Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 5, Thông tư liên tịch 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH đã quy định, việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi phải kịp thời, phải bảo đảm vừa thu thập dấu vết, vừa ứng phó kịp thời tình huống cấp cứu người bị xâm hại, hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.
Đối với các vụ xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi xảy ra từ lâu, có nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ, thu thập các dấu vết, xác định hiện trường thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát (VKS) phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để kịp thời thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ.
Cơ quan điều tra, VKS cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật, kịp thời trả lời thỉnh thị của Cơ quan điều tra, VKS cấp dưới để bảo đảm quá trình giải quyết tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ chứng minh hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Ngay khi phát hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có thẩm quyền kiểm tra thân thể người bị xâm hại tình dục, thu thập các dấu vết sinh học chứng minh hành vi xâm hại tình dục.
Thông tư liên tịch 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH này có hiệu lực kể từ ngày 05/4/2022.
TRẦN QUÝ
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc