(LSO) - Hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để người khác sử dụng chất ma túy một cách trái phép. Hành vi này thể hiện ở việc chuẩn bị địa điểm, chuẩn bị ma túy, chuẩn bị dụng cụ, công cụ, phương tiện, rủ rê, lôi kéo người khác đến sử dụng trái phép chất ma túy, đưa ma túy vào cơ thể người khác.
Vào khoảng 22h ngày 17/9, Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) cho biết, đã bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (sinh năm 1968, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) có hành vi về việc “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” ngay tại phòng làm việc.
Tại thời điểm kiểm tra, ngoài ông Kiểm còn 3 người khác cũng đang sử dụng ma túy gồm Lý Nguyên Bảo (sinh năm 1973, cũng là giáo viên của trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng), Mồng Văn Duy (sinh năm 1988, trú thôn Nà Bản) và Mã Văn Đới (thôn Nặm Vằn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm).
Nhìn nhận về vụ việc trên, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc giáo viên, cùng với lãnh đạo nhà trường "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" là thông tin gây sốc với nhiều người.
Đây là một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu của vi phạm hình sự và vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thầy, gây ra sự mất an toàn trong môi trường học đường. Bởi vậy Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì ma túy là chất cấm, mọi hành vi “Sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy” đều là hành vi vi phạm pháp luật và thường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định, hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy” được xác định là tội phạm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên từ khi sửa đổi bộ luật Hình sự vào năm 2009 thì Việt Nam đã “Phi hình sự hoá” hành vi này và xác định người sử dụng trái phép chất ma túy là người bệnh và sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Đối với Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để người khác sử dụng chất ma túy một cách trái phép. Hành vi này thể hiện ở việc chuẩn bị địa điểm, chuẩn bị ma túy, chuẩn bị dụng cụ, công cụ, phương tiện, rủ rê, lôi kéo người khác đến sử dụng trái phép chất ma túy, đưa ma túy vào cơ thể người khác.
Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội làm lây lan tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, gia tăng số người nghiện và gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội mà đặc biệt hơn, hành vi này lại xuất phát từ một Hiệu phó của một trường Tiểu học và Trung học cơ sở, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thầy, gây ra sự mất an toàn trong môi trường học đường.
Điều 255, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" như sau: Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai; đ) Đối với người đang cai nghiện; e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; h) Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; d) Đối với người dưới 13 tuổi. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; b) Làm chết 02 người trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Theo đó, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy nêu trên ai là người khởi xướng, rủ rê lôi kéo những người khác đến sử dụng, ma túy ở đâu, ai là người chuẩn bị, các dụng cụ để sử dụng trái phép chất ma túy là của ai...?.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã mua ma túy mang đến để sử dụng, đã chuẩn bị công cụ phương tiện vật chất cho người khác sử dụng thì hành vi này được xác định là hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với hình phạt thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là tù chung thân.
Với hành vi tổ chức cho từ 02 người sử dụng trái phép chất ma túy trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 07 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 02, Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 nêu trên.
Như vậy, trong trường hợp Cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng nêu trên mà trong đó có cả giáo viên, có hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thì những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.
Cũng không loại trừ trường hợp trong số những người bị bắt giữ nêu trên, nếu có người không thực hiện hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nhưng hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy” cũng là hành vi vi phạm tệ nạn xã hội nên ngoài việc bị xử phạt hành chính và có thể bị bắt buộc cai nghiện thì người này cũng sẽ bị kỷ luật theo quy định của pháp luật về kỷ luật viên chức với hình thức “Buộc thôi việc”.
Có thể thấy rằng ma túy là chất gây nghiện, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị tha hóa về nhân cách, phá tán tài sản, có thể mất kiểm soát về hành vi dẫn đến việc thực hiện những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.
Ma túy là một trong những tệ nạn xã hội (cùng với cờ bạc, mại dâm) bởi vậy đối với các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà vi phạm pháp luật, sa đà vào các tệ nạn xã hội thì sẽ bị "Buộc thôi việc" đồng thời những hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi tệ nạn xã hội là vi phạm nghiêm trọng đạo đức, không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ giáo viên, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, vụ việc này sẽ là một bài học cho những ai kém tu dưỡng rèn luyện đạo đức đồng thời cũng là bài học cho công tác quản lý cán bộ trong lĩnh vực giáo dục. Và cần phải có những người thầy có đạo đức, chuẩn mực, đáp ứng đủ điều kiện giáo dục đạo đức, để có thể phát triển và hình thành nhân cách cho con trẻ mai sau.
LÂM HOÀNG