Ảnh minh hoạ.
Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người dân Việt Nam về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Máu đào của các Liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các Liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Lịch sử dân tộc Việt Nam đã đặt các thế hệ thanh niên vào vị trí đặc biệt. Đó là vị trí chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù hung bạo nhất của thế kỷ XX. Thế nhưng vì Tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống để dựng lên giang sơn gấm vóc. Chiến công của các anh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ và học tập, mãi mãi được ghi vào sử sách.
Chiến tranh đã đi qua, thời gian đã làm lành những vết thương trên da thịt, quá khứ của những tháng ngày lầm than của dân tộc nay đã nhường chỗ cho niềm vui hạnh phúc. Nhưng trên mãnh đất này vẫn còn đó nỗi đau của những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, của những người lính khi trở về đã để lại nơi chiến trường một phần cơ thể. Dấu ấn một thời oanh liệt vẫn còn in đậm trong trí nhớ của mọi người, làm sao có thể kể hết được những chiến công hào hùng của những người con đã làm rạng danh đất mẹ Việt Nam.
Chính vì lẽ ấy, nhân dân cả nước luôn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các Thương binh, Liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, những Mẹ Việt Nam anh hùng.
Những ngày tháng 7 này, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh, các chị vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người Thương binh, Liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu tượng của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội Giúp binh sĩ tử nạn. Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội Giúp binh sĩ tử nạn. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh - Liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 - Ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ. |
PHƯƠNG HUYỀN
Người tiêm vaccine Covid-19 phải gọi cấp cứu khi có 08 dấu hiệu