Sáng ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Luật sư. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế và tồn tại để có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép sửa đổi Luật Luật sư, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Luật sư cho biết: Qua 15 năm thi hành Luật Luật sư, số lượng Luật sư hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 Luật sư (năm 2007) lên 17.284 Luật sư (số liệu tính đến ngày 31/12/2022). Trung bình mỗi năm số lượng Luật sư tăng thêm gần 1.000 Luật sư. Trong 15 năm qua, cả nước đã phát triển được hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư, đưa số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc từ 1.323 tổ chức hành nghề luật sư năm 2007 lên 5.429 tổ chức hành nghề luật sư năm 2022.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư, TS Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư là tương đối toàn diện và Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu thảo luận đề ra phương án để sửa đổi Luật Luật sư trong thời gian tới. Thống nhất xây dựng nghề luật sư, đội ngũ Luật sư đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.
Khẳng định thể chế của Đảng và Nhà nước đã mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ Luật sư hiện nay, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng vai trò của thể chế đóng vai trò rất quan trọng, hướng sửa đổi Luật Luật sư cần theo kịp xu thế của thế giới, cũng như nâng cao trách nhiệm của Luật sư đối với nhân dân và đất nước, để Luật sư làm tròn bổn phận của mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Cụ thể:
Một là, về xu thế của thế giới: Nhà nước quản lý Luật sư để đưa hoạt động vào nề nếp, tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư ngày càng phát triển. Liên đoàn Luật sư Việt Nam về cơ bản đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức và tất cả các hoạt động quản lý Luật sư đang đi vào nề nếp từ việc giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư, công tác đào tạo bồi dưỡng rất nghiêm túc và ít có ngành nào có số lượng buổi đào tạo nhiều như Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang tổ chức (hơn 100 buổi/1 năm).
Hai là, tổ chức hành nghề phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ba là, liên quan đến các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: Tất cả các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý ở các dự án lớn phải kèm theo 1 tổ chức hành nghề hoặc một vài tổ chức hành nghề của Việt Nam, hàng năm tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng Luật sư cho Luật sư Việt Nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải giám sát các tổ chức này và Bộ Tư pháp phải quản lý chặt chẽ để cùng phát triển.
Đề cập đến việc sửa đổi Luật Luật sư, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư,TS Phan Trung Hoài cho rằng, cần thiết sớm sửa đổi Luật Luật sư theo hướng nằm trong tổng thể các đạo luật khác, đồng thời xác định rõ vị trí pháp lý và vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ pháp chế XHCN, nâng cao năng lực hoạt động nghề nghiệp với tư cách bỗ trợ tư pháp.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện các tài liệu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Luật sư và nghiên cứu giải pháp quản lý hiệu quả hơn, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thi hành Luật Luật sư trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực trong các mặt: tham gia đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng chính sách pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng, hoạt động Luật sư nói riêng; thực hiện thành công việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc của Liên đoàn; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở trung ương và địa phương được chú trọng thực hiện; kịp thời giải quyết các sai sót, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số Luật sư, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho Luật sư; chú trọng hợp tác quốc tế, trợ giúp pháp lý trong hoạt động Luật sư…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu kết luận.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quan tâm phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát huy vai trò tự quản của Luật sư bằng việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường phối hợp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Luật sư thông qua việc phối hợp Ban Nội chính Trung ương và các ngành liên quan để kiểm tra, khảo sát triển khai Chỉ thị 33, Kết luận số 69 tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; phối hợp tạo điều kiện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong triển khai các nhiệm vụ; hỗ trợ các đoàn Luật sư địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh: Về vị trí vai trò Luật sư và hành nghề luật sư đã có nhiều chuyển biến hết sức tích cực. Số lượng Luật sư tăng lên nhanh, dịch vụ pháp lý mà Luật sư cung cấp ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Đặc biệt chất lượng tham gia tố tụng của đội ngũ Luật sư đã có rất nhiều tiến bộ được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận và đánh giá rất cao.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thi hành Luật Luật sư:
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
PV