/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hòa giải và trọng tài thương mại ở Việt Nam hiện nay

Hòa giải và trọng tài thương mại ở Việt Nam hiện nay

05/01/2021 18:08 |

(LSO) - Thách thức về trình độ, kỹ năng hành nghề của luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên của Việt Nam hiện nay phải được giải quyết bằng đào tạo bài bản, nghiêm túc, lâu dài để có được một đội ngũ chuyên sâu về giải quyết tranh chấp trêncác lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại nói chung, trong đó có hòa giải thương mại và trọng tài thương mại, mới có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…

Ngày 15/6/2020, Tuần lễ về giải quyết tranh chấp thay thế (Vietnam ADR Week 2020 - VAW) đã khởi đầu bằng sự kiện trọng thể tại Trường Đại học Ngoại thương với sự tham gia của các đại biểu đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC); Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC); Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế (VBLC) và Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), đó là Hội thảo “Đào tạo kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam: Nhu cầu và cơ hội hợp tác phát triển”.

Tham dự Hội thảo gồm các chuyên gia từ Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế); Bộ Ngoại giao (Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế)…; đại diện các cơ sở đào tạo tại Việt Nam; các tổ chức nghề nghiệp; các luật sư, chuyên viên pháp chế doanh nghiệp, các trọng tài viên, hòa giải viên…

Hội thảo được tổ chức kết hợp phương thức offline và online. Với 3 phiên thảo luận, các diễn giả, đại biểu đã trao đổi về: thực trạng, kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu về trọng tài và hòa giải, những khó khăn, thách thức và nhu cầu thực tiễn; nhằm thúc đẩy các cơ sở đào tạo triển khai chương trình đào tạo về trọng tài và hòa giải hướng tới đạt chuẩn quốc tế; đồng thời tạo sự gắn kết, đồng hành giữa các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức trọng tài, hòa giải, các tổ chức hành nghề luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về giải quyết tranh chấp kinh doanh. Hội thảo là sự kiện mở đầu trong chuỗi 11 sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và hòa giải Việt Nam (VAW).

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, hành nghề về giải quyết tranh chấp thay thế. Hội thảo không chỉ góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu về các lợi ích của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án đối với giới luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có liên quan tới hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại, mà còn giúp các sinh viên, học sinh có thêm nhiều lựa chọn ngành học trong mùa tuyển sinh 2020 để bước vào nghề trong tương lai.

Ảnh minh họa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ADR. Nhìn bức tranh chung từ các doanh nghiệp là nguồn khách hàng tiềm năng rất lớn trong khu vực và thế giới; các cơ quan chuyên ngành của nhà nước; các cơ sở đào tạo; những người đã, đang hành nghề luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên ở các nước phát triển, chúng ta cần nhận dạng những hạn chế, những vướng mắc để tìm các giải pháp phù hợp mới có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội theo xu thế chung toàn cầu.

Các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án còn ít được doanh nghiệp Việt Nam biết đến

Doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian qua, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ là một triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên, do phải trải qua thời kỳ bao cấp bởi chiến tranh, Việt Nam mới có cộng đồng doanh nghiệp vài chục năm trở lại đây. Hiện nay đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) chiếm gần 97% tổng các chủ thể kinh doanh, với những lợi thế về quản lý gọn nhẹ, khả năng ứng biến linh hoạt, tiếp cận thị trường nhanh, thu hút tạo việc làm cho người lao động…

Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp NVV có nhiều hạn chế do việc tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế - kỹ thuật; yếu về trình độ quản lý, năng lực tài chính; đặc biệt là hạn chế về hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật. Các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ít được doanh nghiệp biết đến và sự tin tưởng đối với phương thức này còn rất thấp, doanh nghiệp Việt Nam thông thường lựa chọn tòa án để giải quyết (tranh chấp giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm gần 1% so với tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hàng năm).

Về đội ngũ luật sư, trọng tài viên và hòa giải viên

Số lượng luật sư ở nước ta những năm gần đây tăng nhanh (khoảng hơn 13.000) song người hành nghề trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại chiếm tỷ lệ còn thấp, đặc biệt là kiến thức về hòa giải, trọng tài thương mại còn khiêm tốn. Mặt khác, do hạn chế về ngoại ngữ nên luật sư khó có thể tư vấn, tham gia sâu vào các tranh chấp của doanh nghiệp khi vụ việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài và việc tiếp cận với kiến thức tiên tiến về ADR gặp nhiều khó khăn.

Số người hành nghề trọng tài viên, hòa giải viên còn ít, những người được đào tạo chuyên sâu có kinh nghiệm, uy tín chưa nhiều. Chất lượng trọng tài viên còn có những hạn chế nhất định, nhất là kiến thức thương mại quốc tế và kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.

Khung pháp luật cho ADR ở Việt Nam

Đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh và có nhiều tiến bộ. Luật Trọng tài thương mại (2010); Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại; Nghị quyết số 01/2014/HĐTP-TANDTC, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; các hiệp định FTA thế hệ mới (EVFTA, BTAs,…); Công ước New York 1958; Công ước Singapore… đã tạo cơ chế pháp lý cho hoạt động ADR ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ADR còn chưa được quan tâm đúng mức trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức và hoạt động…

Công tác đào tạo về ADR hiện nay

Luật pháp Việt Nam không có quy định về đào tạo “nghề hòa giải” và “nghề trọng tài”. Theo PGS. TS. Trần Việt Dũng, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo hiện nay chưa có bộ môn riêng, giáo trình riêng về ADR, thời lượng đào tạo còn ít, việc kết hợp “học đi đôi với hành” mới chỉ là hình thức. Theo Trọng tài viên PGS. TS. Trần Văn Nam, người học còn ít được tiếp cận với các vụ việc đã giải quyết, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc mời những người chuyên nghiệp, thực sự có kỹ năng hành nghề thực tế tham gia giảng dạy, nên hiệu quả thấp; nguồn đầu vào gặp khó khăn cho các cơ sở đào tạo, do bị hạn chế ở đầu ra…

Với chương trình đào tạo, kể cả việc đào tạo kiến thức cơ bản cho sinh viên đến đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng chuyên sâu như hiện nay thì việc hình thành được đội ngũ hành nghề chuyên nghiệp về ADR còn khoảng cách khá xa để có thể đạt được như mong muốn.

Một số đề xuất, kiến nghị

Qua quá trình gắn bó với doanh nghiệp, ban đầu là trực tiếp làm kinh doanh và sau này là hành nghề luật sư tư vấn cho doanh nghiệp, tác giả bài viết nêu một số đề xuất, kiến nghị để bạn đọc quan đến công tác ADR tham khảo.

Một là, đối tượng đào tạo liên qua đến ADR

Đào tạo bắt đầu từ sinh viên trong các trường đại học, đây là nguồn cung cấp quyết định cho chất lượng đầu ra, sau này các em có thể trở thành doanh nhân, luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên hoặc làm công chức, viên chức trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp… có được những kiến thức cơ bản, nền tảng của hoạt động ADR. Bậc sau đại học là đào tạo đối tượng có nhu cầu hành nghề về kiến thức chuyên sâu, kỹ năng trọng tài viên, hòa giải viên (tương tự như đào tạo nghề luật sư hiện nay).

Tăng cường mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho các giảng viên, trọng tài viên, hòa giải viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, chủ doanh nghiệp, người làm pháp chế doanh nghiệp và những người có nhu cầu… để tạo ra một đội ngũ có trình độ năng lực chuyên sâu về ADR, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Học viện Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần bổ sung kiến thức ADR vào đào tạo kỹ năng hành nghề và chương trình bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, nâng cao năng lực đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Hai là, nội dung và phương pháp đào tạo về ADR

Căn cứ vào đối tượng đào tạo, chúng ta cần phải có bộ môn riêng, giáo trình riêng với đội ngũ giáo viên lý thuyết và thực hành chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm thực tế.

Cần tăng thời lượng đào tạo trong các trường cho sinh viên, coi đây là môn học cần được chú trọng như các môn học khác. Đặc biệt, sinh viên phải được tiếp cận làm quen với thực tế, thông qua các vụ việc đã giải quyết và kiến thức của những người chuyên nghiệp có kỹ năng hành nghề.

Cần phải có sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, các tổ chức hành nghề để bổ sung cập nhật khi xây dựng chương trình, bài giảng về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nhà nước cần ban hành quy định cụ thể về đào tạo “nghề hòa giải”, “nghề trọng tài”. Với quy mô các cơ sở đào tạo, trình độ của giảng viên hiện nay, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để thành lập mô hình các khoa đào tạo về ADR.

Ba là, công tác truyền thông về ADR

Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông qua các kênh truyền thông, các hội thảo, tọa đàm, các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật... để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết về ADR.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại là một trong những phương thức thay thế tòa án được áp dụng phổ biến trong hoạt động thương mại toàn cầu và là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Thách thức về trình độ, kỹ năng hành nghề của luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên của Việt Nam hiện nay phải được giải quyết bằng đào tạo bài bản, nghiêm túc, lâu dài để có được một đội ngũ chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại nói chung, cũng như trong lĩnh giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng, mới có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

/chu-tich-eurocham-evfta-la-thoa-thuan-ma-ca-viet-nam-va-eu-deu-thang.html