/ Tin tức
/ Hà Nội sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo, sát hạch GPLX

Hà Nội sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo, sát hạch GPLX

29/01/2024 15:42 |

(LSVN) - Đây là một trong các nội dung tại "Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024" do UBND TP. Hà Nội ban hành.

Ảnh minh họa.

Theo đó, trong năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, đạt từ 22%-25%. Đồng thời, kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5% so với năm 2023 trên cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ngoài ra, thành phố sẽ giải quyết từ 08-10 điểm ùn tắc giao thông, xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các điểm đen về tai nạn giao thông.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đề ra 8 giải pháp cụ thể. Ví như, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông…

Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), UBND thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Trong đó, cần hướng dẫn, giám sát các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, có kế hoạch, biện pháp cụ thể tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.

Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Trong đó, ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo và sát hạch lái xe, thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên...

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Ngoài ra, tăng cường rà soát cải cách hành chính, tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi GPLX trên cổng dịch vụ công Quốc gia.

Liên quan vấn đề này, mới đây, Bộ GTVT đã có Công văn số 973/BGTVT-VT gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV phản ánh về việc bãi bỏ việc tổ chức thi mô phỏng đối với bằng lái xe ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe; Thông tư số 38/2019/TTBGTVT ngày 08/9/2019, Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT ngày 27/01/2021 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn; phần mềm được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia như: Anh, Úc, Nhật, Singapore… Hiện nay, tỉ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt trên 80%.

Tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri, Bộ GTVT sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.

TRẦN QUÝ

Bộ GTVT trả lời về đề nghị bỏ thi GPLX bằng phần mềm mô phỏng

Nguyễn Hoàng Lâm