/ Pháp luật bốn phương
/ Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada có hiệu lực, 'cơn ác mộng NAFTA' của Tổng thống Trump đã chấm dứt

Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada có hiệu lực, 'cơn ác mộng NAFTA' của Tổng thống Trump đã chấm dứt

05/01/2021 18:06 |

(LSO) – Hiệp định thương mại mới giữa Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) chính thức có hiệu lực vào hôm 01/7/2020, thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại 26 năm. Đây là thành công của tổng tống Trump trong nhiệm kì và là điểm cộng trong chiến dịch tranh cử nhiệm kì tới.

USMCA chính thức có hiệu lực. Ảnh: Jurist.

Ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ ông Donald Trump đã có những bước đi nhằm “xé bỏ” NAFTA. Ba nước thành viên Mỹ, Mexico và Canada đã khởi động đàm phán lại hiệp định vào tháng 8/2017. Hơn một năm sau ba bên đã đạt được thỏa thuận mới vào tháng 9/2018 và Quốc hội các nước đã lần lượt phê chuẩn văn kiện này.

Hồi tháng 01/2020, tại buổi ký thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump trong một buổi lễ ngoài trời tại Nhà Trắng với sự tham dự của khoảng 400 quan khách, ông Trump đã tuyên bố một "tương lai huy hoàng" cho nông dân, công nhân và nhà sản xuất Mỹ.

Tổng thống Trump luôn chỉ trích NAFTA vì cho rằng hiệp định này khiến việc làm ở Mỹ bị chuyển dịch ra nước ngoài. Cũng tại buổi ký thỏa thuận hồi tháng 01/2020, sau lời hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ nhằm mang lại lợi ích cho nông dân, công nhân và nhà sản xuất, ông Trump mạnh mẽ tuyên bố: "Hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng đã chấm dứt cơn ác mộng NAFTA và ký kết thành công một thỏa thuận hoàn toàn mới giữa Mỹ - Mexico - Canada”.

Hiệp định thương mại đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020, mang tới cả cơ hội và thách thức đối với Mexico và Canada. Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong khi Canada và Mexico dự kiến sẽ phải chịu thiệt hại trên nhiều khía cạnh, từ xuất khẩu đến đầu tư và phúc lợi kinh tế.

Hiệp định có thể gây thách thức đối với ngành nông nghiệp Mexico như việc không công nhận giới hạn tạm thời về xuất khẩu rau quả của chính phủ Mexico có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ, được gọi là tính thời vụ nông nghiệp. Ngoài ra cũng quy định chặt chẽ hơn về các vấn đề môi trường và đặc biệt là lao động.

Hiệp định loại bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, những hành vi mà theo Mỹ đã ảnh hưởng đến các sản phẩm Mexico như cà chua, ớt, dưa chuột, mía, cafe, hành tây, đậu xanh, cà tím, thuốc lá và dưa. Do vậy, Mexico cần phải tiến hành cải cách lao động.

Hiệp định đặt ra nhiều biện pháp trừng phạt thương mại nếu không tuân thủ các vấn đề pháp lý, điều không có trong NAFTA, thậm chí có thể liên quan đến cấm vận hàng hóa.

Tuy có các khó khăn trên nhưng hiệp định cũng mang lại nhiều cơ hội như duy trì đối tác thương mại số 1 của Mexico. Trong năm 2019, 75,7% xuất khẩu nông sản của Mexico là sang Mỹ, với tổng giá trị đạt 29,34 tỉ USD và ở chiều ngược lại, 66% kim ngạch nhập khẩu nông sản của Mexico là từ Mỹ. Điều này tạo nên một sức mạnh tổng hợp giữa ngành nông nghiệp của 2 nước, nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong thời đại NAFTA và có thể sẽ được duy trì với USMCA.

Còn ở Canada mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, với giá trị trao đổi thương mại giữa ba nước thành viên đạt khoảng 1.100 tỉ USD trong năm 2018, “không hề cường điệu khi tuyên bố duy trì hoạt động thương mại tự do và công bằng giữa 3 nước có ý nghĩa sống còn”.

Nhưng theo thỏa thuận mới, nông dân Mỹ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn đối với thị trường sữa, trứng và gia cầm của Canada. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau đã cam kết bồi thường cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng.

Đối với sản xuất công nghiệp, hiệp định sẽ không giúp hạ giá thành sản phẩm, song người tiêu dùng Canada sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Người dân Canada cũng sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn khi mua hàng hóa trực tuyến xuyên biên giới từ Mỹ và Mexico, song điều này có thể tác động tiêu cực tới các hãng bán lẻ trong nước.

Tại Canada, đảng Bảo thủ đối lập đã nhiều lần lần bày tỏ quan ngại về tác động của hiệp định này đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Canada trong các dự án cơ sở hạ tầng ở Mỹ hay các lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, lâm nghiệp…

LÊ HÙNG

/quy-dinh-moi-ve-kiem-soat-xuat-nhap-canh-doi-voi-nguoi-di-tren-phuong-tien-quoc-phong-an-ninh.html