Pháp luật quy định như thế nào về việc lắp đặt trạm trộn bê tông?
Về quy trình cấp phép hoạt động của trạm trộn bê tông, Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng công trình, theo quy định tại khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 thì: “Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định...”.
Theo quy định tại mục 1.2.1.4, bảng 1.2, Phụ lục I, kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm sẽ có cấp II hoặc cấp III (tùy theo công suất).
Theo quy định tại Phụ lục X kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ thì công trình trạm trộn sản xuất bê tông thương phẩm thuộc đối tượng có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
Do vậy trình tự thủ tục đầu tư xây dựng được thực hiện như sau:
- Chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ thiết kế, dự toán công trình.
- Lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế công trình về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi kết quả thẩm tra về Sở Xây dựng để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
- Căn cứ kết quả thẩm tra, chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình.
Về cấp phép xây dựng, đối với công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.
Còn đối với công trình xây dựng tạm sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác thì được miễn giấy phép xây dựng và phải được UBND cấp tỉnh (đối với công trình cấp II) hoặc UBND cấp huyện (đối với công trình cấp III) chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm theo quy định tại khoản 37 và 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.
Về việc đấu nối đường, khi thực hiện việc lắp đặt các trạm trộn bê thông thương phẩm có thời hạn (công trình tạm), đề nghị các đơn vị thực hiện việc đấu nối đường theo quy định của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải và các văn bản có liên quan khác.
Cần làm rõ tính pháp lý của trạm trộn bê tông tại Hải Dương
Vụ việc tại địa bàn xã Chi Lăng Bắc (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), tại khu đất công ích thuộc thôn Phương Khê, thời gian gần đây "mọc" lên một trạm trộn bê tông nhựa bề thế với công suất lớn. Khu vực trạm trộn bê tông nhựa đang được tiến hành san lấp và lắp dựng nằm tại vị trí Km11+500 (gần nút giao với đường vào xã Chi Lăng Bắc), nằm trong hành lang đường bộ, đầu nối vào tuyến trục đường Đông - Tây đang triển khai thi công.
Khu vực trạm trộn bê tông nhựa nằm trong hành lang đường bộ, đầu nối vào tuyến trục đường Đông - Tây đang triển khai thi công.
Được biết, Dự án Đường trục Đông - Tây có tổng mức đầu tư sau được điều chỉnh gần 1.800 tỉ đồng, dài 36,5km, quy mô 4 - 6 làn xe, chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương gồm: Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên).
Đây là tuyến đường sẽ kết nối các trục giao thông đối ngoại như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 37 với mạng lưới đường tỉnh 393, 391, 396, 392B,...
Dây chuyền kết cấu phức tạp của trạm trộn bao gồm phễu nguội, băng tải, phễu trộn,… đã được lắp đặt hoàn thiện và chỉ chờ đi vào hoạt động sản xuất.
Được biết, trạm trộn bê tông này của một doanh nghiệp lớn đóng tại địa bàn TP. Chí Linh. Mục đích của trạm trộn là sản xuất, cung cấp thương phẩm cho công trình đường Đường trục Đông – Tây chạy qua địa bàn.
Ngay khi phát hiện trạm trộn bê tông nhựa này “mọc lên”, Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương đã có Công văn số 1578/BQLDA-ĐH2 về việc vi phạm san lấp trong hành lang Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông – Tây tỉnh Hải Dương, đề nghị Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Thanh Miện kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Thanh Miện kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm
Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: “Về mặt chủ trương, huyện tán thành việc xây lắp trạm trộn trên để phục vụ cho Dự án Đường trục Đông – Tây chạy qua địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đồng ý cho lắp đặt và cho phép trạm trộn đi vào hoạt động khi có đầy đủ các loại hồ sơ, thủ tục theo quy định, đặc biệt là giấy phép về môi trường. Nếu không có đầy đủ, tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu cho dừng ngay, cấm không cho đi vào hoạt động.Gần đây, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án tỉnh đã có văn bản đề nghị huyện kiểm tra các điều kiện của trạm trộn này. Tôi cũng đã chỉ đạo kiểm tra và sẽ báo cáo.Còn quyết định xem có được đặt trạm bê tông này ở đây không lại do UBND tỉnh quyết định. Phía huyện chỉ quản lý về mặt hành chính. Nếu tỉnh không đồng ý, huyện sẽ cương quyết đưa trạm trộn này khỏi địa bàn”.
Huyện Thanh Miện ủng hộ về mặt chủ trương xây cho lắp đặt nếu có đầy đủ các loại hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, Giám đốc Công ty TNHH luật Bắc - Nam chia sẻ: “Một trạm trộn bê tông nhựa nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường khi đi vào hoạt động sẽ gây ra hậu quả khôn lường, mà ở đây người trực tiếp chịu ảnh hưởng là người dân.Một trạm trộn không phép mọc lên, ngang nhiên đi vào hoạt động, không thể nói là chính quyền địa phương không biết. Ở đây rõ ràng có vấn đề trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn”.
Cũng theo Luật sư Thuý Kiều, chính quyền địa phương cần phải nâng cao vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, để từ đó kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo đúng của định của pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời đảm bảo việc tuân thủ và chấp hành đúng các quy định pháp luật của các cá nhân, tổ chức.
SA HÀ
Cần hoàn thiện quyền kháng cáo của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự