/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Hiện thực luôn vượt xa trí tưởng tượng của con người

Hiện thực luôn vượt xa trí tưởng tượng của con người

05/01/2021 17:59 |

LSVNO - Nghề luật sư, tưởng chừng khá đơn giản giống như bao nghề khác trong đời sống xã hội, nhưng có ở trong nghề mới biết, thực tế không phải như vậy.

LSVNO - Nghề luật sư, tưởng chừng khá đơn giản giống như bao nghề khác trong đời sống xã hội, nhưng có ở trong nghề mới biết, thực tế không phải như vậy.

Trong quá trình tham gia giảng dạy, đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, tôi đã gặp không ít những trải nghiệm thú vị khó quên. Có lần, một học viên là chuyên viên cao cấp (giữ một chức danh quản lý) của Bộ Giao thông vận tải, chia sẻ với tôi câu chuyện khá bất ngờ. Ấy là, trong một buổi giao lưu vui vẻ, vị Bộ trưởng thân mật hỏi:

“Cậu cho tớ biết, tại sao cả đời cậu lăn lộn, gắn bó bao nhiêu công trình, năng lực chuyên môn và vị trí công tác của cậu cũng đã đạt đến mức này mà cậu còn từ bỏ, đi học để trở thành luật sư, không hiểu nghề luật sư có gì mà hấp dẫn thế?”.

Anh bạn học viên hóm hỉnh trả lời:

“Các cụ ngày xưa thường nói, cứu một người phúc đẳng hà sa, còn hơn xây bảy tòa tháp. Em theo Bộ trưởng, cùng lắm mỗi năm cũng chỉ tham gia được một vài công trình, mà nghề luật sư thì mỗi năm, Bộ trưởng biết đấy, có thể cứu được biết bao nhiêu là người…”.

Bộ trưởng cười vui và gật đầu công nhận. Cá nhân tôi cũng thấy khá tâm đắc với câu chuyện rất thú vị và độc đáo của học viên này.

Cho đến bây giờ, với 27 năm hành nghề luật sư và hơn 30 năm làm công tác pháp chế thanh tra tại Tổng Công ty Nhà nước Vinatea (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - tôi chiêm nghiệm rằng, nghề luật sư luôn ẩn chứa quá nhiều nghịch lý và sự bất ngờ, đôi khi bất ngờ đến khó tin. Có những vụ việc, lúc mới nhận thì tưởng vô cùng đơn giản, dễ dàng, nhưng khi vào cuộc thì ngược lại, đầy phức tạp và có thể kéo dài đằng đẵng qua rất nhiều thời gian năm tháng, cả những người trong cuộc cũng chẳng biết đến khi nào mới kết thúc.

Và ngược lại, có những vụ việc khi mới nhận thì thấy vô cùng phức tạp, rối như canh hẹ, thậm chí bế tắc, ẩn chứa cả nhiều nguy hiểm nữa, nhưng khi vào cuộc thì công việc lại được giải quyết hết sức nhanh chóng, nhẹ nhõm đến không ngờ. Nhân đây xin được chia sẻ một số vụ việc đã để lại khá nhiều cảm xúc và dấu ấn khó quên trong chặng đường hành nghề luật sư của tôi:

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vụ thứ nhất

Đó là vụ án hình sự về vụ sập mỏ Lèn Cờ ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cái khó nổi bật của vụ này là ở chỗ, quá nhiều lần được các cơ quan chức năng xem xét, thay đổi ý kiến và cuối cùng quyết định truy tố bị can ra tòa để xét xử.

Thoạt đầu các cơ quan chức năng khởi tố và bắt tạm giam ông trưởng Đoàn thanh tra là Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khoảng một năm xem xét, cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án của tỉnh Nghệ An sau nhiều lần họp bàn đã quyết định tha miễn trách nhiệm hình sự để xử lý hành chính, nhưng tiếp sau đó lại ban hành quyết định khởi tố trở lại và khởi tố thêm bị can nữa là ông Phó Đoàn thanh tra - Phó phòng Công thương của huyện cũng với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đến thời điểm này, tôi mới biết và được ông Phó phòng Công thương mời tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Luật sư mới tiếp cận vụ việc, liệu có phép mầu nào làm thay đổi quyết định lần chót của cơ quan tiến hành tố tụng?

Tôi cùng các trợ lý sau khi nhận vụ việc, chỉ thực hiện duy nhất một chuyến đi công tác đến TAND tỉnh Nghệ An để đăng ký thủ tục tố tụng và photocopy toàn bộ hồ sơ vụ việc. Tôi chưa lần nào đến làm việc tại VKSND tỉnh Nghệ An. Khi về Hà Nội, tôi viết một văn bản 7 trang gửi TAND và VKSND tỉnh Nghệ An, với các chứng cứ xác đáng và lập luận thuyết phục không thể bác bỏ. Tôi chứng minh cả hai bị can này đều không phạm tội.

Nguyên nhân sập mỏ, theo kết luận giám định là khai thác sai quy trình, nhưng vấn đề này lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn đã được ghi rõ trong Luật Khoáng sản cũng như Nghị định của Chính phủ. Do vậy không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của bị cáo với hậu quả hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.

 Sau hơn hai tháng kể từ ngày nhận văn bản của luật sư, cơ quan chức năng đã ra quyết định cả hai bị cáo này không phạm tội. Ông Phó phòng Công thương vẫn giữ nguyên chức vụ và sau đó trở thành nhân chứng tại phiên tòa xét xử các bị cáo khác trong vụ án Lèn Cờ đó.

Như vậy, vụ việc mới đầu tưởng bế tắc, khó khăn nhưng khi thực hiện lại khá thông suốt và hiệu quả.

Vụ thứ hai

Lại là một vụ hình sự khác tại Quảng Bình. Cái khó của vụ này là cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt tạm giam hơn 40 ngày đối với chị M. - chủ một cửa hàng vàng bạc về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Đối tượng bị cưỡng đoạt là chị L. - Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, hiện làm chủ một dự án lớn tại Quảng Bình. Số tiền chiếm đoạt theo đơn tố cáo là 17,5 tỷ đồng. Vụ này thuộc diện nghiêm trọng, theo dư luận đồn thổi thì có khá nhiều tình tiết phức tạp, bí ẩn và nguy hiểm. Nhiều quan chức và lãnh đạo cơ quan pháp luật cũng có sự quan tâm đặc biệt đến vụ án.

Tôi cùng đồng nghiệp đã tìm hiểu và xác định thực chất nội dung sự việc như sau: Trong khoảng thời gian vài năm, chị L. đã vay chị M. số tiền khá lớn, nhưng có dấu hiệu lẩn tránh, không chịu trả. Chị M. đã nhờ người đề nghị chị L. đến gặp tại một nhà hàng cà phê, khi ấy có một số bạn là lãnh đạo ngân hàng biết việc này đang có mặt.

Quá trình trao đổi bàn bạc, chị L. tự viết cam kết kế hoạch trả nợ 17,5 tỷ đồng trong một mặt giấy A4 và hai bên thống nhất xé bỏ tất cả các biên nhận vay tiền trước đây. Sau đó cả hai cùng nhóm bạn lãnh đạo ngân hàng đó vui vẻ rủ nhau đi ăn tối tại một nhà hàng khác. Ngày hôm sau, chị L. làm đơn tố cáo chị M. dùng xã hội đen cưỡng đoạt 17,5 tỷ đồng nên cơ quan Công an đã khởi tố và bắt tạm giam chị M.

Khi tham gia tố tụng, chúng tôi chỉ hai lần vào Quảng Bình đã có kết quả tốt đẹp, chị M. nhanh chóng được tại ngoại và vài tháng sau đó đã được minh oan. Vụ án lúc đầu tưởng chừng rất phức tạp, tốn thời gian và nguy hiểm, nhưng thực tế sau đó lại hoàn toàn ngược lại.

Lần đầu vào Quảng Bình là để hoàn tất việc đăng ký thủ tục tố tụng, gặp bị can tại trại tạm giam. Tại đó tôi đã viết văn bản đề nghị khẩn cấp thay đổi biện pháp ngăn chặn. Các cơ quan chức năng đã họp ngay sau đó và quyết định cho chị M. được tại ngoại.

