/ Trao đổi - Ý kiến
/ Hành vi không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú và đăng kí nhận con nuôi của Tịnh thất bồng lai sẽ bị xử lý như thế nào?

Hành vi không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú và đăng kí nhận con nuôi của Tịnh thất bồng lai sẽ bị xử lý như thế nào?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú. Việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân. Tuy nhiên nhiều người thường xem nhẹ vấn đề đăng ký tạm trú gây ảnh hưởng rất lớn công tác đảm bảo trật tự trị an trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, pháp cũng có những chế tài xử phạt khá khắt khe, mang tính răn đe đối với những hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú.

Vừa qua, Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết quả điều tra, xác minh ban đầu liên quan đến hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện và danh nghĩa nuôi trẻ cơ nhỡ để trục lợi tại “Tịnh thất Bồng Lai” sau khi nhận được nhiều phản ánh về cơ sở này.

Theo đó, vào năm 2014, bà Cao Thị Cúc ( SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) mua gần 2.000m2 nhà, đất. Sau đó bà Cúc sửa chữa để làm điểm tu tại gia. Năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TP. HCM) chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.

Trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. HCM và tự phong là giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Đến 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không đảm bảo theo quy định, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ theo quy định.

Đến 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và nhận nuôi con nuôi lấy danh nghĩa làm từ thiện.

Theo kết quả điều tra thực tế, đa số trẻ sống ở đây đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại điểm tu tại gia này có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú. Đáng chú ý, đặc biệt đa số là con ruột và cháu ruột của ông Lê Tùng Vân.

Thời gian qua, nơi đây đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người.

Vậy, hành vi không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú và đăng ký nhận con nuôi của Tịnh Thất Bồng Lai có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú. Việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân. Tuy nhiên nhiều người thường xem nhẹ vấn đề đăng ký tạm trú gây ảnh hưởng rất lớn công tác đảm bảo trật tự trị an trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, pháp cũng có những chế tài xử phạt khá khắt khe, mang tính răn đe đối với những hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú.

Hành vi vi phạm về đăng ký cư trú có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, cụ thể cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng; Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường,
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Việc nhận nuôi con nuôi là quyền của cá nhân nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Luật nuôi con nuôi 2010 nghiêm cấm việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc….

Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi có thể bị xử phạt như sau: hành vi khai không đúng sự thật để đăng ký việc nuôi con nuôi; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước; tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Nếu lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để một cơ sở hoạt động tôn giáo không có giấy phép hoạt động, lại ngang nhiên tồn tại rất lâu, thậm chí còn gây ra nhiều vụ lùm xùm, mất an ninh trật tự cho khu vực, Luật sư Cường cũng đưa ra một số quan điểm. Cụ thể, theo Luật sư một trong những nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 61 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra Điều 62 Luật này cũng quy định về Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Một trong những nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo là thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

"Do đó nếu có việc một cơ sở hoạt động tôn giáo trái phép tồn tại rất lâu, gây mất an ninh trật tự cho khu vực mà chưa bị xử lý thì cần phải xem xét vai trò thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đã thực hiện đúng và đủ chức năng nhiệm vụ trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo địa phương hay chưa", Luật sư Cường nêu quan điểm.

THANH THANH

/vu-tinh-that-bong-lai-hanh-vi-lo%CC%A3i-dung-danh-nghia-nuo%CC%82i-tre-mo-co%CC%82i-co-nho%CC%83-de-truc-loi-can-xu-ly-nghiem.html