Hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

03/02/2024 00:28 | 7 tháng trước

(LSVN) - Ở Việt Nam, pháp luật dân sự hiện hành quy định quyền tự do hợp đồng là quyền của các chủ thể được thể hiện ở tất cả các giai đoạn giao kết, thực hiện, chấm dứt và giải quyết các tranh chấp về hợp đồng. Mặc dù chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện cho việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng và bảo đảm quyền tự do hợp đồng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế trong các quy định của pháp luật về nguyên tắc tự do hợp đồng. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng này.

Ảnh minh họa. 

Cơ sở lý luận về hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng

Hợp đồng có thể hiểu là một loại giao ước mà có đặc điểm chung là sự thống nhất ý chí. Ý chí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hợp đồng, được xem là yếu tố cơ bản tồn tại trong toàn bộ vòng đời của hợp đồng từ giao kết, thực hiện, chấm dứt và giải quyết tranh chấp. Tự do hợp đồng là một nguyên tắc xuất phát từ học thuyết tự do ý chí, có ý nghĩa hết sức quan trọng của luật hợp đồng mà nếu không có nó thì các thỏa thuận sẽ trở nên vô nghĩa vì không một quan hệ nghĩa vụ nào có thể được tạo thành. Tuy nhiên, tự do ngày nay được nhắc tới với những hạn chế nhất định phụ thuộc vào sự tự nguyện của chính chủ thể, vào quyền lực lớn hơn hoặc khả năng thực hiện của chủ thể. Vì vậy, tự do không có nghĩa tuyệt đối mà được giải thích phù hợp với hoàn cảnh. Nên hạn chế tự do ý chí cũng có nghĩa tương đối, nhưng là một lẽ phải trong nghĩa đối lập với tự do(1).

Hạn chế tự do ý chí đồng nghĩa với sự can thiệp của nhà nước vào khu vực quyền lợi tư. Nhưng sự can thiệp này lại là cần thiết trước hết vì đời sống chung của cộng đồng. Sự cần thiết hạn chế bớt tự do ý chí có thể được xem xét bởi ba lý do sau:

Thứ nhất, hạn chế tự do ý chí nhằm bảo đảm nhu cầu cân đối giữa lợi ích của cá nhân thông qua ý muốn của họ với lợi ích chung của cộng đồng, bởi một mặt con người cần được tự do để phát triển đầy đủ và toàn diện đúng với mục đích sống của mình, mặt khác cộng đồng cần phải được duy trì và phát triển để trở thành môi trường tồn tại và phát triển những lợi ích chung của con người và lợi ích của mỗi cá nhân.

Thứ hai, hạn chế tự do ý chí nhằm bảo vệ những người yếu thế trong xã hội hay trong một giao dịch cụ thể. Nguyên tắc tự do có vai trò rất quan trọng, bao trùm lên toàn bộ nội dung của các nguyên tắc khác trong quan hệ pháp luật dân sự như tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực. Trong một giao dịch dân sự hay trong các quan hệ xã hội được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh luôn tồn tại các bên yếu thế hơn, việc hạn chế quyền tự do của bên có lợi thế sẽ giúp bảo vệ cho quyền và lợi ích của bên yếu thế khi họ tham gia vào giao kết hợp đồng và bảo đảm cho các nguyên tắc còn lại được tôn trọng và thực hiện.

Thứ ba, hạn chế tự do ý chí nhằm bảo đảm phát triển kinh tế có trật tự và đúng hướng. Sự bảo đảm bằng quyền là đặc trưng quan trọng của pháp luật giúp cho các quyền được thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế. Việc hạn chế quyền tự do của bên có lợi thế quyết định trong quan hệ kinh tế giúp bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hơn nữa, nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế có ý nghĩa rất thiết thực cho việc bảo đảm các nguyên tắc tự do trong các giai đoạn của hợp đồng.

Bên cạnh bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể riêng biệt, pháp luật luôn đề cao việc duy trì sự phát triển ổn định và hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Cộng đồng và cá nhân cùng phải được tồn tại và phát triển một cách lành mạnh, cân đối, thể hiện ở mối quan hệ và sự cân đối giữa nhà nước và cá nhân. Nếu học thuyết tự do ý chí có nguồn gốc từ trường phái luật tự nhiên nhằm bảo vệ tự do của cá nhân con người chống lại sự can thiệp của nhà nước thì hạn chế tự do ý chí nói tới việc cân đối giữa cá nhân và cộng đồng. Nhưng sự hạn chế này chỉ chính đáng khi nhà nước có được lý do chính đáng từ phía cộng đồng, đó là bảo đảm trật tự công cộng và đạo đức xã hội.

Thực trạng pháp luật về hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng

Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 quy định: “Không ai được lấy tư - ước mà làm trái với pháp - luật thuộc về trật - tự và phong - tục chung” (Điều thứ 10). Có thể hiểu hạn chế tự do ý chí chỉ dừng lại ở lý do chống lại trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 lại quy định: “Phàm dân ta giao - ước với nhau sự gì mà làm trái với pháp - luật, với trật - tự hay là với phong - tục đều cho là vô - hiệu” (Điều thứ 10). Bộ luật này đã mở rộng phạm vi hạn chế tự do ý chí bằng lý do không cho phép làm trái với pháp luật, có sự phân loại rõ hơn các lý do hạn chế là trái pháp luật, trái trật tự và trái phong tục. Xét đến hoàn cảnh ra đời, có thể thấy quy định tại Điều thứ 10, Bộ luật Dân sự Trung Kỳ 1936 bộc lộ sự bị áp bức của giai cấp thống trị, các chủ thể trong xã hội giai đoạn này bị hạn chế tối đa các quyền tự do.

Nếu Bộ luật Dân sự 2005 đề cập đến nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng tại khoản 1 Điều 389: “…tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” thì Bộ luật Dân sự hiện hành 2015 đề cập đến nguyên tắc tự do tại Điều 3: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”. Có thể thấy cả hai bộ luật đều chưa có tư tuởng nhất quán trong việc thể hiện nguyên tắc tự do ý chí và hạn chế tự do ý chí. Trong khi Bộ luật Dân sự 2015 thu hẹp nguyên tắc tự do ý chí bằng việc bỏ quy định tại khoản 1, Điều 389 Bộ luật Dân sự 2005 thì giữ nguyên lý do hạn chế tự do ý chí tại Điều 117. Theo tinh thần của Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu hợp đồng chỉ bị tuyên bố vô hiệu nếu có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội. Quy định này cho thấy chỉ mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật mới bị tuyên bố vô hiệu, còn các vấn đề khác của giao dịch chống lại điều cấm của pháp luật không thể bị tuyên bố vô hiệu. Từ quy định về tự do giao kết hợp đồng và hạn chế quyền tự do của Bộ luật Dân sự, các luật khác cũng có những quy định hạn chế quyền tự do trong mỗi khía cạnh của giao kết hợp đồng, cụ thể:

Hạn chế quyền tự do tham gia giao kết hợp đồng

Trong việc tham gia giao kết hợp đồng, các chủ thể có quyền tự do trong việc quyết định từ có hay không tham gia giao kết, đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định để bảo đảm trật tự công cộng, lợi ích quốc gia, quyền tự do tham gia giao kết hợp đồng bị hạn chế, đơn cử:

- Đối với hợp đồng mua bán tài sản trong lĩnh vực bảo hiểm mặc dù các chủ thể có quyền tự do tham gia mua bảo hiểm với loại hình bảo hiểm tự nguyện nhưng với loại hình bảo hiểm bắt buộc thì dù muốn hay không muốn các chủ thể vẫn bắt buộc phải tham gia, như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sản phẩm bảo hiểm mang tính chất bắt buộc của Nhà nước. Việc quy định tính bắt buộc của nghiệp vụ này nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của những người bị thiệt hại do lỗi của các chủ phương tiện gây ra, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý số lượng đầu xe đang lưu hành và thống kê đầy đủ các vụ tai nạn, cũng như những nguyên nhân của nó để có các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất một cách có hiệu quả.

- Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, hoặc đối với hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp trưng mua nhà, chủ sở hữu quyền sử dụng đất hoặc chủ sở hữu nhà ở mặc dù muốn hay không muốn tham gia giao kết hợp đồng vẫn phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho chủ thể khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực thương mại, chủ thể cung cấp dịch vụ công cộng không được từ chối giao kết hợp đồng nếu còn khả năng cung cấp dịch vụ và phải mở ra cho tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau trong việc mua hoặc sử dụng dịch vụ. Chủ thể giao kết hợp đồng không được từ chối giao kết hợp đồng vì lý do sắc tộc, tôn giáo hay quốc tịch; thương nhân phải cung cấp hàng hóa hay dịch vụ đã quảng cáo.

- Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trường hợp việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp bằng độc quyền sáng chế, người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng hoặc người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh thì quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế theo quy định tại Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019.

Hạn chế quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng

Ngoài vấn đề hạn chế bởi trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục, việc hạn chế lựa chọn chủ thể giao kết hợp đồng cũng được chú ý nghiên cứu và thể hiện trong luật thực định. Thông thường, các chủ thể có quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng với mình. Tuy nhiên, để bảo vệ người yếu thế hoặc người thứ ba, hoặc bởi các lý do khác, pháp luật có thể quy định ngăn cản việc giao kết hợp đồng với một số chủ thể nhất định hoặc phải ưu tiên giao kết hợp đồng với một số chủ thể nhất định.

Một hạn chế phải kể đến liên quan trực tiếp đến giới hạn của tự do ý chí trong Bộ luật Dân sự là tự do ý chí trong chế định đại diện. Đối với các giao dịch dân sự do người đại diện ký, khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Bản chất của hợp đồng là sự gặp gỡ nhau về mặt ý chí, dẫn đến đạt được các thoả thuận làm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 Trong trường hợp giao kết hợp đồng với chính mình, đặc trưng này không đạt được do hai bên chủ thể của hợp đồng nhưng chỉ thể hiện ý chí của một cá nhân bằng hành vi của mình tham gia giao kết. Thêm vào đó, những hợp đồng như vậy nếu có hiệu lực rất dễ ảnh hưởng đến lợi ích của người được đại diện hoặc các chủ thể khác trong xã hội.

Đối với hợp đồng mua bán tài sản có đối tượng là di tích lịch sử, văn hóa, khoản 2 Điều 196 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua”. Trong trường hợp này, chủ sở hữu tài sản buộc phải ưu tiên Nhà nước là đối tác giao kết hợp đồng trước khi có quyền lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng khác. Hạn chế quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng trong trường hợp này xuất phát từ việc di tích lịch sử, văn hóa là tài sản ý nghĩa to lớn đối với xã hội và đất nước, con người, việc thay đổi chủ sở hữu mang lại thay đổi cho những giá trị lịch sử, văn hóa ấy. Việc hạn chế chủ thể có quyền sở hữu tài sản này nhằm bảo đảm một cách tốt nhất sự bảo tồn và phát triển di tích lịch sử, văn hóa, gắn liền với đời sống văn hóa của con người và xã hội.

Đối với hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản có đối tượng là tài sản thuộc sở hữu chung, khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung”. Quy định này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có phần sở hữu chung tài sản được bán. Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì pháp luật quy định trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua và bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

Đối với hợp đồng mua bán trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là nhà ở đang cho thuê, Điều 127 Luật Nhà ở 2014 có quy định tại khoản 1: “Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà cho thuê, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn”. Theo đó, trong trường hợp bán nhà đang cho thuê, chủ thể trong giao dịch dân sự bị hạn chế quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng mà phải ưu tiên cho những chủ thể nhất định là bên thuê nhà trong hợp đồng thuê đã giao kết trước đó. Việc quy định này nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự đã được xác lập.

Đối với hợp đồng mua bán gắn với hoạt động của doanh nghiệp, khoản 3 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo phán quyết của tòa án hoặc thừa kế”. Trường hợp này chủ thể của việc giao kết hợp đồng bị hạn chế giao kết với đối tượng cụ thể để bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp bởi chủ thể giao kết hợp đồng là chủ thể giữ vị trí quan trọng, mang tính chất quyết định trong doanh nghiệp. Việc hạn chế này nhằm bảo đảm sự ổn định, hài hoà trong vận hành doanh nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn trao quyền tự do lựa chọn chủ thể chuyển nhượng cho chủ thể giao kết hợp đồng trong trường hợp chuyển nhượng theo phán quyết của tòa án hoặc thừa kế, điều này bảo đảm tính thượng tôn pháp luật và tôn trọng ý chí của chủ thể tham gia giao kết hợp đồng trong những trường hợp đặc biệt.

Pháp luật cạnh tranh cũng nghiêm cấm việc các doanh nghiệp thỏa thuận nhằm mục đích thực hiện độc quyền, chiếm vị trí ưu thế nổi trội trên thị trường nhằm ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018. Theo đó, với những trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường hoặc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định mà gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường được quy định là những thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Trường hợp hạn chế nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng này nhằm bảo đảm sự công bằng, phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường.

Có thể thấy, bên cạnh mục đích bảo vệ người yếu thế hoặc người thứ ba trong quan hệ pháp luật dân sự, việc pháp luật quy định hạn chế quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng còn nhằm thực hiện các chính sách kinh tế của Nhà nước, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, đặc biệt đối với hoạt động thương mại là lĩnh vực thường chứa đựng nhiều rủi ro và bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và khách quan trong quan hệ hợp đồng.

Hạn chế quyền tự do lựa chọn nội dung giao kết hợp đồng

Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung quy định cụ thể tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, để bảo vệ trật tự công cộng, đạo đức xã hội hay thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, pháp luật dân sự hạn chế quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng trong từng khía cạnh cụ thể:

Về đối tượng của hợp đồng

Với các hợp đồng có đối tượng là tài sản, các bên có quyền tự do lựa chọn loại tài sản bất kỳ nào đó làm đối tượng của hợp đồng sẽ giao kết khi tài sản đó đáp ứng được những điều kiện nhất định như phải được phép giao dịch (tại thời điểm giao kết hợp đồng, tài sản đó không thuộc đối tượng bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật như vũ khí, ma túy, chất phóng xạ…), không đang có tranh chấp, không đang bị kê biên, không đang là đối tượng của biện pháp bảo đảm trong một số trường hợp và không phải là vật tiêu hao trong trường hợp hợp đồng cho thuê và hợp đồng cho mượn… Với các hợp đồng có đối tượng là một công việc phải thực hiện, các bên cũng có quyền tự do lựa chọn công việc mà các bên muốn hướng tới khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, công việc đó cũng phải đáp ứng được các điều kiện nhất định như phải được xác định cụ thể; có tính khả thi; không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Trong pháp luật cạnh tranh, pháp luật chống độc quyền cấm bên ở thế mạnh về kinh tế đưa ra những điều khoản hợp đồng có tính chất lạm dụng để gây thiệt hại cho bên ở thế yếu trong quan hệ hợp đồng, nhất là các điều khoản liên quan đến các nội dung như: bán hàng kèm theo những điều kiện phân biệt đối xử như việc yêu cầu bên kia phải hạn chế cung cấp dịch vụ, sản xuất, mua bán hàng hóa hoặc hạn chế cơ hội mua bán hàng hóa, dịch vụ, mua tín dụng từ các thương nhân khác, hay chỉ được bán lẻ… để đặt các bên này vào thế bất lợi trong hợp đồng hoặc trong cạnh tranh trên thị trường; đặt điều kiện khác trong hợp đồng buộc bên kia phải thực hiện thêm các nghĩa vụ mà theo thông lệ thương mại không liên quan đến đối tượng của hợp đồng.

