Vay tín chấp ngân hàng không có khả năng chi trả có bị khởi tố hình sự không?

15/02/2022 04:16 | 2 năm trước

(LSVN) - Tôi có vay ngân hàng một khoản vay tín chấp 500 triệu, hiện tại tôi không có khả năng chi trả. Vậy, trường hợp này tôi phải làm như thế nào để hạn chế phát sinh lãi và nếu không có khả năng chi trả thì tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa.

Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, bạn và phía ngân hàng đã giao kết một hợp đồng vay tín chấp, giá trị 500 triệu đồng. Khi đến hạn trả nợ mà không trả thì bạn đã vi phạm quy định của pháp luật dân sự về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, cụ thể:

Căn cứ theo Điều 466, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay” như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì chưa có nội dung nào đề nghị việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với khách hàng vay vốn tín chấp mà không hoàn trả được nợ do khó khăn về tài chính. Vì vậy, nếu khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng thì sẽ chịu trách nhiệm dân sự. 

Hợp đồng vay vốn hai bên ký kết tại thời điểm đó được coi là hợp đồng vay tài sản (tiền là một loại tài sản) có thời hạn trả nợ theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định trên, khi hợp đồng vay tài sản đến kì hoàn trả thì khách hàng sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản vay cho tổ chức tín dụng theo quy định.

Thời điểm đến lúc trả nợ mà bên vay không trả nợ hoặc hoàn trả không đầy đủ thì bên vay sẽ phải trả lãi đối với khoản vay bị chậm trả theo lãi suất cơ bản được quy định bởi tổ chức tín dụng. Khoản lãi phạt sẽ được tính bắt đầu từ thời điểm chậm trả nợ nhân với số tiền gốc chậm nợ. Nguyên tắc là không tính lãi phạt trên nợ lãi phát sinh (chỉ tính trên nợ gốc).

Trường hợp này, phía ngân hàng có quyền khởi kiện các khách hàng không trả nợ vay ra Tòa án theo trình tự tố tụng dân sự, nhằm đề nghị Tòa án xét xử ra phán quyết buộc khách hàng phải hoàn trả đầy đủ số tiền vay và lãi phát sinh nếu có cho họ.

Sau khi Tòa án có phán quyết về trách nhiệm dân sự của người vay, đơn vị cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tại địa phương thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người vay như kê biên tài sản, niêm phong, phong tỏa tài sản, phát mãi tài sản mà họ sở hữu,... để thu hồi khoản vay cho tổ chức tín dụng.

Vì vậy, để hạn chế được phát sinh lãi và giải quyết vấn đề, bạn nên trình bày với phía ngân hàng nơi bạn vay tín chấp để ngân hàng biết được tình trạng của bạn, nắm được tình hình và đàm phán hướng giải quyết phù hợp, tránh được việc bị ngân hàng khởi kiện tại Tòa án.

TRẦN QUÝ

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, dùng giấy tờ gì để xác nhận thông tin cư trú?