/ Góc nhìn
/ Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

10/04/2022 15:55 |

(LSVN) - Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì từ ngày 01/01/2016 đến ngày 20/7/2020, số lượng thông tư được ban hành chiếm hơn 68% tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Như vậy, trung bình mỗi luật hiện có 25,8 thông tư và 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn, tương đương 28 thông tư/luật.

Ảnh minh họa.

Chỉ nhìn vào số liệu thống kê này, chúng ta thấy rất rõ số lượng thông tư hướng dẫn luật quá lớn. Đặc biệt là thông tư thuộc lại do nhiều bộ, ngành ban hành, nhiều khi cùng một vấn đề mỗi cơ quan hướng dẫn một kiểu gây khó cho người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng triển khai thuận lợi, chính xác. Thậm chí, các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật cũng khó khăn trong việc áp dụng, vận dụng vì đôi khi các văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, khác biệt nhau. 

Bên cạnh đó, việc một số luật chỉ quy định khung, ống hoặc quá 'mở' nên có nguy cơ bị các văn bản hướng dẫn dưới luật vô hiệu hóa! Bởi, nhiều quy định để cho bộ, ngành hướng dẫn làm cho tinh thần của văn bản luật của cơ quan làm luật là Quốc hội, không được bộ, ngành liên quan lĩnh hội đầy đủ, thậm chí là sai, trái tinh thần của luật. 

Mặt khác, việc nhiều luật phụ thuộc vào hướng dẫn của thông tư làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, chẳng hạn có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Đúng ra luật chỉ nên giao nghị định hướng dẫn nằm hạn chế chồng chéo, bất cập; đảm bảo khách quan, minh bạch, nhất là hạn chế tình trạng lợi ích cục bộ của bộ, ngành. Bởi ở tầm nghị định trước khi ban hành sẽ có cơ quan thẩm định độc lập là Bộ Tư pháp và đưa ra thảo luận ở tập thể Chính phủ, còn thông tư chỉ giao cho cơ quan pháp chế của bộ, ngành đó thẩm định trước khi trình thủ trưởng bộ, ngành ban hành nên khó mà khách quan được. 

Ngoài ra, việc sửa đổi các thông tư hướng dẫn cũng khá tùy tiện không được rà soát, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nên một số nội dung sửa đổi, bổ sung chưa hợp lý, chưa triệt để, toàn diện. Nhiều văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung theo kiểu 'vướng đâu, sửa đấy', làm luật theo kiểu 'đẽo cày giữa đường' nên càng sửa, lại càng vướng vì liên quan đến các nội dung, quy định khác.

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để tình trạng này cần hạn chế tối đa việc giao cho cơ quan chức năng hướng dẫn luật, nhất là các bộ, ngành. Theo đó, các nội dung, quy định phải được thể hiện rõ, cụ thể ngay trong văn bản luật, trường hợp cần hướng dẫn thì chỉ giao đến Chính phủ hướng dẫn ở tầm nghị định.

Cùng với đó, nên giao cho một cơ quan làm đầu mối hướng dẫn luật, bỏ việc hướng dẫn liên tịch hoặc một luật nhưng giao cho nhiều cơ quan hướng dẫn như hiện nay. Bởi như vậy, không chỉ dẫn đến chồng chéo, bất cập mà còn có thể dẫn đến các điều kiện bất hợp lý, vì lợi ích bộ, ngành được cài, cắm vào thông tư để gây khó, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động

Lê Minh Hoàng