/ Góc nhìn
/ Gửi thông báo về hành vi vi phạm giao thông của cán bộ, công chức cho cơ quan quản lý để xử lý liệu có phù hợp?

Gửi thông báo về hành vi vi phạm giao thông của cán bộ, công chức cho cơ quan quản lý để xử lý liệu có phù hợp?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đang đồng loạt triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Ảnh minh họa.

Đợt cao điểm kéo dài trong 3 tháng (từ 20/6-20/9/2022) để tập trung xử lý các vi phạm như nồng độ cồn, tốc độ, quá tải, cơi nới thành thùng,... Đặc biệt, trong đợt cao điểm này, các trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang,… (gọi chung là CBCC) vi phạm, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.

Việc CSGT gửi thông báo về cơ quan quản lý CBCC để có biện pháp xử lý theo quy định còn nhiều ý kiến băn khoăn, cho rằng việc gửi thông báo như vậy liệu có đúng quy định của pháp luật hay không?.

Theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó, nghiêm cấm đảng viên làm những việc mà pháp luật không cho phép (Điều 1); khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về nghĩa vụ của công chức: "Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước". Như vậy, CBCC phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Do đó, khi CBCC vi phạm pháp luật giao thông tức là không chấp hành pháp luật, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, còn phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Chính vì vậy, việc CSGT khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ đối với CBCC còn phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định, đây là không phải là quyền của CSGT mà nó là trách nhiệm của CSGT. Trách nhiệm ở đây là phải thông báo hành vi vi phạm của CBCC cho cơ quan quản lý biết, xử lý, giáo dục theo quy định.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, tình trạng CBCC vi phạm pháp luật giao thông đường bộ vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý thì đa số CBCC đều né tránh việc khai chính xác nghề nghiệp của mình trong biên bản vi phạm hành chính. Do đó, nhiều trường hợp, CBCC bị xử phạt về nồng độ cồn nhưng CSGT không biết hoặc không tiến hành xác minh, làm rõ nghề nghiệp của người vi phạm. Cho nên, việc gửi thông báo đối với hành vi vi phạm của CBCC cho cơ quan quản lý biết, xử lý vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm giao thông đều xuất phát từ 02 yếu tố lỗi, đó là lỗi vô ý và lỗi cố ý. Khi đã là lỗi vô ý thì bất cứ ai cũng đều có thể vi phạm, như hành vi thiếu quan sát nên đi vào đường ngược chiều; chạy quá tốc độ cho phép; quên mang giấy tờ,… Đối với các lỗi này, nếu CBCC vi phạm thì CSGT không cần thiết phải gửi thông báo cho cơ quan quản lý CBCC biết.

Tuy nhiên, đối với lỗi cố ý như: vi phạm nồng độ cồn, chống người thi hành công vụ; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT; phóng nhanh, vượt ẩu; gây tai nạn giao thông ở mức nghiêm trọng trở lên;… thì CSGT phải kiên quyết xử lý nghiêm; đồng thời, căn cứ thông tin của người vi phạm trên thẻ căn cước công dân để xác minh cụ thể, chính xác nghề nghiệp của người vi phạm.

Nếu người vi phạm là CBCC thì phải gửi thông báo hành vi vi phạm của CBCC cho cơ quan quản lý biết, xử lý theo đúng quy định. Mặt khác, cơ quan quản lý CBCC sau khi nhận thông báo của CSGT phải có trách nhiệm xem xét, xử lý và thông báo kết quả để CSGT được biết.

ĐỖ VĂN NHÂN

Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS cả nước

Lê Minh Hoàng