Ảnh minh họa.
Tại Báo cáo số 126/BC-UBND, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC&CNCH; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC&CNCH đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC&CNCH tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC.
UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị có quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Công an đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy trên tất cả các lĩnh vực (thẩm duyệt, kiểm tra, kiểm định, huấn luyện...) cho các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về phòng cháy, chữa cháy; không quy định riêng nhiệm vụ này cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như hiện nay.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an không quy định cơ quan quản lí Nhà nước định kì 06 tháng, 01 năm bắt buộc phải kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với từng cơ sở (đây là trách nhiệm của người đứng đầu, phải kiểm tra thường xuyên, định kì, đột xuất). Cơ quan quản lí nhà nước chỉ tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành, đột xuất.
Báo cáo cũng cho biết, tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2022, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.152 vụ cháy khiến 41 người chết, 65 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 76,5 tỉ đồng, 28ha rừng. Tính riêng trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 81 vụ cháy.
TRẦN VŨ
Yêu cầu triển khai xác thực điện tử trong lĩnh vực hàng không