/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hành vi giết hay vứt bỏ con mới đẻ?

Hành vi giết hay vứt bỏ con mới đẻ?

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Đứa trẻ mới đẻ bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ. Nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ nhưng đứa trẻ không chết thì coi là trường hợp giết con mới đẻ chưa đạt và người mẹ của đứa trẻ được áp dụng Điều 15 Bộ luật Hình sự (phạm tội chưa đạt)...

Khoảng 15h30 ngày 08/6/2020, người dân thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội phát hiện một trẻ sơ sinh dưới hố ga sau đền Mẫu trong tình trạng không quần áo, có dòi bò từ ống tai, mắt, miệng, bị kiến cắn... Bé lập tức được UBND, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ sơ cứu rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. 

Thông tin về trường hợp của cháu thu hút sự chú ý, trong đó nhiều người bày tỏ phẫn nộ khi biết người bỏ rơi cháu lại chính là người mẹ 31 tuổi của cháu và mong muốn có hình phạt thích đáng để răn đe.

Nhiều người cho rằng, cần khởi tố người mẹ về tội “Giết con mới đẻ” theo Điều 124 Bộ luật Hình sự với lý lẽ “Nếu không nuôi nổi con thì không nên để dính bầu. Mà nếu lỡ sinh ra mà muốn bỏ con thì nên bỏ đứa bé ở nơi người khác dễ nhìn thấy để lượm bé về. Đằng này lại cố tình để đứa bé chết”.  

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi của người mẹ chỉ là hành vi “vứt bỏ con mới đẻ” và theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự thì hành vi vứt con mới đẻ phải dẫn đến đứa trẻ bị chết thì mới cấu thành tội phạm.

Ảnh minh họa.

Vậy hành vi của người mẹ là hành vi giết con mới đẻ hay là hành vi vứt bỏ con mới đẻ? Để đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với hành vi của người mẹ, chúng ta sẽ nghiên cứu các dấu hiệu cấu thành tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015.

Bộ luật Hình sự 1985 quy định hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định chung cùng điều luật với tội giết người (khoản 4 Điều 101). Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, nếu quy định trường hợp giết con mới đẻ cũng là tội giết người thì không thể hiện đầy đủ bản chất của tội phạm, bởi vì khi tuyên án, tòa án vẫn phải kết án người phạm tội về tội “Giết người”, nhưng hình phạt lại chỉ có 02 năm tù là cao nhất, chưa kể hậu quả pháp lý về xã hội đối với người phạm tội rất nặng nề.

Đến Bộ luật Hình sự 1999, nhà làm luật đã tách hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thành tội phạm riêng (tội “Giết con mới đẻ”) và được quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, về tội danh vẫn là tội “Giết con mới đẻ” cho cả hành vi giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ nhưng vẫn chưa quy định đứa trẻ mới đẻ là đứa trẻ bao nhiêu ngày tuổi. Do đó, khi áp dụng Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1999 mỗi nơi hiểu khác nhau về ngày tuổi của đứa trẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ. Có nơi xác định 03 ngày tuổi, có nơi 07 ngày tuổi, có nơi 15 ngày tuổi…

Khi xây dựng Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật khắc phục những hạn chế về công tác lập pháp của Bộ luật Hình sự 1985 và Bộ luật Hình sự 1999 nên đã quy định 02 trường hợp giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ thành 02 khoản độc lập với nhau, với khung hình phạt cho mỗi trường hợp cũng khác nhau và thống nhất quy định đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ là trong 07 ngày tuổi.

Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” quy định như sau:

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Thực chất Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 02 tội danh khác nhau nhưng vì chủ thể của tội phạm này, cũng như bị hại như nhau (đều là đứa trẻ trong 07 ngày tuổi) nên nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật. Vì vậy, xác định cũng như khi định tội danh đối với hành vi phạm tội quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 cần chú ý:

- Nếu người mẹ có hành vi giết con mới đẻ thì định tội là “Giết con mới đẻ”;

- Nếu có hành vi vứt bỏ con mới đẻ thì định tội là “Vứt bỏ con mới đẻ”;

- Nếu có trường hợp người mẹ vừa có hành vi giết lại vừa có hành vi vứt bỏ con mới đẻ thì định tội là “Giết và vứt bỏ con mới đẻ” chứ không dùng kết từ “hoặc”.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Ngoài người mẹ của nạn nhân ra, không ai có thể là chủ thể của tội phạm này, mặc dù trong thực tế có thể có người cha cũng có hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết nhưng người cha lại không được coi là phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ mà phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trong quá trình soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015, cũng có ý kiến đề nghị đối với tội phạm này, chủ thể của tội phạm cũng có thể là người cha, vì đã có trường hợp người mẹ bị chết ngay sau khi đẻ, người cha lại là người thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng nuôi đứa trẻ nên đã bế con mới đẻ của mình vào rừng để hy vọng có ai đi lấy củi, hái măng thì mang về nuôi, nhưng đứa con mà người cha đem bỏ vào rừng đã không gặp được người nào mà dẫn đến đứa trẻ chết. Trong trường hợp này, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự người cha về tội “Giết người”, mà lại giết người dưới 16 tuổi (khoản 1 Điều 123) thì không phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên sau khi thảo luận, Ban soạn thảo thấy trong thực tế trường hợp người cha giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ rất hiếm, mà nếu có trường hợp tương tự xảy ra thì cũng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người cha hoặc nếu có truy cứu thì chỉ nên áp dụng loại hình phạt thật nhẹ nhằm giáo dục là chính.

Ngay cả đối với người mẹ của nạn nhân cũng chỉ coi là chủ thể của tội này khi người mẹ vì ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà buộc phải giết hoặc vứt bỏ con do mình mới đẻ ra. Nếu vì lý do khác mà giết con mình vừa đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Do mâu thuẫn với chồng, vì người chồng cho rằng đứa con do vợ mình đẻ ra không phải là con chung nên người vợ bực tức giết hoặc vứt bỏ đứa con nhằm trả thù người chồng thì không phải là trường hợp quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự mà tùy trường hợp, người vợ sẽ bị tuy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 125 Bộ luật Hình sự.

Được coi là ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là trường hợp bị ảnh hưởng của tư tưởng cũ, không phù hợp với quan niệm về lối sống hiện tại. Hay nói một cách khác, nó không còn phù hợp với ý thức xã hội đương thời. Ví dụ: Dưới chế độ cũ, một người phụ nữ không có chồng lại có con, bị dư luận lên án, bị phong tục tập quán, cũng như luật lệ trừng phạt rất nặng. Nhưng dưới chế độ mới, pháp luật vẫn bảo vệ những trường hợp người phụ nữ có con ngoài giá thú và đứa trẻ đó sinh ra được nhà nước bảo vệ như tất cả các trẻ em khác. Mặc dù về đạo đức xã hội vẫn còn có nhiều người lên án phụ nữ hoang thai và cũng chính vì dư luận xã hội còn như vậy nên còn có người mẹ không vượt lên tư tưởng lạc hậu đó mà giết hoặc vứt bỏ con mình đẻ ra.

Tuy nhiên, những trường hợp vứt bỏ con mới đẻ hiện nay lại chủ yếu rơi vào những người mẹ có học vấn, sinh viên trong các trường đại học do lối “sống thử” hoặc do nam nữ yêu nhau nên có thai nhưng người cha không muốn cưới hoặc từ chối trách nhiệm làm cha nên một số chị em sau khi sinh con đã đem bỏ con ở cửa chùa, trước của nhà dân với hy vọng nhà chùa, người dân cưu mang đứa con mình, nhưng không ngờ đứa trẻ bị chết. 

Thông thường, những đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ lúc mới đẻ là con ngoài giá thú. Tuy nhiên, cũng có trường hợp do tập quán lạc hậu của một vài địa phương ở miền núi, cho rằng đứa con đầu lòng không phải là con chung của vợ chồng nên sau khi đứa trẻ ra đời, người mẹ đã bóp chết. Cá biệt, có những nơi do tư tưởng phân biệt con trai và con gái nên đã có trường hợp người mẹ đã đẻ đến lần thứ 7 vẫn là con gái nên sau khi đứa trẻ ra đời đã bóp chết.

Trường hợp đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ dẫn tới bị chết trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình, như bị mất sữa lại bị bệnh nặng hoặc trong hoàn cảnh khách quan ngặt nghèo khác.

Do Bộ luật Hình sự 1999 không quy định đứa trẻ sinh ra được bao nhiêu ngày thì gọi là mới đẻ nên thực tiễn xét xử cũng như ý kiến của các chuyên gia thì coi đứa trẻ mới đẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ là đứa trẻ sau khi ra đời dài nhất là 07 ngày. Tiếp thu ý kiến trên, nên Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định trong 07 ngày tuổi.

Như vậy, nếu người mẹ giết hoặc vứt bỏ đứa con do mình đẻ ra kể từ ngày thứ 08 trở đi thì không được coi là giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.

Trong những năm gần đây do kinh tế xã hội phát triển, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận bản làng xa xôi hẻo lánh. Trình độ dân trí của nhân dân ta càng được nâng cao, các vụ giết trẻ sơ sinh hoặc vứt bỏ con mới đẻ đã hầu như không xảy ra nhưng tình trạng vứt bỏ con mới đẻ ở một số nơi vẫn còn, nhất là vứt bỏ con mới đẻ vào nhà chùa để hy vọng các nhà sư nuôi dạy nhưng đứa trẻ đã bị chết.

Đứa trẻ mới đẻ bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ.

Nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ nhưng đứa trẻ không chết thì coi là trường hợp giết con mới đẻ chưa đạt và người mẹ của đứa trẻ được áp dụng Điều 15 Bộ luật Hình sự (phạm tội chưa đạt).

Nếu người mẹ dưới 16 tuổi đã chuẩn bị phương tiện, công cụ hoặc tạo ra những điều kiện khác để giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì không bị coi là phạm tội vì theo khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự (không có Điều 124).

Riêng đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không bị chết thì chưa cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ. Như vậy, tội vứt bỏ con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.

Về hình phạt, nếu phạm tội giết con mới đẻ thì người mẹ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Nếu phạm tội vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ bị chết, thì người mẹ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, cũng là tội phạm ít nghiêm trọng nhưng ít nghiêm trọng hơn trường hợp giết con mới đẻ.

Nếu phạm tội giết con mới đẻ ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (đứa trẻ không bị chết) thì người mẹ được áp dụng Điều 15, khoản 3 Điều 57 và khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:

- Mức hình phạt cao nhất đối với người mẹ giết con mới đẻ không quá ba phần tư (3/4) mức hình phạt tù mà khoản 1 Điều 124 quy định. Ví dụ: Tòa án định phạt người mẹ 01 năm tù, thì mức hình phạt được áp dụng đối với người mẹ giết con mới đẻ chưa đạt là 09 tháng tù;

- Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba (1/3) mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Tòa án định phạt người mẹ 01 năm tù thì mức hình phạt được áp dụng đối với người mẹ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 04 tháng tù.

- Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai (1/2) mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật Hình sự.

Trở lại vụ án trên, mặc dù người mẹ có hành vi vứt con mới đẻ nhưng không phải là vứt bỏ ở cổng chùa, trước của nhà dân hoặc ở nơi nhiều người qua lại, mà vứt xuống hố ga nên khả năng đứa trẻ bị chết là tất yếu. Đứa trẻ được người dân phát hiện đã trong tình trạng không quần áo, tã lót. Khi người dân phát hiện đã có dòi bò từ ống tai, mắt, miệng, bị kiến cắn..., nếu không được cứu chữa kịp thời thì tất yếu dẫn đến cái chết của đứa trẻ. Với hành vi của người mẹ như vậy thì ai cũng cho rằng, người mẹ mong muốn con mình chết, đứa trẻ không bị chết là ngoài sự mong muốn của người mẹ.

Vì vậy, trường hợp phạm tội này là thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Hình sự chứ không chỉ đơn thuần là vứt bỏ con do mình đẻ ra theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự. Trường hợp vứt bỏ con do mình đẻ ra dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết chỉ áp dụng đối với trường hợp, cái chết của đứa trẻ người mẹ không mong muốn, chỉ là không may nên đứa tre mới bị chết. Chính vì vậy mà điều luật quy định “dẫn đến đứa trẻ chết”. Khi vứt bỏ con do mình đẻ ra, người mẹ vẫn nuôi hy vọng có người sẽ cứu và nuôi con mình.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

/quyet-dinh-hinh-phat-duoi-muc-thap-nhat-cua-khung-hinh-phat-bat-cap-va-kien-nghi.html