Lần thứ hai, tôi và đồng nghiệp vào Quảng Bình để tìm hiểu thực chất vụ việc như đã nêu trên, lấy lời khai và tường trình của tất cả những nhân chứng liên quan đến vụ án, giúp họ thêm nắm vững kiến thức pháp luật, phản ánh thật chính xác, rõ ràng diễn biến khách quan, tránh việc bị hiểu sai hoặc nhầm lẫn dẫn đến làm oan người vô tội.

 Không thể kết luận có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” bởi tình tiết rất đắt giá là sau khi thống nhất kế hoạch trả nợ, tất cả các bên đã vui vẻ rủ nhau đi ăn tối ở nhà hàng khác, có rất nhiều nhân chứng quan trọng biết và chứng kiến. Bởi vậy, sau hơn 03 tháng kể từ thời điểm được tại ngoại, chị M. được đình chỉ điều tra và VKSND tỉnh Quảng Bình phải tổ chức xin lỗi công khai, đồng thời xem xét việc bồi thường cho chị M. theo quy định của pháp luật.

Vụ thứ ba

Đây là vụ tôi làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là công ty M. trong vụ án tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại với nguyên đơn là một doanh nghiệp tại Singapore.

Công ty M. ký hợp đồng bán lạc nhân cho doanh nghiệp của Singapore, nhưng năm đó bão lụt lớn, nên công ty M. không mua được lạc để giao cho khách hàng. Theo thỏa thuận, bên nào vi phạm phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng. Vì người đại diện của cả nguyên đơn và bị đơn là bạn của nhau, từng thực hiện thành công nhiều thương vụ với nhau nên bị đơn đề nghị nguyên đơn giảm cho 50% số tiền phạt, tức là bằng 5% giá trị hợp đồng. Tiếc rằng, nguyên đơn đã ký tiếp hợp đồng bán lạc nhân cho chủ thể thứ ba, cũng với số lượng và phương thức tương tự, nên đã bị chủ thể khác phạt 10%, bởi vậy không có cơ sở để giảm tiền phạt cho bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên công ty M. vi phạm hợp đồng nên phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, tôi với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng giám định, kết luận nguyên đơn vi phạm hợp đồng là mở L/C sai biệt với hợp đồng, cho dù bị đơn có đủ hàng giao thì cũng không thể lấy được tiền của nguyên đơn.

Trong trường hợp này, nghĩa vụ giao hàng của bị đơn chưa xuất hiện vì nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ trước. Bản án phúc thẩm nhất trí với quan điểm của luật sư, xác định nguyên đơn vi phạm hợp đồng và tuyên phạt nguyên đơn có nghĩa vụ trả cho bị đơn 10% giá trị hợp đồng. Bản án này có hiệu lực pháp luật từ đó đến nay, và không bị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Ngay sau đó, bị đơn đã có văn bản tặng toàn bộ số tiền 10% đó cho luật sư.

Rõ ràng, trước đây bị đơn tưởng mình vi phạm nên đã đề nghị trả tiền phạt cho nguyên đơn và xin được giảm một nửa. Khi tham gia tố tụng, luật sư đã chứng minh nguyên đơn vi phạm trước nên tòa án đã buộc nguyên đơn phải trả tiền phạt cho bị đơn. Như vậy, bị đơn không những không phải trả tiền cho nguyên đơn, mà ngược lại còn được nguyên đơn trả tiền, dù không mua được lạc nhân, không hề thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn giao hàng.

 Vụ thứ tư

Cũng là một vụ việc về kinh tế. Nguyên đơn là một công ty bảo hiểm, khởi kiện đòi số tiền 02 tỷ đồng của bị đơn là một doanh nghiệp làm thủy điện. Tôi lại được mời làm luật sư bảo vệ cho bị đơn trong vụ án này.

Nghiên cứu vụ việc, tôi xác định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp làm thủy điện có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho công trình với trị giá 03 tỷ đồng. Hợp đồng quy định, người mua phải trả 01 tỷ đòng ở thời điểm ký hợp đồng, giai đoạn sau trả tiếp 02 tỷ đồng. Vài tháng sau, mưa bão bất ngờ làm sạt lở một phần đập thủy điện (thuộc nội dung được bảo hiểm) nhưng công ty bảo hiểm có biểu hiện không chu đáo, không tích cực nên quan hệ hai bên rạn nứt và người mua bảo hiểm tuyên bố chấm dứt hợp đồng, không tiếp tục tham gia vào quan hệ bảo hiểm này nữa.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, vì là bảo hiểm bắt buộc nên người mua vẫn phải trả toàn bộ số tiền bảo hiểm kể cả trường hợp chủ động chấm dứt hợp đồng. Bởi vậy, công ty bảo hiểm đã khởi kiện bị đơn đòi bồi thường 02 tỷ đồng (tiền gốc). Tại phiên tòa, luật sư đã chứng minh và phân tích hợp đồng bảo hiểm này bị vô hiệu, lỗi hoàn toàn thuộc về nguyên đơn. Phiên tòa nghị án kéo dài và thông báo sẽ tuyên án sau ba ngày. Đến ngày thứ hai, nguyên đơn có văn bản gửi tòa xin rút đơn khởi kiện và sau đó tòa án làm thủ tục chấm dứt vụ việc.

Vì sao nguyên đơn lại tự nguyện gửi văn bản đề nghị rút đơn khởi kiện?

Có lẽ, nguyên đơn đã nhận ra rằng, đúng như luật sư của bị đơn phân tích, khi hợp đông vô hiệu, các bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nghĩa là nguyên đơn phải trả lại 01 tỷ đồng đã nhận. Mặt khác, nguyên đơn lại là chủ thể có lỗi để hợp đồng vô hiệu nên phải có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất và thiệt hại do việc hủy hợp đồng. Vì thế, nguyên đơn đã chủ động rút đơn kiện để tránh những tổn thất có thể xảy ra nếu mở phiên tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án này.

Ban đầu, nếu chưa nghiên cứu kỹ toàn bộ hồ sơ vụ án, dễ nhầm tưởng doanh nghiệp thủy điện sẽ phải trả 02 tỷ đồng cho nguyên đơn theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhưng thực tế lại khác, doanh nghiệp thủy điện không phải trả tiếp số tiền bảo hiểm đó nữa.

Chia sẻ bốn vụ án trên đây, tôi muốn phản ánh rằng nghề luật sư thật không đơn giản, luôn ẩn chứa nhiều nghịch lý và bất ngờ. Nếu biết khai thác đúng, sử dụng triệt để các tình tiết khách quan cũng như dẫn chiếu được các quy phạm pháp luật cụ thể, có kỹ năng, phương pháp hành nghề phù hợp và đúng quy định của pháp luật thì có thể vẫn đạt được những kết quả khả quan, thậm chí có trường hợp là ngoài mong đợi.

Như vậy, càng trải nghiệm thực tiễn, càng thấy yêu và gắn bó với nghề. Vừa hoạt động tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật, tôi vừa tham gia hoạt động thỉnh giảng cho một số trường đại học có chuyên ngành Luật. Đặc biệt tham gia giảng dạy đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp trên khắp các vùng miền như Hậu Giang, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội… tôi lại càng thấy nghề luật sư thật thú vị và mỗi ngày càng thêm gắn bó.

Nghĩ về nghề luật sư, tôi thường nghiệm ra rằng công việc này luôn chứa đựng trong nó những điều bí ẩn không dễ đoán định, chính bởi vậy nó càng trở nên cuốn hút, hấp dẫn, giống như ta được khám phá một kỳ quan nào đó.

Tôi chợt nhớ và liên tưởng đến một chia sẻ khá ấn tượng và độc đáo của quan khách khi chiêm ngưỡng Chùa Vàng, Chùa Bạc ở Campuchia: “Thường thì trí tưởng tượng của con người vượt xa thực tế, nhưng ở đây thực tế lại vượt xa trí tưởng tượng của con người”.

Các bạn có đồng ý với tôi không?

Luật sư Đào Ngọc Lý

Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý