LTS: Thông tin này được công bố trên các báo New York Times và Daily Mail vào tháng 05/2021.
Tiết lộ tài liệu mật về ý định của Mỹ tấn công hạt nhân vào Trung Quốc
Khi các lực lượng cộng sản của Trung Quốc đại lục bắt đầu pháo kích những hòn đảo do chế độ Đài Loan kiểm soát trên thực tế vào năm 1958, Mỹ vội vàng dùng sức mạnh quân sự của mình để củng cố đồng minh, theo một tài liệu vẫn ở chế độ mật nhưng mới bị rò rỉ.
Nỗ lực của Mỹ bao gồm việc vạch kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào đại lục Trung Quốc. Tài liệu mật này đã làm sáng tỏ thêm mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng ở khu vực Eo biển Đài Loan năm nào.
Giới lãnh đạo quân sự Mỹ khi đó thúc đẩy phương án sử dụng hạt nhân lần đầu tiên đối với Trung Quốc, chấp nhận rủi ro bị Liên Xô trả đũa bằng sức mạnh vật chất thay cho đồng minh của họ, với hậu quả là hàng triệu người phải chết, theo hàng chục trang tài liệu của một nghiên cứu mật vào năm 1966 về cuộc đối đầu này. Chính phủ Mỹ đã kiểm duyệt các trang tài liệu khi công bố tài liệu đó.
Các trang tài liệu mới do Daniel Ellsberg tiết lộ. Ông này cũng là người đã làm rò rỉ một bản báo cáo lịch sử mật về Chiến tranh Việt Nam, mang tên Hồ sơ Lầu Năm Góc, cách đây 50 năm.
Ông Ellsberg nói rằng ông đã sao chép toàn bộ bản nghiên cứu tối mật về khủng hoảng Eo biển Đài Loan vào đúng thời điểm đó nhưng đã không tiết lộ tài liệu này ngay lúc đó. Ông chỉ “quăng ra” tài liệu này vào đúng dịp Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan hiện nay.
Ông Ellsberg đã đăng lên internet phần mật của tài liệu tuyệt mật về cuộc khủng hoảng. Hồi năm 1975, Mỹ mới bạch hóa một phần của tài liệu đó.
Mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1958
Mặc dù người ta đã biết các quan chức Mỹ từng xem xét khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại Trung Quốc đại lục nếu cuộc khủng hoảng đó leo thang, các trang tài liệu mật nói trên đã tiết lộ chi tiết về mức độ quyết liệt của giới lãnh đạo quân sự Mỹ trong việc hối thúc trao thẩm quyền thực hiện điều đó nếu lực lượng quân Trung Quốc tăng cường tấn công vào Đài Loan.
Cuộc khủng hoảng 1958 cuối cùng hạ nhiệt khi quân đội của ông Mao Trạch Đông đột ngột ngừng chiến dịch tấn công lên các đảo Đài Loan, để mặc cho các hòn đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội chế độ “Trung Hoa Dân quốc” Tưởng Giới Thạch, đóng ở Đài Loan. Mãi đến hơn 06 thập kỷ sau, người ta vẫn mù mờ ở cấp chiến lược về vị thế của Đài Loan và về sự sẵn lòng của người Mỹ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chế độ này.
Odd Arne Westad – một sử gia tại Đại học Yale (Mỹ) chuyên về Chiến tranh Lạnh và Trung Quốc cho biết, thông tin bị kiểm duyệt trước đó vẫn có ý nghĩa về mặt lịch sử và cả hiện tại.
Sử gia Westad nói: “Điều này xác nhận, ít nhất là với tôi, rằng chúng ta đã tiến sát tới nguy cơ Mỹ dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc khủng hoảng 1958 hơn “tôi nghĩ trước đó”.
Liên hệ với tình hình hiện nay, ông Westad nói rằng sức mạnh quân sự thông thường của Trung Quốc giờ đã vượt xa năm 1958. Theo ông, tài liệu mật trên là lời cảnh báo về mối nguy hiểm hiện nay trong căng thẳng liên quan đến Đài Loan.
Vào năm 1958, các quan chức Mỹ nghi ngờ việc Mỹ sẽ thành công trong việc bảo vệ Đài Loan khi chỉ sử dụng vũ khí thông thường. Ông Westad nói tiếp, nếu ngày nay Trung Quốc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan vào đại lục, “điều đó sẽ gây áp lực lớn lên giới hoạch định chính sách Mỹ, khi phải nghĩ tới cách thức triển khai vũ khí hạt nhân”. “Các bên liên quan phải rất tỉnh táo”.
Giới tướng lĩnh Mỹ từng nghiêng về giải pháp hạt nhân bất chấp hậu quả
Còn theo Ellsberg, bên trong Lầu Năm Góc, việc lên kế hoạch dự phòng có vẻ đã diễn ra cho tình huống nổ ra xung đột vũ trang liên quan đến Đài Loan, bao gồm cả kịch bản các vũ khí thông thường không đạt được hiệu quả mong muốn.
Hồ sơ mà chính phủ Mỹ đã kiểm duyệt trong thông báo chính thức về bản nghiên cứu nói trên cũng có mô tả thái độ của tướng Laurence S. Kuter, Tư lệnh không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương.
Viên tướng này muốn cho phép thực hiện cuộc tấn công sử dụng hạt nhân đầu tiên nhằm vào đại lục Trung Quốc vào đầu cuộc xung đột vũ trang. Để đạt mục đích, ông ta ca ngợi một kế hoạch bắt đầu bằng việc thả các trái bom nguyên tử lên các sân bay Trung Quốc, chứ không thả vào các mục tiêu khác. Ông lập luận rằng mức độ tương đối hạn chế như vậy của cuộc tấn công sẽ khiến những người trong chính phủ Mỹ hoài nghi về chiến tranh hạt nhân ít có khả năng cản trở kế hoạch tấn công này.
Đồng thời, các quan chức Mỹ tính đến khả năng cao là Liên Xô sẽ phản ứng lại một cuộc tấn công nguyên tử lên Trung Quốc bằng các đòn tấn công hạt nhân trả đũa. Nhưng các quan chức quân sự Mỹ vẫn thích sự rủi ro này hơn khả năng đánh mất các đảo Đài Loan.
Bản nghiên cứu đã diễn đạt lại lời của tướng Nathan F. Twining, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói rằng nếu việc ném bom nguyên tử xuống các sân bay không buộc Trung Quốc chấm dứt xung đột thì sẽ “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, xa lên phía bắc tới tận Thượng Hải”.
Tướng Twining cho rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ “gần như chắc chắn kéo theo đòn trả đũa bằng hạt nhân nhằm vào Đài Loan và có thể cả Okinawa” – hòn đảo của Nhật Bản nơi có quân Mỹ đồn trú. Ông này nhấn mạnh thêm rằng, nếu chính sách quốc gia của Mỹ là bảo vệ các hòn đảo ngoài khơi thì phải “chấp nhận các hậu quả đó”.
Cuối cùng Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã chống lại phương án của giới tướng lĩnh Mỹ cũng như Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles và lựa chọn chỉ dựa vào vũ khí thông thường vào giai đoạn ban đầu. Nhưng không ai muốn bước vào một cuộc xung đột quy ước kéo dài nữa giống như Chiến tranh Triều Tiên nên cuối cùng người ta lại “cùng có niềm tin rằng trừ phi quân Trung Quốc ngừng chiến dịch của họ, các cuộc tấn công hạt nhân sẽ được tiến hành”...
TRUNG HIẾU/VOV
Ai có thể làm việc cho cơ quan tình báo KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô)?