Vụ chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng góp họ tại Hải Phòng: Một số vấn đề pháp lý chưa được làm rõ tại bản án phúc thẩm

08/10/2024 14:27 | 1 ngày trước

(LSVN) - Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng tiền góp họ và cho vay, các bị hại và Luật sư phát hiện nhiều tài liệu, chứng cứ vật chất có trong hồ sơ vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều tài liệu không được đưa vào hồ sơ vụ án, vợ chồng Lương Ngọc Tuy và Phạm Thị Nguyệt có dấu hiệu tẩu tán tài sản nên đã đồng loạt kháng cáo.

Ngày 11/9/2024, tại trụ sở TAND TP. Hải Phòng, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Lương Ngọc Tuy (sinh năm 1972, cư trú tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) do có kháng cáo của các bị hại về việc cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Phạm Thị Nguyệt (vợ Tuy) và việc vợ chồng Tuy, Nguyệt bí mật chuyển nhượng nhà trong thời gian bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường.

Các bị hại đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại theo hướng khởi tố Phạm Thị Nguyệt (vợ Tuy) về tội đồng phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; kê biên căn nhà số 50 Trà Khê 3 phường Anh Dũng và một số tài sản khác của vợ chồng Tuy, Nguyệt để đảm bảo việc bồi thường cho các bị hại; buộc Phạm Thị Nguyệt phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường, vì cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt một mình Tuy 30 năm tù và một mình Tuy phải bồi thường là không đúng luật.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Luật sư Trần Hồng Lĩnh, Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng người bảo vệ quyền lợi cho các bị hại, cho biết quá trình xét xử phúc thẩm, còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Theo đó, ngày 27/6/2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Thông báo thụ lý số 664/2023/TLPT-HS để xét xử phúc thẩm, sau 05 lần thông báo miệng hoãn phiên tòa với nhiều lý do khác nhau, không ai nhận được quyết định hoãn.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/10/2023, sau khi kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần tranh luận, khi được Luật sư công khai cho xem các sổ ký nhận tiền góp họ và giấy vay tiền của các bị hại, Lương Ngọc Tuy đã xác nhận đúng là chữ ký, chữ viết của mình và của vợ là Phạm Thị Nguyệt. Các bị hại khi được hỏi cũng đều khai rõ cả hai vợ chồng Tuy, Nguyệt cùng ký giấy vay tiền và thay nhau thu tiền góp họ. Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử phải nghị án và tuyên án. Nhưng Thẩm phán Ngô Tự Học, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm ngừng phiên tòa để hội ý, và ra tuyên bố hoãn. Việc này đã làm cho 98 bị hại trong vụ án hết sức ngỡ ngàng và bức xúc.

Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm.

Đến phiên tòa lần thứ 6 vào ngày 11/9/2024, đúng 08 giờ sáng các bị hại và Luật sư đã có mặt nhưng phải chờ đến hơn 12 giờ trưa, HĐXX phúc thẩm mới đưa vụ án ra xét xử, Chủ tọa phiên tòa nói vo 13 phút, Kiểm sát viên nói 4 phút, Luật sư đọc bài phát biểu 21 phút, Kiểm sát viên không tranh luận đối đáp lại từng vấn đề mà Luật sư nêu ra, sau đó nghị án 10 phút và tuyên án nói vo 11 phút.

Trong bài phát biểu bảo vệ quyền lợi cho 98 bị hại, Luật sư đã nêu ra các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ chứng minh rất rõ Phạm Thị Nguyệt đã 106 lần ký sổ nhận tiền góp họ và ký giấy vay tiền, trong đó có 05 lần ký giấy vay tiền.

Cụ thể, cùng Lương Ngọc Tuy ký giấy vay 01 tỉ đồng của chị Kim Chi, cùng Tuy ký giấy vay 200 triệu đồng của bà Bình (Hùng), cùng Tuy ký giấy vay 110 triệu đồng của bà Đỗ Thị Liên, ký giấy nhận 50 triệu đồng tiền góp họ của bà Duyển (Bạo), ký giấy bảo lãnh cho Tuy vay 200 triệu đồng của bà Đàm Thị Chiên và 101 lần ký sổ thu tiền góp họ chứ không phải Nguyệt chỉ là người thu hộ tiền. Những tài liệu này để rải rác, tản mạn trong hồ sơ, Luật sư đã sao chụp, lập bản thống kê, in trong một tập và đã nộp cho HĐXX phúc thẩm tại phiên tòa ngày 11/9/2024.

Cùng với các tài liệu, chứng cứ vật chất có trong hồ sơ, trong giai đoạn điều tra, Lương Ngọc Tuy cũng khai nhận: Các giấy xác nhận đóng tiền chơi họ là do vợ chồng tôi viết, ký xác nhận (BL 1921, 1998). Phạm Thị Nguyệt cũng khai nhận: "Tôi giúp anh Tuy nhận tiền đóng họ và ký nhận vào sổ, rồi chuyển lại cho anh Tuy (BL 1544, 1550, 1584). Chồng tôi tổ chức thu họ từ cách đây 20 năm, mỗi bát họ được hưởng 20% để chi phí sinh hoạt hàng tháng cho cả gia đình (BL 1546, 1550). Tôi có vay của chị Tâm 50 triệu nói là để đầu tư kinh doanh nhưng tôi đã chuyển cho chồng tôi để thanh toán tiền họ. Tôi cùng chồng có vay của chị Chi 1 tỉ đồng, cùng chồng có vay của chị Chiên 200 triệu, cùng chồng có vay của vợ chồng chị Bình - Hùng 200 triệu, các khoản tiền này vợ chồng tôi sử dụng thanh toán tiền họ, cho vay và đầu tư vào xưởng sản xuất đậu phụ. Tôi nhận thức việc làm của tôi là sai" (BL 1545, 1547, 1548, 1551, 1557).

Lời khai của Phạm Thị Nguyệt phù hợp với lời khai của Lương Ngọc Tuy, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ vật chất có trong hồ sơ, đó là các giấy vay tiền, giấy bảo lãnh cho nhau vay tiền, giấy nhận tiền góp họ đều có chữ ký của cả hai vợ chồng Tuy – Nguyệt. Đồng thời, cũng phù hợp với các văn bản, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, đó là Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm (BL 06), Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm (BL 07), Thông báo số 621/TB và Thông báo số 131/TB về việc trả lời đơn thư của bị hại, có nội dung: “Sau khi tiến hành giải quyết tố giác về tội phạm thấy: Trong thời gian từ năm 2006 đến ngày 02/8/2019 Lương Ngọc Tuy và vợ là Phạm Thị Nguyệt nhận tiền chơi họ và vay tiền của 97 người với tổng số tiền 14.521.000.000 đồng. Ngày 02/8/2019 Lương Ngọc Tuy và vợ là Phạm Thị Nguyệt bỏ trốn khỏi địa phương”. Như vậy, đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi của Phạm Thị Nguyệt là thực hành tích cực với vai trò đồng phạm cùng Lương Ngọc Tuy lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong phần tuyên án, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm công nhận: “Trong vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, vì có hơn 100 chữ ký của Phạm Thị Nguyệt cùng chồng ký giấy vay tiền, bảo lãnh cho chồng vay tiền và cùng chồng thay nhau ký nhận tiền góp họ của 98 người chơi họ rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú, sau đó bí mật quay về chuyển nhượng nhà cho em gái và tiếp tục bỏ trốn, nội dung kháng cáo của các bị hại và ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị hại là có căn cứ. Tuy nhiên, để giữ ổn định nên Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị hại. Tuy nhiên, cần kiến nghị Cơ quan điều tra có thẩm quyền của thành phố Hải Phòng điều tra làm rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Còn về căn nhà của vợ chồng Tuy – Nguyệt do cấp sơ thẩm không kê biên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét và cũng không có thẩm quyền kê biên. Tuy nhiên, các bị hại có quyền kiến nghị cơ quan thi hành án kê biên để đảm bảo bồi thường cho các bị hại”.

Luật sư Trần Hùng Lĩnh cho rằng, HĐXX "giữ ổn định" là không có căn cứ, không có quy định trong tố tụng hình sự. Đồng thời, HĐXX nói giữ nguyên bản án sơ thẩm thì không còn căn cứ kiến nghị. Nếu có việc bỏ lọt tội phạm thì không thể giữ nguyên bản án sơ thẩm mà phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Mặt khác, các bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại theo hướng kê biên căn nhà của vợ chồng Tuy, Nguyệt chứ không yêu cầu cấp phúc thẩm kê biên hoặc xét xử lại nội dung này, nhưng HĐXX lại cho rằng do cấp sơ thẩm không kê biên nên cấp phúc thẩm không xem xét là hiểu sai yêu cầu kháng cáo.

Luật sư viện dẫn căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm". Điều 26 quy định rõ: Bản án của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Điều 322 (khoản 2, 3 và 4) quy định: Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đối đáp lại từng ý kiến của người tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án. Điều 358 (khoản 1) quy định: "Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp: a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố”.

PV

Hải Phòng: Vụ chiếm đoạt gần 15 tỉ đóng họ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Hải Phòng: 98 bị hại có nguy cơ không thu hồi được tiền bị chiếm đoạt