(LSO) - Người nào có hành vi vi phạm quy định về an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Sáng 23/6, Facebook của tiền vệ Nguyễn Quang Hải bị hacker tấn công với mục đích xấu thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ 07h-07h35 sáng 23/6, tài khoản Facebook của Quang Hải bị hacker xâm nhập. Người này đăng những tin nhắn của Quang Hải và một người anh thân thiết lên mạng xã hội. Đáng chú ý, đây đều là những tin nhắn có nội dung về chuyện tình cảm cá nhân, xâm phạm đến đời sống riêng tư của chủ tài khoản.
Vậy, việc hacker tấn công, làm lộ thông tin cá nhân về cả công việc và đời sống của người khác sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hiện nay tình trạng người nổi tiếng bị hack tài khoản mạng xã hội đang diễn ra rất phổ biến. Các hacker có nhiều mục đích, động cơ để làm việc này. Có thể là tò mò về những thông tin cá nhân vì những người nổi tiếng là người được công chúng quan tâm và bất kỳ thông tin cá nhân nào của họ cũng đều được “săn đón” nhiệt tình. Một động cơ khác là để đe dọa, đòi tiền chuộc,… Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.
Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…
Người nào có hành vi vi phạm quy định về an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.
Nếu người nước ngoài có hành vi vi phạm này thì có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 84). Đây là các mức phạt đối với tổ chức, trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.
Nếu hành vi vi phạm an ninh mạng mà có tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" (Điều 288) hoặc tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" (Điều 289).
Ngoài ra, nếu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Nếu cố tình lấy trộm tài khoản nhằm mục đính đe dọa để cưỡng đoạt tiền thì có thể bị xử lý hình sự với tội "Cưỡng đoạt tài sản" (Điều 170).
Nếu hành vi hack facebook mà đăng những thông tin cá nhân của cá nhân lên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" quy định tại Điều 155 BLHS 2015.
Như vậy, với hành vi hack tài khoản facebook của cầu thủ Nguyễn Quang Hải thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm tùy tính chất, mức độ vi phạm, Luật sư Cường nói.
THANH THANH