/ Tin tức
/ Hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trong quý I/2025

Hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trong quý I/2025

03/11/2024 18:16 |

(LSVN) - Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong trong quý I/2025 hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Ngày 02/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29.

Báo cáo về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận 91, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đã báo cáo các nội dung cần xin ý kiến Ủy ban quốc gia về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29.

Theo đó, Bộ GD&ĐT xin ý kiến các thành viên Ủy ban về việc thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học;

Quản lý viên chức ngành giáo dục; tiền lương cho nhà giáo; thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam; giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đầu tư công hiện đại hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập.

Đóng góp ý kiến, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Chương trình hành động đã đề cập tới xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập nhưng cần tập trung hơn nữa.

Đề cập tới một số "điểm nghẽn" của giáo dục hiện nay là thống nhất quản lý nhà nước, quản lý viên chức, tiền lương nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị đánh giá, rà soát để có giải pháp cho những vấn đề này.

Với quan điểm muốn phát triển phải có hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh và phải có các có các trường đẳng cấp quốc tế, bà Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị quan tâm nguồn đầu tư công để hiện đại hóa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, giao Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động, trình Chính phủ ban hành trong nửa đầu tháng 11/2024.

Cùng với đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý 03 nội dung trong dự thảo Chương trình hành động.

Đó là, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục-đào tạo để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng học và dạy, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc dạy học phù hợp lứa tuổi học sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực.

Và xây dựng cơ chế đẩy mạnh hình thành một xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đối với các vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu dự họp, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, lưu ý một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong trong quý I/2025, hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

TRẦN VIÊN (t/h)