Ảnh minh họa.
Dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh thiết yếu. Ngày 03/4/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định tổ chức hành nghề Luật sư thuộc trường hợp được hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động. Như vậy, có thể thấy, các cơ quan nhà nước đã có sự quan tâm và đảm bảo quyền hoạt động, tạo điều kiện cho hoạt động hành nghề của Luật sư được thực hiện đồng thời phù hợp với các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Tại TP. Hồ Chí Minh – nơi dịch bệnh bùng phát nặng nhất cả nước, trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, UBND thành phố đã ban hành công văn số 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 và 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 để thực hiện các biện pháp chống dịch trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, danh sách những ngành nghề được phép hoạt động lại không bao gồm tổ chức hành nghề Luật sư. Như vậy, nội dung các công văn này của UBND thành phố TP. Hồ Chí Minh đã có sự không phù hợp so với Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Nhận thấy những bất cập này, ngày 09/9/2021, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Văn bản số 270/LĐL về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư cho các chủ thể xã hội đang diễn ra hàng ngày là một trong những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội ở từng địa phương. Đáp lại, ngày 10/9/2021, Công an TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 3492/CATP-PV01 cho phép Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu, mời làm việc của Cơ Quan tiến hành tố tụng thì được lưu thông và không cần Giấy đi đường; tuy nhiên các trường hợp hành nghề Luật sư khác vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Ngày 17/9/2021, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có công văn số 63-CV/ĐLS gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị cho phép các tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động. Cụ thể, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đề nghị Luật sư khi lưu thông chỉ cần xuất trình giấy yêu cầu Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, văn bản phân công của tổ chức hành nghề Luật sư và thẻ Luật sư. Đồng thời, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép các tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư, Công ty luật) được mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Gần đây nhất, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành dự thảo Chỉ thị thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố, trong đó, kể từ ngày 01/10/2021, các dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng, Luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý, thanh lý tài sản) đã được phép hoạt động nếu toàn bộ lao động có thẻ xanh Covid-19. Đây là điểm sáng mới đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết khi dự thảo không quy định về các trường hợp cung cấp các dịch vụ pháp lý của Luật sư liên tỉnh, việc đi lại, làm việc của Luật sư với các cá nhân, tổ chức giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Như vậy, có thể thấy sau 4 tháng TP. Hồ Chí Minh áp dụng các chỉ thị, công văn về các mức độ giãn cách khác nhau thì hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư cũng đã bị gián đoạn theo, bắt đầu là hạn chế hoạt động rồi sau đó là tạm ngừng hoạt động hoàn toàn. Trong khi đó, một số hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục được thực hiện, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong điều kiện bất bình thường cũng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý… đòi hỏi sự hoạt động song song trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư.
Từ thực trạng trên cho thấy, hoạt động hành nghề Luật sư trong mùa dịch thời gian qua đã gặp phải nhiều bất cập, khó khăn. Cụ thể:
Thứ nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Như đã phân tích, một số hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục được thực hiện, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong điều kiện bất bình thường sẽ phát sinh vô số vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, việc Luật sư bị hạn chế đi lại sẽ không thực hiện được công việc của mình với khách hàng, không thực hiện được trách nhiệm nghề nghiệp của mình với xã hội. Mặt khác, việc Luật sư không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được nhờ người bào chữa, quyền thuê Luật sư, quyền được tư vấn hỗ trợ pháp lý của công dân; từ đó, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ hai, hoạt động tố tụng của Luật sư bị ảnh hưởng.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng tại TP. Hồ Chí Minh đã hạn chế cho tiếp xúc giữa người bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Luật sư thì chỉ được ra đường theo lịch làm việc, triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng trong khi muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc bào chữa một cách tốt nhất cho thân chủ thì Luật sư còn phải tiến hành rất nhiều các hoạt động mang tính chất đặc thù nghề nghiệp khác như: Chủ động liên hệ cơ quan tiến hành tố tụng để tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án, liên hệ các cá nhân, tổ chức để thu thập tài liệu, chứng cứ… và những trường hợp này thì lại không đủ điều kiện để ra đường.
Rõ ràng, việc quy định nửa vời như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc của Luật sư khi tham gia tố tụng. Quyền được hành nghề của Luật sư được quy định và bảo vệ theo quy định tại Khoản 5 Điều 27 Luật Luật sư: “Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư”. Đồng thời, Điều 3 Luật Luật sư quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đành rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện tại, hoạt động Luật sư cũng phải có những sự điều chỉnh và hạn chế nhất định nhưng cũng cần phải tính toán sao cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp cũng như sứ mệnh xã hội của hoạt động nghề Luật sư.
Thứ ba, trong trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phát sinh nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý rất lớn.
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (thuộc Bộ KH&ĐT), thống kê của 05 tháng đầu năm 2021, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 19.979 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn thành việc giải thể là 8.023 doanh nghiệp, tăng lần lượt 20,7% và 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái[1]. Ngoài ra, các đợt đóng biên, phong tỏa, cấm xuất hay nhập khẩu, đóng cửa kinh doanh... dẫn đến việc chậm trễ hoặc thậm chí không có khả năng thực hiện hợp đồng, không có khả năng thanh toán của số lượng rất lớn các doanh nghiệp và cá nhân đã tạo ra rất nhiều nguy cơ phát sinh tranh chấp.
Trong tình thế này, các doanh nghiệp sẽ rất cần được tư vấn pháp luật, giải quyết các tranh chấp phát sinh và đại diện thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp nhằm thay đổi về quy mô, phạm vi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với các quy định như hiện tại, Luật sư không thể trực tiếp thực hiện giải quyết các công việc này. Trong thời gian dài hạn, nếu không được giải quyết sẽ tồn đọng và gây khó khăn cho việc giải quyết sau này, gây áp lực và gánh nặng lên sự ổn định và phát triển của kinh tế - xã hội.
Thứ tư, việc yêu cầu các giấy tờ khi đi đường đối với Luật sư trong thời gian qua không có nhiều tính khả thi trên thực tế.
Tại Công văn số 3492/CATP-PV01 của Công an TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết đề nghị cấp giấy đi đường cho Luật sư di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, Công an TP. Hồ Chí Minh chỉ cho phép Luật sư ra đường khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp này đặt ra một số vấn đề như sau: Việc nhận thông báo, giấy triệu tập từ các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ như thế nào, nếu trong trường hợp Luật sư đang ở nhà và phải đi đến công ty, văn phòng để nhận các thông báo, giấy triệu tập này?.
Bên cạnh đó, việc quy định Luật sư chỉ được phép di chuyển trong trường hợp tham gia tố tụng cũng chưa thật sự phù hợp và thỏa đáng. Bởi lẽ, hoạt động của Luật sư không chỉ bó hẹp trong phạm vi là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp mà còn bao gồm các hoạt động khác như: tư vấn pháp luật cho các tổ chức, cá nhân; đại theo ủy quyền; thực hiện các dịch vụ pháp lý khác…; những trường hợp này đều không thuộc các trường hợp được ra đường của Luật sư. Như vậy, với các quy định hạn chế hoạt động của Luật sư trong thời gian qua đã làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp của Luật sư trên thực tế. Trong thời gian tới, trường hợp các tổ chức hành nghề Luật sư được phép hoạt động như dự thảo chỉ thị mới của UBND TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng cần khắc phục những vấn đề nêu trên nếu tiếp tục kiểm soát việc đi đường. Đồng thời phải mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ Luật sư, mà còn là những người làm việc trong các tổ chức hành nghề Luật sư, người thực hiện các dịch vụ bổ trợ tư pháp.
Thạc sĩ – Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long.
Kiến nghị giải pháp khắc phục
Thứ nhất, cần có sự thống nhất, phù hợp giữa các văn bản, quyết định từ các cơ quan nhà nước.
Đa số các văn bản quy định về việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là các chỉ thị, công văn, đây không phải là các văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, hiện nay các văn bản của cấp dưới ban hành không thống nhất với các văn bản của cấp trên, dẫn đến sự không đồng bộ, thống nhất áp dụng từ trung ương đến địa phương. Như đối với hoạt động hành nghề Luật sư, theo các chỉ thị của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường táp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg thì các tổ chức hành nghề Luật sư phải tạm ngừng hoạt động, điều này là không phù hợp với nội dung Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự thống nhất trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc phòng, chống dịch Covid-19. Việc ban hành những văn bản, quy định để quản lý, điều hành cần phải phù hợp với những quy định, văn bản của cấp trên đã ban hành, đồng thời không được trái với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiếp tục có kiến nghị kịp thời đến các cơ quan cấp trên như Bộ tư pháp, các cơ quan chính quyền tại địa phương để bảo đảm tính thống nhất của các văn bản tránh tạo tiền lệ không tốt, tuỳ tiện trong việc việc ban hành văn bản và thẩm quyền.
Thứ hai, phải chuẩn bị các phương án hoạt động trong điều kiện dịch bệnh kéo dài.
Nếu trong điều kiện dịch bệnh vẫn kéo dài, các hoạt động không thể sớm trở lại bình thường thì cần có những phương án thích hợp thay vì việc việc tạm ngưng hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư. Chẳng hạn như vẫn cho phép các tổ chức này hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn, cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh. Vì như những phân tích ở trên, cũng như những đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan nhà nước cần xem dịch vụ pháp lý của Luật sư (hỗ trợ tư pháp) là dịch vụ thiết yếu.
Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ các hoạt động tố tụng, áp dụng linh hoạt, hiệu quả giữa làm việc trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay, do tình hình dịch bệnh kéo dài, số lượng án tồn đọng là rất nhiều, chính vì vậy, để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến xấu trong tương lai, Tòa án Nhân dân tối cao đang hoàn thiện dự thảo quy chế xét xử trực tuyến[2]. Đây là hình thức xét xử mà nhiều nước hiện nay đã áp dụng. Tòa án nhân dân tối cao sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo các mô hình xét xử trực tuyến trên thế giới hiện nay, để mô hình này không những giải quyết được vấn đề tồn đọng án, mà quan trọng nhất là phải bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, của các đương sự, đồng thời, các quy trình tố tụng phải được đảm bảo.
Dù hiện nay chúng ta chưa biết Quy chế cụ thể như thế nào, nhưng giới Luật sư cũng phải nghiên cứu kỹ vấn đề này để có thể đưa ra góp ý kịp thời và chính xác khi dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến, góp phần vào việc bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Đồng thời, giới Luật sư cũng phải tự trau dồi kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình làm việc thông qua sử sụng các công cụ công nghệ như Gmail, Skype, Google Meet hay Microsoft Teams...
Thứ tư, cần khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Như đã phân tích ở trên, dịch bệnh có thể vẫn còn kéo dài, nhưng hoạt động tố tụng không thể tạm ngừng mãi. Vì vậy, cần khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến hoạt động hành nghề của Luật sư như cần xác định đây là dịch vụ thiết yếu của xã hội. Cần có những biện pháp thay thế việc ban hành Giấy đi đường của Luật sư nói riêng và của toàn dân nói chung. Chẳng hạn như kiểm soát việc di chuyển của người dân thông qua một ứng dụng sẽ hạn chế được việc tụ tập đông người, tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông. Thực hiện phương án “Thẻ xanh Covid” để kiểm soát việc di chuyển và các hoạt động của người dân trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đối với phương án này phải đảm bảo việc cập nhật thông tin kịp thời, thống nhất sử dụng một ứng dụng duy nhất, đảm đảm việc hoạt động của ứng dụng được ổn định. Hiện nay, mỗi địa phương có một quy định khác nhau về việc đi lại làm việc giữa các địa phương với nhau, trong khi đó, phạm vi hoạt động của các Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh là rất rộng, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể trong từng điều kiện dịch bệnh khác nhau để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước.
Nhìn chung, những khó khăn, bất cập trong hoạt động hành nghề Luật sư trong thời gian qua cơ bản đều xuất phát từ việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, những kiến nghị, đề xuất của tác giả nêu trên hướng đến hai mục tiêu: giải quyết những bất cập, khó khăn của việc hành nghề Luật sư và nhanh chóng đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa TP. Hồ Chí Minh và những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Với tình hình hiện tại, rất khó để đạt được mục tiêu là dịch Covid-19 sẽ biến mất hoàn toàn. Luật sư cũng cần chuẩn bị tâm lý, trang thiết bị vật chất phù hợp, thực hiện công việc của Luật sư với tâm thế là thích ứng và sống chung với dịch bệnh lâu dài.
[1] https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5367/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-5-va-5-thang-nam-2021-.aspx [2] https://tuoitre.vn/toa-an-se-xet-xu-truc-tuyen-2021091208504911.htm |
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN TIẾN MẠNH
Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh