/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hệ lụy từ các hội nhóm ‘kín - mở’ trên các trang mạng xã hội

Hệ lụy từ các hội nhóm ‘kín - mở’ trên các trang mạng xã hội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nhiều người lợi dụng không gian mạng, sử dụng các hội nhóm kín để cố tình lan truyền, bịa đặt các thông tin sai trái, xuyên tạc, vu khống nhằm vào người khác vì thù hằn cá nhân, để hạ bệ uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đây là hành vi đáng lên án và cần phải được phát hiện xử lý vì là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết và mâu thuẫn trong xã hội, cần ngăn chặn, kiên quyết xử lý để làm sạch môi trường không gian mạng.

Cơ quan Công an xử lý hành vi đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội. Nguồn: Internet.

Tự do đưa tin, bình luận

Sự ra đời của mạng internet và cuộc cách mạng công nghệ đang đưa nhân loại bước sang một kỷ nguyên công nghệ số. Thế giới trở nên "phẳng" có tính kết nối toàn cầu mở không còn bị giới hạn bởi khoảng cách không gian địa lý, lãnh thổ quốc gia. Giờ đây con người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều dễ dàng kết nối với nhau một cách đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm và gần gũi hơn bao giờ hết.  

Tại Việt Nam, trong những năm qua chúng ta chứng kiến sự ra đời và phát triển chưa từng có của các trang mạng xã hội có tính kết nối toàn cầu được nhiều người tham gia như facebook, twiter, youtube, tiktok, zalo... Không thể phủ nhận vai trò to lớn, giá trị tích cực mà mạng xã hội đem lại cho con người. Vì trên môi trường không gian mạng xã hội người ta dễ dàng, thoải mái like (thích) hoặc share (chia sẻ) thể hiện suy nghĩ, quan điểm cá nhân nên nhiều người mạnh dạn bày tỏ quan điểm chính kiến của mình, thậm chí là những điều riêng tư, thầm kín nhất.

Giờ đây, mạng xã hội hình thành xã hội ảo trên không gian mạng để phân biệt với thế giới thực ngoài đời. Trên mạng xã hội người ta dễ dàng lập hội, nhóm rồi mới anh em, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác thậm chí những người hoàn toàn không biết nhau nhưng có cùng chung quan điểm, sở thích tham gia các hội, nhóm. Việc lập các hội nhóm trên mạng xã hội cũng rất đa dạng và dễ dàng, hầu như chỉ cần có tài khoản của mạng xã hội do chính nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra mà hầu như không có sự kiểm soát hoặc trách nhiệm nào đáng kể.

Chính vì vậy, trên các trang mạng xã hội có nhiều người tham gia như facebook, zalo nhan nhản những hội, nhóm kín, mở không thể nào thống kê, quản lý hết. Có những nhóm hoạt động công khai thu hút được đông đảo người tham gia, nhưng có những nhóm lại rất riêng tư chủ yếu chia sẻ trong một cộng đồng dân cư, bạn bè thân thiết, hoặc tổ chức, cơ quan đoàn thể nào đó với số lượng rất hạn chế. Các chủ đề được các hội, nhóm đưa ra thảo luận rất đa dạng, phong phú thoải mái chia sẻ mà rất ít được kiểm duyệt từ nhóm.

"Mạng ảo" nhưng hệ quả thật

Tất nhiên, hệ lụy cũng phát sinh cũng chính từ đây khi các thành viên tham gia nhóm không ý thức hết được tác hại và hậu quả của việc đưa tin, bình luận, chia sẻ, thiếu kiểm duyệt. Những chủ đề bàn tán, thảo luận tưởng là riêng tư, nội bộ nhưng lại gây nên hệ quả không lường, thậm chí ít ai biết rằng mình đang phạm luật. Nhiều khi chính các thành viên tham gia các hội nhóm cũng không hiểu hết tác hại của những hoạt động của mình trên không gian mạng đã dẫn đến phát tán, chia sẻ các tài liệu có nội dung độc hại, vô tình tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, vi phạm quyền cá nhân khác mà không biết.

Nhiều người lợi dụng không gian mạng, sử dụng các hội nhóm kín để cố tình loan truyền, bịa đặt các thông tin sai trái, xuyên tạc, vu khống nhằm vào người khác vì thù hằn cá nhân, để hạ bệ uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đây là hành vi đáng lên án và cần phải được phát hiện xử lý vì là nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết và mâu thuẫn trong xã hội, cần ngăn chặn, kiên quyết xử lý để làm sạch môi trường không gian mạng.

Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân là quyền hiến định. Tuy nhiên việc đưa tin, phát ngôn phải đảm bảo đúng pháp luật, không xâm hại quyền của cá nhân, tổ chức khác. Theo quy định tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi bịa đặt, loan truyền các thông tin sai sự thật lên mạng xã xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại.

Về chế tài xử phạt hành chính, đối với hành vi cố ý bịa đặt, loan truyền các thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm danh dự, nhân phẩm , uy tín của cá nhân của tổ chức là trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Theo quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng. Theo đó các hành vi nghiêm cấm là: “d. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Về xử lý hình sự, đối với người bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Về phía quản lý nhà nước, thời gian qua cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính nhiều trường hợp cố tình bịa đặt, loan truyền các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, tác động xấu đến dư luận xã hội, những biện pháp chế tài và sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã góp phần răn đe và cảnh tỉnh đối với nhiều người khi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên đây là vấn đề khó phát hiện, cũng khó xử lý nên trên hết vẫn từ ý thức của chính các thành viên sử dụng mạng xã hội đối với phát ngôn và thông tin của mình đưa ra trên không gian mạng.

HƯNG NGUYÊN

Tăng 10 lần mức phạt khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác từ 01/01/2022

Lê Minh Hoàng