/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Hà Nội: Kit test nhanh Covid-19 khan hiếm, tăng giá khi các ca nhiễm tăng cao

Hà Nội: Kit test nhanh Covid-19 khan hiếm, tăng giá khi các ca nhiễm tăng cao

21/02/2022 03:03 |

(LSVN) – Những ngày vừa qua khi TP. Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19, người dân đã đổ xô đi mua kit test nhanh, khiến mặt hàng này bỗng trở nên khan hiếm, tăng giá.

Lên giá theo từng ngày

Trong những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục. Thêm vào đó, trước thông tin thành phố cho học sinh nội thành đi học trở lại khiến cho nhu cầu của người dân về việc chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch bệnh tăng tăng nhanh. Tại nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế trên địa bàn thành phố luôn trong tình trạng đông khách đến hỏi mua các loại kit test nhanh kháng nguyên. Nhiều cửa hàng thuốc tại TP. Hà Nội chỉ còn một số loại kit tets nhanh Covid-19 xuất xứ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Chiều 19/02, tại các cửa hàng thuốc khu vực chợ thuốc Hapulico (Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân), có khá nhiều người đến tìm mua kit xét nghiệm. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ thuốc Hapulico yêu cầu tất cả người ra vào nhà thuốc phải có giấy GPP (giấy chứng nhận nhà thuốc đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản về chuyên môn và đạo đức trong thực hành nghề nghiệp), hoặc giấy xác nhận là nhân viên, chủ quầy thuốc kinh doanh tại chợ mới được ra vào. Chính vì lý do trên, nhiều người không thể vào chợ mua thuốc đành di chuyển đến các tiệm thuốc nhỏ lẻ khác trên địa bàn.

Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu. 

Tại các cửa hàng thuốc, giá kit xét nghiệm của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc dao động từ 70.000 đến 110.000 đồng/1 que test.

Nhà thuốc Pharmacity. 

Theo chị L. (35 tuổi, ở Nam Định) chia sẻ: “Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tôi cùng gia đình trở lại Hà Nội, thấy lượng người trở thành F0 và F1 tăng cao trong cộng đồng, xung quanh nơi làm việc cũng phát hiện rất nhiều. Do đó, tôi thường mua số lượng lớn để đảm bảo phát hiện sớm tránh tình trạng lây chéo trong gia đình cũng như chữa trị sớm nếu gia đình chẳng may có người nhiễm. Thời điểm trước Tết, loại kit Biocredit Covid-19 Ag, xuất xứ Hàn Quốc, một hộp gồm 25 kit, tôi mua chỉ có giá 1.070.000 đồng, trung bình giá 1 kit khoảng 43.000 đồng. Trong khi giá bán hiện nay mình mua là 75.000 đồng trên bộ tức là gần gấp đôi, thậm chí còn không còn hàng để mua”. 

Bên cạnh đó, theo chị V. (dược sĩ bán thuốc tại một quầy thuốc tại quận Thanh Xuân) cho biết: “Mấy ngày nay tình trạng nhiều người đến mua loại sản phẩm nước muối, vitamin C và đặc biệt kit test nhanh tăng mạnh dẫn đến tình trạng khan hiếm xuất hiện. Thậm chí cũng không có nhiều loại mặt hàng, chủng loại cho người tiêu dùng chọn như trước. Các loại kit test như Rapid Antigen test của Singapore giá 55.000 đồng/bộ, Humasis Covid-19 Ag test giá 69.000/bộ hiện đều tăng từ 10.000 đến 15.000 nghìn đồng tùy từng địa chỉ mua hàng”.

Ngoài ra, chị M. (20 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: "Tôi thấy kit xét nghiệm đợt gần đây bỗng tăng giá theo từng ngày. Trước đó, tôi mua với giá giao động 1 que test tầm 60.000 đồng đến 75.000 đồng nhưng mới đây tôi mua thì tăng lên 5.000 đến 10.000 tùy từng chủng loại". 

Găm hàng, đẩy giá... xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định, cơ bản của công dân. Tuy nhiên, quyền này cũng như bất cứ quyền con người nào khác đều bị giới hạn ở chỗ không được xâm hại đến quyền của người khác và xã hội. Do đó, khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì việc lợi dụng quyền tự do kinh doanh để trục lợi và bất chấp lợi ích của cộng đồng và xã hội là không thể chấp nhận được. Các vi phạm ấy sẽ bị xử lý bằng pháp luật dưới các hình thức khác nhau.

Theo Luật sư Bình, Điều 96 Hiến pháp quy định, Chính phủ có quyền thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền chỉ thị cấm bán nâng giá kit test kháng nguyên, khẩu trang và nước rửa tay… trong mùa dịch. Khi dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng của người dân thì cơ quan nhà nước xử lý hành vi găm hàng, tăng giá kit test nhanh, khẩu trang, nước rửa tay là rất cần thiết và đúng luật.

Cũng tại Điều 10 Luật Giá nghiêm cấm hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý... Việc bình ổn giá được thực hiện trong các trường hợp sau: Khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giá có biến động bất thường ví dụ như xăng dầu, thuốc phòng bệnh chữa bệnh và khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội như kit test, khẩu trang, nước rửa tay trong tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Đầu cơ", người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức cao nhất thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 300.000.000 đến 9.000.000.000 đồng.

"Hành vi găm hàng, tăng giá, đầu cơ hàng hóa trong tình hình dịch bệnh là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Việc Nhà nước can thiệp và xử lý nhằm đảm bảo các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn đúng đắn và cần phải mạnh tay xử lý theo quy định các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi này", Luật sư Bình nêu quan điểm.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội và các website thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Theo quảng cáo, các bộ kit này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng"... Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi/xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Trên thị trường có nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

VĂN PHONG-MỸ LINH

Vay tín chấp ngân hàng không có khả năng chi trả có bị khởi tố hình sự không?

Lê Minh Hoàng