Về số lượng, chất lượng của đối tượng hợp đồng

Điều 13 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm hợp đồng xây dựng, trong đó yêu cầu: “Chất lượng sản phẩm của hợp đồng xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng, tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của pháp luật. Các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận trong hợp đồng về quy chuẩn, tiêu chuẩn (tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia), chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm của hợp đồng xây dựng. Đối với thiết bị, hàng hóa nhập khẩu còn phải quy định về nguồn gốc, xuất xứ”. Việc quy định về yêu cầu bắt buộc trong hợp đồng xây dựng như vậy vì đây là loại hợp đồng có đối tượng mang tính chất bền vững, lâu dài, do đó việc bảo đảm chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm lợi ích của các bên và bảo đảm trật tự xã hội.

Về giá cả, phương thức thanh toán

Đối với hợp đồng vay tài sản, khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Việc quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là để tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng, trong đó khoản 4 quy định về giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

Đối với hợp đồng mua bán trong trường hợp mua bán điện, Điều 31 Luật Điện lực 2018 quy định về giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh xác định. Thêm vào đó, khoản 11 Điều 2 Nghị định 12/2015/ NĐ-CP sửa đổi Điều 18 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về trường hợp cho thuê lại mà đơn giá cho thuê lại trên hợp đồng thấp hơn giá do UBNd cấp tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê lại thì giá cho thuê lại cũng không do các chủ thể tự do thỏa thuận mà được xác định căn cứ theo bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định và có tính chất đặc thù như trên, Nhà nước quy định giá chuẩn buộc các bên phải giao kết hợp đồng theo khung giá quy định hoặc  giới hạn khung giá cụ thể. Khi đó, các bên thực hiện theo mức giá do Nhà nước quy định mà không được quyền tự do quyết định hay thỏa thuận. Quy định về hạn chế quyền tự do định giá hợp đồng trong trường hợp này còn giúp hạn chế việc lạm quyền của cán bộ tài chính và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thể.

Về quyền, nghĩa vụ của các bên

Trong nhiều trường hợp, ngoài những điều khoản do các bên thỏa thuận, pháp luật quy định buộc các bên phải quy định trong hợp đồng một số điều khoản về nghĩa vụ của các bên. Đối với hợp đồng vận chuyển hàng không, theo quy định tại các Điều 128, 143, 145, 148 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi 2014 thì người vận chuyển phải có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách tới nơi đến một cách an toàn theo lộ trình, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách,… còn hành khách phải có nghĩa vụ tôn trọng, chấp hành đúng các quy định của bên vận chuyển và các quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông - đây là nghĩa vụ bắt buộc trong hợp đồng.

Về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng

Đối với các hợp đồng cung cấp điện, Điều 40, 41, 46 Luật Điện lực 2018 quy định bên cung cấp điện có nghĩa vụ cung cấp điện theo phương thức an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước ban hành. Trong trường hợp bên cung cấp điện không cung cấp theo phương thức an toàn do Nhà nước quy định dẫn đến gây thiệt hại cho bên sử dụng điện thì phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đó. Ngược lại, bên sử dụng điện phải có nghĩa vụ sử dụng điện hợp lý theo cách thức an toàn, phù hợp với các quy định của Nhà nước, nếu bên sử dụng điện không sử dụng điện theo cách thức an toàn theo quy định của Nhà nước và theo hợp đồng dẫn đến gây thiệt hại cho bên cung cấp điện và bên thứ ba thì phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do mình gây ra.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định những trường hợp hạn chế riêng đối với những nội dung khác. Việc pháp luật quy định nghĩa vụ bắt buộc của các bên trong một số hợp đồng liên quan đến lợi ích chung có ảnh hưởng đến trật tự kinh tế xã hội và nhằm mục đích bảo đảm trật tự kinh tế xã hội, bảo vệ trật tự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, bảo vệ sự bình đẳng, công bằng, khách quan trong quan hệ hợp đồng.

Hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức giao kết hợp đồng

Về điều kiện hình thức hợp đồng

Xuất phát từ mục đích bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ lợi ích của người thứ ba hoặc nhằm bảo đảm giá trị chứng cứ khi phát sinh tranh chấp, pháp luật hợp đồng quy định một số trường hợp hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng bằng việc quy định một số loại hợp đồng bắt buộc phải được thiết lập bằng văn bản hoặc được giao kết theo thủ tục chặt chẽ. Đơn cử như theo quy định của Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015 về hình thức của tín chấp: “Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn”.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được hướng dẫn theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 167 Luật Đất đai 2013 và Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong đó hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải được lập thành văn bản và phải công chứng, chứng thực đối với từng loại hợp đồng cụ thể. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định những loại hợp đồng buộc phải giao kết bằng hình thức văn bản thường là các hợp đồng có giá trị lớn, hợp đồng dài hạn, hợp đồng ký kết trong một số lĩnh vực đặc thù như hợp đồng về nhà ở theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng kinh doanh bất động sản quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2014; hợp đồng tín dụng quy định tại Điều 51 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi 2017. Ngoài ra, điều kiện hình thức hợp đồng mà pháp luật đề cập cần phải được giao kết theo một thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Các thủ tục này thường bao gồm: đăng ký hợp đồng; phê chuẩn hợp đồng bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc phải được công chứng, chứng thực (hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê bất động sản phải được lập thành văn bản và công chứng thực). Việc quy định thủ tục giao kết hợp đồng có ý nghĩa trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực nhất định hoặc nhằm bảo đảm tính công khai của nội dung hợp đồng.

Về ảnh hưởng của điều kiện hình thức đối với hiệu lực của hợp đồng

Theo nguyên tắc tự do hợp đồng, hợp đồng có hiệu lực khi các bên đạt được sự thỏa thuận về nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, một số nước quy định hạn chế đối với một số hợp đồng nhất định bằng việc quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Đây là các trường hợp liên quan đến hợp đồng mà việc đạt được thỏa thuận chưa đủ để bảo đảm cho hợp đồng có hiệu lực. Trường hợp này pháp luật quy định thỏa thuận của các bên muốn có hiệu lực phải thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc tuân theo những thủ tục nhất định. Các hợp đồng phải tuân thủ điều kiện về hình thức cụ thể thường được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về hợp đồng.

Bên cạnh đó, một số hợp đồng cụ thể bắt buộc phải được cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực. Việc quy định điều kiện hình thức hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở tôn trọng tối đa quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên nhưng hạn chế quyền này để phù hợp với ý chí của nhà nước. Quy định này vừa bảo đảm nguyên tắc tự do hợp đồng đồng thời vẫn thể hiện sự tác động của pháp luật vào hình thức hợp đồng ở mức độ nhất định, nhằm đạt được những mục đích cơ bản mà các nhà làm luật đã đưa ra.

Những quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng không chỉ tác động mạnh mẽ đến những chủ thể trong quan hệ hợp đồng mà còn tác động đến nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội. Bên cạnh đó, nguyên tắc tự do là nguyên tắc có nội dung bao trùm toàn bộ các nguyên tắc khác khi các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Việc quy định các trường hợp hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng của các chủ thể cũng đòi hỏi phải giải quyết được yêu cầu bình đẳng và bảo đảm về lợi ích giữa các chủ thể khi rơi vào những trường hợp hạn chế đó. Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng cần được áp dụng một cách thích đáng, đồng thời cần có những quy định thích hợp hạn chế vừa đủ tự do ý chí nhằm bảo đảm trật tự công cộng và đạo đức xã hội.

====

(1) Boris Starck, Droit Civil, Obligations, 2. Contrat, Lite, 1989.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Huy Cương, Tự do ý chí và sự tiếp nhận tự do ý chí trong pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2008, tr. 11-20.

2. Phạm Hoàng Giang, Sự phát triển của pháp luật hợp đồng: từ nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng đến nguyên tắc công bằng, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10/2006, tr. 28-31.

3. Đoàn Đức Lương, Nguyễn Thị Hồng Trinh, Ý chí và tự do ý chí trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, 2018, số 35, tr. 1-10.

4. Boris Starck, Droit Civil, Obligations, 2. Contrat, Lite, 1989.

5. Edward Younkins, Freedom to contract, Liberty Free Press, June 15, 2000.

THẠC SĨ  HOÀNG TRUNG HIẾU

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN