Ảnh minh họa.
Dịp Tết Nguyên đán, pháo hoa không nổ là mặt hàng được nhiều người tìm mua. Đồng thời, nhiều người đã sử dụng pháo hoa làm quà tặng tới khách hàng, người thân... Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì pháo không được xem là quà tặng. Hành vi biếu tặng pháo hoa không nổ là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi cho tặng pháo hoa sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Chia sẻ thêm, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, cá nhân hoặc tổ chức mua pháo của Bộ Quốc phòng sản xuất thì trước khi đốt không cần phải báo cơ quan chức năng. Tuy vậy, khi có cơ quan Công an đến kiểm tra, người tổ chức đốt pháo phải xuất trình giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Những người đốt loại pháo không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ, hành vi vi phạm.
Nếu khi bị kiểm tra mà người dân không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép thì theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng khuyến cáo, nhằm tránh vô tình tiếp tay, gây mất ổn định thị trường pháo hoa cũng như tránh mua phải hàng giả, bị lừa đảo, người dân nên tìm mua, giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng được ủy quyền. Khi mua phải xác lập giấy tờ, hợp đồng rõ ràng để có căn cứ giải quyết khi phát sinh tranh chấp, hàng giả, hàng nhái.
VĂN QUANG
Đề xuất trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước