/ Luật sư trực ban
/ Hành vi 'Làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản' bị xử phạt thế nào?

Hành vi 'Làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản' bị xử phạt thế nào?

23/07/2022 18:20 |

(LSVN) - Làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay và ngày càng trở nên tinh vi, khó đoán. Vậy, tội "Làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản" sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, cơ quan Công an các địa phương liên tục phát đi tin tức cảnh báo về các vụ lừa đảo đầy tinh vi, trong đó có thủ đoạn làm giả giấy tờ để lừa đảo. Nhưng, dù đã được cảnh báo thì trên thực tế vẫn có không ít người mắc bẫy.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người làm nội trợ, người trung niên, những người ít tiếp cận với báo chí điện tử, công nghệ thông tin… Theo đó, các thủ đoạn lừa đảo thường được sử dụng như sau:

- Làm giấy tờ nhân thân giả để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, mua bán…: Các đối tượng đặt mua CMND/CCCD, Giấy phép lái xe giả đứng tên nhiều người nhưng sử dụng ảnh của một người rồi mang ra ngân hàng để mở tài khoản. Khi có đầy đủ các giấy tờ, những đối tượng này sẽ sử dụng để đi lừa đảo, thu lời bất chính.

- Lợi dụng sơ hở trong các giao dịch chuyển khoản để làm giả giấy tờ: Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng để mua thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin chủ thuê bao số điện thoại cần làm lại, mua Chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim cần làm lại… rồi liên hệ đến các cửa hàng viễn thông để xin cấp lại sim chính chủ.

Sau khi có được sim điện thoại, chúng tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản rồi đăng nhập chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản chiếm đoạt được đến nhiều tài khoản trung gian khác nhau...

- Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng vào mục đích ký kết các hợp đồng để lừa đảo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản...

Tội "Làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị xử lý thế nào?

Làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội và tài sản của người khác, đồng thời đây cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, người có hành vi "Làm giả giấy tờ để lừa đảo" có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; hoặc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, mức xử phạt với các tội này được quy định như sau:

- Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" (Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017):

+ Khung 01: Phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 02 năm.

+ Khung 02: Phạt tù từ 02 - 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Có tổ chức;

Phạm tội 02 lần trở lên;

Làm từ 02 - 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính từ 10 - dưới 50 triệu đồng;

Tái phạm nguy hiểm.

+ Khung 03: Phạt tù từ 03 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

- Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017):

Theo đó, khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp:

+ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng; hoặc

+ Dưới 02 triệu đồng nếu thuộc một trong các trường hợp:

Đã bị phạt hành chính trước đó nay lại tái phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; trộm cắp tài sản;… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

TRẦN QUÝ

Thế nào là tội 'Giả mạo trong công tác'?

Lê Minh Hoàng