/ Tin nổi bật
/ Hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp sau 9 tháng thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH

Hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp sau 9 tháng thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH

22/08/2022 08:35 |

(LSVN) - Sáng 22/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo đó, trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ lập pháp; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với 137 nhiệm vụ lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, thường xuyên đôn đốc, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để nghe các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội báo cáo về công tác soạn thảo và nội dung các dự án luật; về công tác chuẩn bị thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn để hoàn thiện trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, kết quả cho thấy, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngày càng được nâng lên, đạt sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.

Sau 9 tháng triển khai Kết luận số 81, với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện, đến nay đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra. Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid– 19, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid– 19. Theo Kế hoạch còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 8 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh, 2 nghị quyết; tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật. Đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, ngay sau kỳ họp Quốc hội, các cơ quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý. Đến nay, đã có 5/6 dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp được đề ra tại Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; tăng cường năng lực cho các chủ thể và đổi mới quy trình lập pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động lập pháp; tổ chức hiệu quả hơn công tác lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý, thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa phương thức, phương tiện phục vụ thực hiện nhiệm vụ lập pháp...

Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả trong công tác lập pháp như: linh hoạt, sáng tạo tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra; sửa đổi ngay một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý. Việc điều chỉnh, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội linh hoạt, tổ chức các phiên họp bất thường, kể cả ngoài giờ hành chính, để kịp thời xem xét các tờ trình, báo cáo của Chính phủ và giải quyết những vấn đề phát sinh; bước đầu triển khai tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, thông qua pháp lệnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH như: một số cơ quan, tổ chức chưa kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, chậm gửi báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung theo yêu cầu về kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao; chưa quan tâm thỏa đáng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật được đề ra trong Kế hoạch; chất lượng của công tác nghiên cứu, rà soát đối với các nhiệm vụ lập pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

PV

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng