập các thông tin nhận biết khách hàng; trong đó, có số điện thoại liên lạc. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp với một số khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng là người cao tuổi hoặc người có thu nhập thấp. Từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép không thu thập thông tin này.
Dự thảo quy định về việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro với khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên, không có quy định các đối tượng báo cáo sẽ căn cứ vào nguồn nào để xác định một khách hàng có thuộc diện là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị hay không. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, các tổ chức báo cáo có nhiều cách thức để truy cập nguồn này thông qua mối quan hệ hợp tác kinh doanh và đối tác. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức tài chính nhỏ và các tổ chức phi tài chính có liên quan, vốn không có đủ nguồn lực và thông tin để thực hiện. Ngoài ra, quy định như vậy có thể tạo ra tình trạng mỗi đối tượng báo cáo sẽ có các tiêu chí, danh sách riêng. Trước đây, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 đã quy định các đối tượng báo cáo có thể sử dụng danh sách được ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước để tuân thủ. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ nguyên quy định này của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và bổ sung nội dung trên vào dự thảo.
Dự thảo quy định các doanh nghiệp cần nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro khi áp dụng công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng. Quy định này cần được xem xét ở các điểm như: Không rõ tiêu chí nào coi là "công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng"? Cụ thể, công nghệ thế nào được coi là "khác" với công nghệ đang sử dụng, chẳng hạn nếu doanh nghiệp sử dụng cùng công nghệ sinh trắc học nhưng chuyển từ nhận diện qua vân tay sang mống mắt thì có được coi là "khác" hay không? Hay phạm vi công nghệ mới như vậy còn tương đối rộng.
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, phạm vi công nghệ mới sẽ bao gồm tất cả công nghệ đang sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ tại đối tượng báo cáo. Theo VCCI, quy định với cách hiểu như trên dường như chưa thật sự phù hợp và tạo thêm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Dù áp dụng công nghệ nào, các doanh nghiệp đều phải thực hiện việc ban hành chính sách, quy trình quản lý rủi ro và áp dụng cho bất kỳ loại công nghệ nào được sử dụng. Quy định như vậy cũng không thật sự phù hợp khi một doanh nghiệp triển khai công nghệ mới, nhưng thực tế đã được cho phép trong văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng giới hạn phạm vi công nghệ mới cần phải thực hiện đánh giá rủi ro.
Cuối cùng, nội dung dự thảo quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp phải sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ được kết nối vào một số cơ sở dữ liệu này một cách thủ công, mà chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ. Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc tự động hoá và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
PV